Nhà nước không quản lý tiền công đức

Đó là khẳng định của bà Vũ Thị Hải Yến, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính sau khi Bộ này ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC, ngày 19/1/2023 (Thông tư 04) hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.
Vận hành chính thức Hệ thống quản lý văn bản và điều hành TP Hà Nội Tăng cường công tác điều hành, quản lý đảng viên thông qua chuyển đổi số Loại bỏ, chấn chỉnh những hiện tượng tiêu cực trong mùa lễ hội 2023

Những năm qua, việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội còn nhiều bất cập, có xu hướng thương mại hoá và lợi dụng tổ chức lễ hội vì mục đích kinh tế; còn để xảy ra tranh chấp ở một số di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng, nhất là các Khu di tích lịch sử quốc gia, Khu di tích quốc gia đặc biệt trong đó có di tích là cơ sở tôn giáo, làm ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo.

Thực tế, từ lâu cũng chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh về quản lý, thu chi đối với lĩnh vực này mà mới chỉ dừng ở công văn hướng dẫn thực hiện, chưa có tác dụng chế tài hiệu quả.

Những vấn đề trên đòi hỏi phải có một “hành lang pháp lý” quan trọng để góp phần quản lý minh bạch tiền công đức, tài trợ nhưng vẫn không gây cản trở các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.

Thông tư 04 ra đời trong bối cảnh dịp Tết Nguyên đán 2023 và mùa lễ hội diễn ra trên cả nước. Vì thế, sức “nóng” của Thông tư khiến dư luận quan tâm. Có ý kiến cho rằng, việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 04 là nhằm quản lý tiền công đức, tài trợ của các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.

Nhà nước không quản lý tiền công đức
Bà Vũ Thị Hải Yến, Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính (ảnh CTTBTC)

Về vấn đề này, bà Vũ Thị Hải Yến khẳng định, Thông tư 04 trước tiên là Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại khoản 6 Điều 19 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018.

Thông tư 04 hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội; trong đó thể hiện rõ quan điểm tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo; bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo;

Thứ hai, Nhà nước không quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đối với cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội (bao gồm cả việc tự quyết định về nội dung chi và mức chi cho hoạt động lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích), bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật;

Thứ ba, các khoản thu, chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được ghi chép, quản lý an toàn, công khai, minh bạch để tạo niềm tin cũng như phát huy hiệu quả và đem lại lợi ích chung cho toàn thể cộng đồng;

Điểm đáng chú ý là Thông tư 04 chỉ quy định có tính nguyên tắc, còn mức trích cụ thể để các địa phương tự quyết định. Điều này để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tế tại địa phương và từng di tích.

Cũng theo bà Vũ Thị Hải Yến, cả nước hiện nay có gần 9.000 lễ hội, trong đó có khoảng 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo, hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng, ngoài ra có gần 30 lễ hội du nhập từ nước ngoài.

Về di tích, cả nước có trên 10.000 di tích đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, gần 4.000 di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia, 123 di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; đồng thời, có trên 40.000 di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Thực tế, thời gian qua, người dân có nhu cầu rất lớn trong việc đóng góp cho hoạt động lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Chúng ta đang ở trong bối cảnh của xã hội số, nền kinh tế số, bên cạnh việc công đức, tài trợ theo hình thức bằng tiền mặt, thì việc công đức, tài trợ theo hình thức chuyển khoản là bình thường, không ảnh hưởng đến hành vi, thói quen công đức của người dân và cũng không cản trở các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Vì vậy, bà Yến cho rằng, việc ban hành Thông tư 04 thực sự cần thiết, tạo hành lang pháp lý để vừa tạo điều kiện cho người dân và các tổ chức tham gia đóng góp phát triển văn hóa đất nước, vừa tạo ra sự tin tưởng, minh bạch trong các hoạt động này, giúp đóng góp tích cực hơn cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích và lễ hội nói riêng, phát triển văn hóa của đất nước nói chung.

Hoa Thành
Phiên bản di động