Nguyên nhân gây ra nắng nóng với nhiều kỷ lục nhiệt độ bị xô đổ?

Mùa hè năm nay, thông tin về các đợt nắng nóng gay gắt, nhiệt độ gia tăng ngày càng nhiều trên khắp thế giới, vậy nguyên nhân gây ra các sóng nhiệt này là gì?
Những thực phẩm giải nhiệt ngày Hà Nội nắng gắt đỉnh điểm Đề phòng say nắng, say nóng khi Hà Nội chạm ngưỡng 39 độ "Dàn điều hoà" đặc biệt giúp Hà Nội giảm nhiệt ngày nắng nóng

Thủ đô Moscow của Nga vừa trải qua ngày tháng 6 nóng nhất trong vòng 120 năm qua, sau khi nhiệt độ ở thành phố chạm ngưỡng 34,7 độ C.

“Sự gia tăng nhiệt độ được ghi nhận ở Moscow trong những ngày này là điều chưa từng có suốt 120 năm qua”, Marina Makarova, một chuyên gia của Roshydromet, cho biết. "Điều này là do tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu".

Tuần qua, sóng nhiệt cũng quét qua Siberia và ở đây ghi nhân mức nhiệt cao nhất lên tới 48 độ C. Đây là điều không thể xảy ra ở khu vực sinh không khí lạnh lục địa.

Tại Canada cũng ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục trong lịch sử với 46 độ C ở Tây Nam, chính thức phá vỡ mốc lịch sử 45 độ C năm 1928, trở thành mức cao nhất chưa từng có từ trước tới nay.

Tại Mỹ, nắng nóng chưa từng có cũng càn quét khu vực Bắc Mỹ vốn có nhiệt độ ôn hòa, mát mẻ. Cơ quan Thời tiết Mỹ (NWS) cũng phát đi cảnh báo tương tự về "sóng nhiệt nguy hiểm", có thể gây ra nhiệt độ tăng kỷ lục ở các bang Washington và Oregon.

Tại Portland, Oregon, thành phố nổi tiếng với thời tiết mưa gió và ít khi có nắng, nhiệt độ ngoài trời là 44,5 độ C, cao kỷ lục kể từ khi NWS bắt đầu đo đạc từ năm 1940. Tại Seattle, Washington, nhiệt kế tăng vọt lên mức 40 độ C, phá kỷ lục năm 2009 ở mức 39,4 độ C.

Theo các nhà khoa học, vòm nhiệt chính là nguyên nhân gây ra nắng nóng và các đợt sóng nhiệt chưa từng có.

Nguyên nhân gây ra nắng nóng với nhiều kỷ lục nhiệt độ bị xô đổ?
Theo các nhà khoa học của NOAA, vòm nhiệt là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng sóng nhiệt, xô đổ nhiều kỷ lục về nhiệt độ ở các vùng trên thế giới

Vòm nhiệt xuất hiện khi bầu khí quyển giữ lại không khí nóng của đại dương giống như một cái nắp. Sự lưu thông áp suất cao trong khí quyển hoạt động giống như một mái vòm, giữ nhiệt ở bề mặt và tạo điều kiện cho sự hình thành sóng nhiệt.

Theo các nhà khoa học của NOAA, nguyên nhân chính của hiện tượng này là sự chênh lệch nhiệt độ đại dương từ tây sang đông ở vùng biển nhiệt đới Thái Bình Dương trong mùa đông trước đó. Nhiệt độ phía tây Thái Bình Dương trong vài thập kỷ qua đã tăng so với phía đông Thái Bình Dương, tạo ra độ dốc nhiệt độ mạnh hoặc chênh lệch áp suất dẫn đến gió trên toàn bộ đại dương vào mùa đông. Trong một quá trình được gọi là đối lưu, độ dốc làm cho không khí ấm hơn, được làm nóng bởi bề mặt đại dương, bốc lên ở phía tây Thái Bình Dương, và giảm đối lưu ở trung tâm và phía đông Thái Bình Dương.

Khi gió di chuyển không khí nóng về phía đông, sự dịch chuyển về phía bắc của dòng phản lực giữ không khí và di chuyển nó về phía đất liền dẫn đến các đợt sóng nhiệt.

Tại Việt Nam, ngày hôm qua 27/6 và hôm nay 28/6, ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 39 độ C, có nơi trên 39 độ C.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cảnh báo, đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt này ở Bắc Bộ và Trung Bộ còn kéo dài trong nhiều ngày tới.

Hà Nội có nắng nóng và nắng nóng gay gắt kéo dài đến hết tuần, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37 - 39 độ C, có nơi trên 39 độ C.

Đây là đợt nắng nóng thứ 6 được ghi nhận ở khu vực phía Bắc Việt Nam với nền nhiệt cao. Đợt nắng nóng này được dự báo không quá gay gắt như đợt thứ 5 vừa rồi nhưng kéo dài đến 2 tuần nữa mới kết thúc. Dù nắng nóng nhưng vẫn có giông ở khu vực miền núi phía Bắc tràn xuống bất ngờ. Cần đề phòng giông tương tự như siêu giông 13/6/2015 ở Hà Nội vì đảo nhiệt.

D.Minh
Phiên bản di động