Những "dàn điều hòa" cây xanh tự nhiên có trên một số tuyến đường như Phan Đình Phùng, Thái Hà, Trần Phú... đã giúp người đi đường phần nào giảm bớt cái nóng "như thiêu như đốt" trong những ngày này.

Sau hai ngày mưa giông cuối tuần qua, hôm nay (19/6) người dân Hà Nội đang phải trải qua đợt nắng nóng cục bộ. Nền nhiệt độ tại Hà Nội phổ biến trong khoảng từ 36 - 39 độ C.

Nhiệt độ ngoài đường, đặc biệt ở các tuyến đường không có cây xanh hoặc ít bóng cây xanh thường khá cao, lên đến khoảng 40 độ C, làm người dân khá mệt mỏi trong sinh hoạt và làm việc.

Hà Nội đang có tốc độ phát triển chóng mặt, những khu đô thị vệ tinh mọc lên như nấm. Bên cạnh nhu cầu mở đường phục vụ cho việc đi lại của người dân là mặt trái của nó khi hàng loạt những con phố vốn sở hữu những hàng cây xanh cổ thụ cho bóng mát, giờ phải chặt hạ, hoặc di dời phục vụ cho việc làm đường...

Đây là điều tất yếu trong việc lựa chọn sự phát triển đô thị, nhưng cũng để lại nhiều tiếc nuối cho người dân, khi Hà Nội vốn là 1 thành phố nổi tiếng về độ phủ xanh của cây cối...

Tuy vậy, tại những con phố trung tâm Thủ đô, vẫn còn những con đường rợp bóng cây, giúp việc đi lại, sinh hoạt của người dân được dễ chịu hơn trong những ngày hè nóng bỏng kỷ lục này...

Hiện nay, trên địa bàn các tuyến phố chính của 12 quận ở Hà Nội có khoảng 100 nghìn cây xanh với đường kính lớn. Số lượng cây cổ thụ có đường kính hơn 50cm chiếm khoảng 40% số lượng cây

Tại Hà Nội, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội được giao nhiệm vụ thực hiện công tác chăm sóc cây xanh sử dụng công cộng trên các tuyến phố chính trên địa bàn 12 quận và một số trục giao thông quan trọng của thành phố.

Ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, cho biết, theo quy định của UBND thành phố và Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay có khoảng 30 loại cây đã được kiểm chứng phù hợp với đô thị của Hà Nội.

Trong đó có rất nhiều loại cây đẹp như: Bằng lăng, cây sấu; một số chủng loại cây mới như cây sang, cây ban, cây nhội, cây sao đen, cây bàng lá nhỏ, cây chiêu liêu…; Một số loại cây có hoa đẹp như cây muồng hoàng yến, cây ban…

Hà Nội cũng có nhiều cây di sản, những cây có tuổi đời hơn 100 năm tập trung chủ yếu ở các tuyến phố như: Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương; một số tuyến phố cũ như Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền rồi chung quanh khu vực Bờ Hồ như Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Lê Thái Tổ.

Hà Nội hướng đến mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh

Báo cáo tại hội nghị giao ban UBND TP. Hà Nội quý I/2021 chiều 2/4/2021, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong quý 1 năm 2021 đã trồng được 23.850 cây xanh đô thị.

Trong quý I năm 2021 trên địa bàn Thành phố đã cắt tỉa cây được 14.454 cây bóng mát, trong đó 12.002 cây/81 tuyến đường phố, 14 vườn hoa, 3 công viên, 2 khu đô thị trên địa bàn 12 quận nội thành; 2.452 cây/4 tuyến đường tại các thị trấn, thị tứ, dọc các tỉnh lộ, quốc lộ trên địa bàn các huyện.

Riêng kế hoạch trồng mới, chăm sóc, duy tu, duy trì hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025, Sở Xây dựng cho biết đã có kế hoạch thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động và thực hiện Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 12/12/2020 của Chính phủ, Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào “tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021.

"Khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân trồng cây xanh, cây cảnh, trang trí hoa trong khuôn viên nhà mình. Để tiến tới, cây xanh trở thành cây cảnh, trở thành nét đẹp của kiến trúc cảnh quan đô thị, để Hà Nội trở thành thành phố 4 mùa hoa nở, luôn sáng, xanh, sạch, đẹp; phấn đấu năm 2021 trồng được hơn 300 ngàn cây các loại, đến năm 2030 mỗi một người dân Hà Nội trồng 1 cây xanh",Ông CHU NGỌC ANH
Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết thực hiện Chỉ thị số 45 của Thủ tướng Chính phủ và thiết thực hưởng ứng Chương trình trồng mới 1 tỉ cây xanh, trong 5 năm tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ đề án phục hồi, phát triển hệ thống cây xanh nhằm ứng phó với tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.

Bài viết: Phạm Mạnh