Nguy cơ nhiễm độc thủy ngân từ dịch vụ nha khoa

Bộ Y tế vừa chính thức có khuyến cáo về nguy cơ gây hại cho sức khỏe cộng đồng từ vật liệu trám răng có chứa thủy ngân.
Lạng Sơn: Trẻ 3 tuổi nuốt viên pin thủy ngân xuống đến thực quản

Ảnh hưởng của Amalgam đối với sức khỏe

Cuối tháng 3 vừa qua, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đã có văn bản gửi sở y tế các tỉnh, thành phố, đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh răng - hàm - mặt trên toàn quốc không sử dụng amalgam cho trẻ em dưới 15 tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú từ ngày 1.4.2019, đồng thời xây dựng lộ trình ngừng sử dụng amalgam trong nha khoa từ ngày 1.1.2021.

Đáng lưu ý, Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết: “Amalgam là vật liệu hàn răng có chứa thủy ngân (khoảng 50%), có thể gây ảnh hưởng nguy hại tới môi trường và sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là ảnh hưởng tới trẻ em dưới 15 tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú”.

Theo PGS Lương Ngọc Khuê, Cục đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh răng - hàm - mặt sử dụng các vật liệu nha khoa mới an toàn với sức khỏe và dễ tiếp cận để thay thế amalgam.

nguy co nhiem doc thuy ngan tu dich vu nha khoa

Tại Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền mới đây đã có văn bản yêu cầu các cơ sở y tế trong và ngoài công lập của Hà Nội có thực hiện chuyên ngành răng - hàm - mặt không sử dụng hỗn hợp nha khoa amalgam cho trẻ em dưới 15 tuổi và phụ nữ mang thai, cho con bú.

Liên quan đến ảnh hưởng của vật liệu răng amalgam đối với sức khỏe, PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), cho biết Amalgam là vật liệu được dùng để hàn răng khá phổ biến, tuy nhiên, chúng chứa hàm lượng thủy ngân lớn, có thể gây độc hại không chỉ cho người được hàn răng mà còn cả các nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực nha khoa khi tiếp xúc với vật liệu; thủy ngân còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, gián tiếp ảnh hưởng tới cộng đồng do thủy ngân từ môi trường vào chuỗi thức ăn.

Tác hại của thủy ngân

Theo ông Nguyễn Huy Nga, tác hại của thủy ngân tới sức khỏe con người đã được nhiều nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu. Loại chất này có khả năng tích lũy trong cơ thể, gây độc mạn tính, dẫn đến một số vấn đề như: giảm khả năng phòng bệnh, gây tổn thương một số cơ quan trong cơ thể như thận, gan; đặc biệt ảnh hưởng tới hệ thần kinh, trí thông minh.

Ngoài ra, amalgam là vật liệu trám răng kim loại nên có thể gây kích thích nhiệt độ nóng lạnh (qua thức ăn, đồ uống) và có thể gây kích ứng răng nướu, ảnh hưởng xấu đến cấu trúc của răng, làm giảm tuổi thọ của răng.

S-BS Võ Trương Như Ngọc (ĐH Y Hà Nội) cho biết: “Từ năm 2012, chúng tôi đã khuyến cáo về những tác hại do thủy ngân trong vật liệu trám răng, đã cập nhật trong các bài giảng cho sinh viên. Các đơn vị điều trị nha thuộc ĐH Y Hà Nội từ nhiều năm qua đã không sử dụng vật liệu chứa thủy ngân, vì đó là kim loại gây độc cho sức khỏe”.

BS Ngọc cũng lưu ý, nếu vật liệu trám răng chứa thủy ngân được trộn bằng máy thì sẽ kiểm soát được chính xác hàm lượng thủy ngân, đảm bảo an toàn cho sức khỏe nhưng giá thành rất cao, gần như tương đương với vật liệu mới thay thế hiện nay. Trong khi đó, thủy ngân trộn bằng tay không thể kiểm soát chính xác được liều lượng, lại có giá rẻ, rất khó để kiểm soát các cơ sở nha khoa sử dụng vật liệu nào.

Theo TS-BS Võ Trương Như Ngọc, để an toàn cho sức khỏe, khi sử dụng các dịch vụ nha có hàn, trám răng, khách hàng, bệnh nhân cần chủ động yêu cầu nha sĩ cho biết loại vật liệu mà họ sử dụng. Vật liệu trám răng chứa thủy ngân an toàn được đóng riêng biệt trong viên nhộng và có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, tốt nhất nên chủ động đề nghị nha sĩ sử dụng các vật liệu thay thế amalgam không chứa thủy ngân, đặc biệt đối với trường hợp là trẻ em dưới 15 tuổi, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
Huyền My
Theo Thanh niên
Phiên bản di động