Nguy cơ nhập viện cấp cứu do “bã” thức ăn
Bắc Giang: Cấp cứu kịp thời một sản phụ bị xoắn tử cung |
Tìm thấy miếng măng nằm trong tá tràng
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, khoa Điều trị bệnh Ống Tiêu hóa (A3A) của bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân H.T. (sinh năm 1960, quê ở Hòa Bình) có tiền sử mổ khâu lỗ thủng hành tá tràng.
Bệnh nhân có triệu chứng đầy bụng kém ăn, gầy sút cân (6kg/3 tháng), không có biểu hiện đau bụng, không buồn nôn, không nôn, không sốt, đại tiện bình thường. Khám thấy bụng mềm, không có điểm đau khu trú, không sờ thấy u cục.
Dị vật khi được gắp ra khỏi bệnh nhân H.T. |
Tại khoa Điều trị bệnh Ống Tiêu hóa, bệnh nhân được nội soi dạ dày. Kết quả thấy có dị vật dạng thức ăn hình khối, đóng khuôn gần giống chữ nhật, nằm trong tá tràng, màu đen nâu.
Qua nội soi, khối được cắt và gắp ra ngoài thành 2 mảnh to, và ít mảnh nhỏ. Miếng dị vật có kích thước 3x6cm. Khi đưa ra ngoài, dị vật được xác định là 1 miếng măng tính chất khá mềm nhưng dai và tước xơ, phía trong đã chuyển màu nâu sẫm.
Sau khi được gắp dị vật ra ngoài, bệnh nhân chia sẻ, từ Tết tới giờ, bệnh nhân đã không ăn măng, ăn thì cũng không nhai nên không hiểu miếng măng đã nằm ở đó bao lâu. Bệnh nhân cao tuổi không còn răng vì vậy ăn măng đều chỉ... nuốt vội vàng khiến miếng măng "tắc" lại trong dạ dạy. Bệnh nhân được tiếp tục điều trị thuốc dạ dày và kháng sinh do khi can thiệp có trầy xước niêm mạc dạ dày tá tràng.
Trước đó, theo thông tin từ Bệnh viện E Trung ương cho biết, các bác sĩ bệnh viện này đã điều trị cho cụ ông 72 tuổi bị tắc ruột sau khi ăn canh măng lưỡi lợn trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.
Bác sĩ Nguyễn Đình Liên - Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E Trung ương cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng từng cơn, bí trung và tiểu tiện, buồn nôn. Sau khi hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định mổ nội soi do nghi ngờ bị tắc ruột.
Trong quá trình phẫu thuật nội soi, bác sĩ đã lấy ra khỏi ruột bệnh nhân một khối rắn chắc, được xác định là bã thức ăn từ măng khô. Theo bác sĩ Nguyễn Đình Liên, do bệnh nhân đã cao tuổi, răng rụng gần hết nên không thể nhai kỹ các miếng măng, khiến măng không tiêu được nên bị tắc ở ruột.
Cũng trong dịp đầu năm mới, bệnh viện Thạch Thất đã tiếp nhận bệnh nhân 57 tuổi nhập viện trong tình trạng đau bụng, nôn nhiều lần. Sau khi thăm khám cho bệnh nhân, các bác sĩ đã chẩn đoán, bệnh nhân bị tắc ruột do ăn măng khô và có chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Măng không tiêu hóa được bị vón cục lại trong dạ dày rồi di chuyển xuống ruột non tạo thành một cái “nút” gây tắc ruột. Ngoài măng khô, các bác sĩ cũng cảnh báo, tắc ruột do bã thức ăn còn thường gặp sau khi ăn các chất xơ, dai khó tiêu hóa…
Người cao tuổi cảnh giác với những món ăn dễ gây "bã"
Bác sĩ Hoàng Kim Ngân - Khoa Điều trị bệnh Ống Tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khuyến cáo: "Dị vật thức ăn là những mảnh thức ăn lớn, cứng hoặc có đặc tính chát dính, chưa tiêu hóa hoàn toàn quện lại với nhau lâu ngày tạo thành khối lớn ở dạ dày hoặc tá tràng, không di chuyển được xuống ruột. Khối có thể gây tổn thương dạ dày tá tràng do cọ sát, hoặc gây tắc ruột nếu chúng xuống ruột".
Do vậy, người dân nấu ăn nên thái thức ăn nhỏ, dưới 1cm chiều dày và 4cm chiều dài để người ăn có răng kém thì vẫn ko mắc lại trong dạ dày. Đối với những món chất xơ như măng, với người không có hoặc răng yếu nên hạn chế ăn.
Nếu có những hiện tượng như đau bụng, buồn nôn, sau khi nuốt phải mảnh thức ăn lớn cứng (măng, cọng rau già..) hoặc ăn các chất chát dính như (tam thất, nghệ mật ong, hồng xiêm, chuối xanh…), nên đi đến cơ sở y tế uy tín để bác sĩ thăm khám và chỉ định nội soi dạ dày, phát hiện sớm dị vật thức ăn, tránh biến chứng không mong muốn xảy ra.
Bệnh nhân điều trị tại bệnh viện sau phẫu thuật tắc ruột non do "bã" thức ăn |
Để phòng tránh tắc ruột với những món ăn nhiều chất xơ, các bác sĩ khuyến cáo người cao tuổi nên lưu ý về thời điểm ăn, bởi nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ HCl cao, hoa quả có nhiều chất xơ, nhiều nhựa dễ bị kết tủa, làm dính các sợi xơ thực vật, dễ tạo thành khối bã rắn chắc.
Vì vậy, nguyên tắc khi sử dụng các loại thực phẩm dễ gây chứng tắc ruột là cần ăn ổi, hồng ngâm khi đã no, không sử dụng khi đói.
Món măng cần nấu kỹ, nhừ, nhai kỹ khi ăn. Việc uống đủ nước (ít nhất 2 lít nước/ngày), tăng cường vận động giúp ruột được lưu thông tốt hơn cũng là biện pháp hữu hiệu. Chế độ ăn bổ sung các loại rau xanh, mềm, có độ nhớt như: rau đay, mùng tơi, đậu bắp… giúp hệ tiêu hoá lưu thông thuận lợi.
Tắc ruột non là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp, tuy nhiên nếu được chẩn đoán và can thiệp trong vòng 24 giờ đầu tiên thì tiên lượng tốt, còn trường hợp chậm xử lý thì khả năng phục hồi của ruột sau điều trị càng kém.
Nguy hiểm hơn, việc xử trí muộn có thể gây mất nước, mất điện giải, hạ huyết áp, trụy mạch sớm, biến chứng hoại tử ruột, thủng ruột, viêm màng bụng, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân và có thể dẫn tới cả tử vong.