Nguy cơ mất an toàn thực phẩm dịp cận Tết
Tuyệt đối không sử dụng sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc Một số lưu ý về an toàn thực phẩm ngày Tết Năm 2024, Hà Nội xử phạt hơn 3.000 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm |
Ngộ độc thực phẩm luôn là mối lo ngại lớn trong dịp cận và trong Tết, khi người dân tiêu thụ nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm không rõ nguồn gốc trong các bữa liên hoan, tất niên,... Các loại thực phẩm kém chất lượng, chứa hóa chất độc hại hoặc không được bảo quản đúng cách có thể gây ra các vụ ngộ độc hàng loạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng con người.
Cảnh báo ngộ độc rượu cuối năm
Hồi giữa tháng 12 tại Hà Nội một công ty tổ chức tiệc cho 80 người tại một trung tâm hội nghị ở phường Phúc Lợi, quận Long Biên. Sau đó, 20 người có biểu hiện ngộ độc nhập viện, 18 bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai, 1 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và 1 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ngoài ra, có 2 người tham gia bữa tiệc bị tử vong ngoại viện chưa rõ nguyên nhân.
Tất cả bệnh nhân được đưa đi cấp cứu đều liên quan đến sử dụng dịch vụ ăn uống tại trung tâm hội nghị và uống rượu trắng do công ty tự mang vào. Ngoài ra, có 37 người cùng ăn, trong đó có 5 người uống rượu, 32 người không uống rượu nhưng không có triệu chứng khác thường.
Lực lượng chức năng đã lấy 53 mẫu thực phẩm và rượu có liên quan đến vụ việc tiến hành xét nghiệm. Theo kết quả xét nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, trong 6 mẫu rượu do công ty tự mang đến, có 2 mẫu rượu nồng độ methanol vượt quá giới hạn cho phép và phát hiện acetonitrile; 4 mẫu rượu khác các chỉ tiêu nằm trong giới hạn cho phép.
Vụ ngộ độc ở Long Biên đã khiến bệnh nhân nhập viện, phải đặt nội khi quản, thở máy, lọc máu (Ảnh: BVCC) |
Ngày 23/12, Bệnh viện Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thông tin về sức khoẻ của 4 người nhập viện cấp cứu do uống rượu mua ở tiệm tạp hoá. Theo đó vào ngày 21/12, bệnh viện tiếp nhận 4 người đàn ông ở phường 11 (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vào cấp cứu trong tình trạng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, nghi bị ngộ độc rượu. Trong đó, có một bệnh nhân bị nặng, ngưng tim, ngưng thở nhưng may mắn được bác sĩ hồi sức kịp thời nên qua cơn nguy kịch.
Tối 19/12, cả 4 người này mua rượu ở một quán tạp hóa tại phường 11 và mang đến uống tại một quán bánh canh cá lóc trong hẻm 880 đường 30/4 (phường 11). Sau đó, cả nhóm xuất hiện triệu chứng khó thở, mệt mỏi nghi ngộ độc rượu và được đưa đi cấp cứu.
Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy, 4 bệnh nhân có tình trạng toan chuyển hóa nặng, chẩn đoán ngộ độc methanol, được chỉ định lọc máu liên tục tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Vũng Tàu.
Trong đó, một bệnh nhân hôn mê, vẫn đang được lọc máu và tiên lượng xấu. Những bệnh nhân còn lại đã qua nguy hiểm và đang tiếp tục được theo dõi.
Nhiều cơ sở sản xuất không đảm bảo vệ sinh ATTP
Vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) số 1 của TP Hà Nội đã kiểm tra công tác bảo đảm ATTP dịp Tết và lễ hội Xuân năm 2025 tại xưởng sản xuất – Công ty TNHH Thực phẩm Hải Việt tại quận Hà Đông.
Ghi nhận tại buổi kiểm tra thực tế, cơ sở vật chất tại cơ sở này hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Nhà xưởng không được bảo dưỡng thường xuyên, mạng nhện phủ khắp nơi, môi trường không đảm bảo vệ sinh.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn ghi nhận cơ sở Hải Việt đang sản xuất số lượng lớn mặt hàng bánh kẹo phục vụ dịp Tết. Nhiều dây chuyền hoạt động liên tục với hàng nghìn sản phẩm được đóng gói tại chỗ.
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của TP đã kiểm tra tại cơ sở bánh cốm Nguyên Ninh |
Tuy nhiên, các sản phẩm thành phẩm đặt trực tiếp trên sàn nhà, không có biện pháp bảo vệ trước nguy cơ ô nhiễm từ môi trường. Người lao động không sử dụng quần áo bảo hộ, găng tay hay khẩu trang khi trực tiếp tiếp xúc với sản phẩm.
Gần đây nhất, đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của TP đã kiểm tra tại cơ sở bánh cốm Nguyên Ninh (số 11 Hàng Than, quận Ba Đình).
Qua kiểm tra đột xuất thực tế tại cơ sở sản xuất bánh cốm Nguyên Ninh hiện cơ sở có 5 nhân công lao động sản xuất và 1 chủ cơ sở.
Tuy nhiên chủ cơ sở chưa xuất trình giấy khám sức khỏe và xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và 5 người lao động; hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của tất cả các nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết: Đáng lo ngại hơn, điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.
Khu vực sản xuất không bố trí theo nguyên tắc một chiều, không phân khu riêng biệt, khu vực sản xuất chung với khu vực sinh hoạt của gia đình; không có khu vực đóng gói, dán nhãn sản phẩm
Tường trần nền khu vực sản xuất ẩm mốc, rạn nứt, bong tróc, xuống cấp toàn bộ; cống rãnh khu vực sản xuất hở, ứ đọng nước rác. Trong khu sản xuất có 1 nhà vệ sinh và các khu vực sinh hoạt của gia đình tiềm ẩn nguy cơ lây chéo.
Khu vực sản xuất sắp xếp lộn xộn, thiếu chế độ vệ sinh thường xuyên; quần áo tư trang phơi giặt trong khu vực sản xuất. Người lao động không có trang phục bảo hộ riêng, dụng cụ sơ chế, sản xuất chuyên dụng.
Cơ sở cũng không trang bị dụng cụ phòng chống côn trùng, động vật gây hại, có côn trùng và động vật gây hại trong khu vực sản xuất, thiếu chế độ vệ sinh thường xuyên đối với trang thiết bị dụng cụ để sản xuất thực phẩm.
Đoàn ghi nhận, khu vực sản xuất không bố trí một chiều, không phân khu riêng biệt, sắp xếp lộn xộn. Qua kiểm tra, đoàn yêu cầu cơ sở bánh cốm Nguyên Ninh tạm dừng hoạt động. Đồng thời, Đoàn giao Ban chỉ đạo quận tiếp tục giám sát việc cơ sở tự khắc phục.