Nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết dồi dào, đa dạng

Nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 dồi dào, đa dạng, lượng khách hàng đến mua sắm tại các siêu thị từ sau Tết ông Công ông Táo tăng khoảng 30% so với trước đó...
Hàng hóa dồi dào, không có biến động bất thường trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão

Chiều tối 5/2, Đoàn công tác của Bộ Công thương và UBND TP Hà Nội đã đi kiểm tra công tác triển khai phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Theo báo cáo của các siêu thị, đơn vị đã xây dựng kế hoạch và ký kết các hợp đồng khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 7 - 25% tùy từng mặt hàng so với cùng kỳ Tết năm 2023, trọng tâm là các mặt hàng lương thực, thực phẩm.

Tại các điểm bán, lượng hàng hóa được tăng cường 15 - 40% sẵn sàng phục vụ của người dân (trong đó, tỷ trọng hàng Việt Nam chiếm 90%).

Các doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra.

Nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết dồi dào, đa dạng
Trái cây phục vụ Tết đầy siêu thị.

Qua kiểm tra thực tế, hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết tại các hệ thống phân phối dồi dào, đa dạng. Nhu cầu mua sắm của người dân tăng mạnh nhất là thời điểm sau Tết ông Công ông Táo, các nhà phân phối cũng cam kết giữ bình ổn giá.

Tại hệ thống siêu thị Co.opmart Hà Nội, công tác chuẩn bị hàng Tết được siêu thị triển khai cách đây 6 tháng.

Trong đó, các nhóm hàng lương thực thực phẩm thuộc chương trình bình ổn thị trường được dự trữ tăng từ 20 - 50% tùy theo nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường, với tổng giá trị lên đến 10.000 tỷ đồng. Do đó, nguồn cung hàng hóa dồi dào và đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo đúng dự báo của siêu thị, lượng khách hàng tăng thời điểm từ khoảng trước Tết 3 tuần. Đặc biệt, lượng khách hàng từ sau Tết ông Công ông Táo đến nay tăng khoảng 30%.

Nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết dồi dào, đa dạng
Hàng hóa phục vụ Tết dồi dào.

Còn tại siêu thị Aeon Mall Hà Đông, thời điểm chiều tối 5/2, lượng khách hàng đổ về rất đông. Các mặt hàng hoa quả, đồ thực phẩm tươi sống hút người tiêu dùng. Đáng chú ý, để kích cầu tiêu dùng, siêu thị vừa mới đưa ra chương trình khuyến mại giảm thêm 5% với tất cả các mặt hàng mà siêu thị đã đưa ra chương trình khuyến mại trước đó.

Cùng với công tác chuẩn bị nguồn cung hàng hóa, về công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa, bà Trần Thị Phương Lan – Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch đặc biệt để kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn và triển khai đồng loạt trên 30 quận, huyện, thị xã.

Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm của TP Hà Nội cũng tổ chức 4 đoàn kiểm tra liên ngành triển khai trên các điểm kinh doanh sản xuất tại địa bàn thành phố. Đặc biệt, thường xuyên có đợt kiểm tra đột xuất đối với những chuỗi siêu thị, hệ thống bán lẻ để đảm bảo chất lượng hàng hóa khi đến với người tiêu dùng Thủ đô.

Đối với toàn bộ hệ thống phân phối trên địa bàn TP Hà Nội đều được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật và phải niêm yết công khai chứng nhận đủ đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, các cơ sở phân phối kinh doanh đều phải kiểm soát bảo đảm chất lượng đầu vào, các sản phẩm đều phải có tem truy xuất nguồn gốc, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, chứng minh bảo đảm đúng các quy định của Nhà nước.

Còn theo tổng hợp của Bộ Công thương từ báo cáo của các địa phương, công tác chỉ đạo các sở ban ngành, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn trong việc chuẩn bị nguồn hàng hóa được các địa phương quan tâm chỉ đạo, thực hiện sớm.

Các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết của người dân như: Lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo, xăng dầu...

Phần lớn các địa phương thực hiện chương trình bình ổn thị trường dựa vào nguồn vốn xã hội hoá của doanh nghiệp và thông qua chương trình kết nối với các tổ chức tín dụng để được vay với lãi suất ưu đãi trong thời gian thực hiện chương trình.

Tại các địa phương, công tác bảo đảm cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cũng đã được triển khai từ rất sớm. Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, tình hình hàng hóa dồi dào, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, đáp ứng nhu cầu mua sắm của Nhân dân, giá cả không có biến động bất thường.

Hậu Lộc
Phiên bản di động