Người lao động đặt trọn kỳ vọng vào Luật Công đoàn (sửa đổi)

Việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận người lao động còn khó khăn đòi hỏi sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đây là bối cảnh chính để các cơ quan bắt tay xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) nhằm bảo đảm cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Sôi nổi Hội thi đoàn viên công đoàn với công tác dân số và phát triển

Trăn trở từ một xóm trọ

Tối 7/10, trong căn phòng trọ diện tích chừng 6m2 ở phường Phú Xá (thành phố Thái Nguyên), chị Hoàng Thị Huệ (Đại Từ, Thái Nguyên) vội vã ăn bữa cơm đơn giản, chuẩn bị vào ca tối. Cũng như chị Huệ, phần đa những người thuê tại xóm trọ hơn 30 phòng này cũng đang rục rịch cho những giờ lao động sắp tới, dù lúc này, đồng hồ đã quá 20h.

Chị Huệ sinh năm 1986, đã lập gia đình và có 2 con. Tuy nhiên, 9 năm qua, chị chỉ có thể thăm gia đình và chăm lo cho các con vào cuối tuần. Thời gian còn lại, chị cắm cúi với dây chuyển sản xuất, sau đó là mệt mỏi đóng mình trong căn phòng trọ tối giản.

Người lao động đặt kỳ vọng vào Luật Công đoàn (sửa đổi)
Chị Hoàng Thị Huệ (Đại Từ, Thái Nguyên) trong căn phòng trọ đơn giản

Mức lương của chị Huệ khoảng hơn 5 triệu, nếu tăng ca sẽ nhận được dư 6 triệu. Tiền phòng 700 nghìn, cộng cả điện nước sinh hoạt, chị phải trả cho chỗ ở hơn 800 nghìn đồng mỗi tháng. Tính cả các chi phí khác và những bữa ăn tằn tiện, chị để ra được khoảng 3.5 triệu đồng để gửi về nuôi con. Không còn gì khác.

Cùng xóm trọ với chị Huệ, gia đình chị Ma Thị Nga, anh Ma Văn Nam quê mãi huyện Định Hoá, cách thành phố Thái Nguyên gần 70km. Anh Nam và chị Nga đều là người dân tộc Tày, lấy nhau ở quê. Sau năm trước, họ dắt díu nhau ra thành phố Thái Nguyên với mong muốn kiếm tiền trang trải cuộc sống. Chị Nga xin vào làm công nhân, còn anh Nam làm việc tự do, ai nhờ gì làm nấy.

Người lao động đặt kỳ vọng vào Luật Công đoàn (sửa đổi)
Chị Ma Thị Nga bế con trai chơi trong xóm trọ

Trong căn phòng trọ cũng 6m2, họ đón đứa con trai đầu lòng. Đứa bé hiện tại đã hơn 3 tuổi, nhưng chưa một lần được đi công viên. Hàng tháng, số tiền chi phí gửi trẻ dành cho nó đã là 1.5 triệu đồng, tức là chiếm phần kha khá trong tổng thu nhập của hai vợ chồng. Tiền đâu mà đi công viên.

Cũng trong xóm trọ nói trên, có cô công nhân xinh xắn gần 30 tuổi nhưng chưa có bạn trai. Lại có người đàn ông trung niên lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị công ty sa thải vì "cơ cấu lại nguồn lao động". Tất cả đều là những mảng trầm trong bức tranh lớn về đời sống công nhân, người lao động hiện nay.

Cận cảnh một phòng trọ
Cận cảnh một phòng trọ

Thực tế, theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, những nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã cải thiện rõ rệt đời sống của người lao động trong thời gian qua, song, một bộ phận vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Ngoài hạn chế về tài chính, người lao động còn đối diện với các vấn đề cả về vật chất và tinh thần. Một số người lao động không có điều kiện chăm sóc gia đình, thậm chí không có cơ hội để xây dựng gia đình. Đồng thời, họ đối diện với nguy cơ nghèo hoá, không có lương hưu khi về già.

Ký thác kỳ vọng vào Luật Công đoàn (sửa đổi)

Từ những vấn đề thực tiễn của đời sống, nhiều chuyên gia cho rằng, người lao động cần được sự

hỗ trợ, chăm lo sâu sắc, toàn diện hơn nữa từ Công đoàn, tổ chức đại diện cho quyền lợi của họ.

Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, Luật Công đoàn hiện hành (còn gọi là Luật Công đoàn 2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013) là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Nhưng, sau hơn 10 năm thực hiện đã xuất hiện những yêu cầu, đòi hỏi cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Công đoàn.

Người lao động đặt kỳ vọng vào Luật Công đoàn (sửa đổi)
Dây chuyền cán thép của Tổng Công ty Gang thép Thái Nguyên

Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) được kỳ vọng đáp ứng các yêu cầu của tình hình mới. Không chỉ đảm bảo quyền lợi cho người lao động Việt Nam, mà còn góp phần giúp Công đoàn Việt Nam phát triển vững mạnh trong môi trường cạnh tranh quốc tế.

Cũng theo Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương, 37 điều (sửa đổi, bổ sung 32 điều; thêm mới 5 điều), bỏ 1 điều so với Luật Công đoàn 2012.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin về Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin về Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

Đáng chú ý, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) có một số nội dung thay đổi chủ yếu như: Sửa đổi về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới; hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam; hoàn thiện các quy định của pháp luật công đoàn, đảm bảo cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh mới.

Vũ Cường
Phiên bản di động