Người Hà Nội đằm sâu niềm vui “non sông liền một dải”
Những năm chiến tranh ác liệt, Hà Nội đã cống hiến rất nhiều sức người, sức của, góp phần trở thành “hậu phương lớn” chi viện cho “tiền tuyến lớn”. Dù tiếng súng đã tạm ngưng ở miền Bắc nhưng những tin tức thời sự nóng hổi về chiến trường miền Nam vẫn được người dân Hà Nội đón đợi từng ngày.
Sau trận “Điện Biên Phủ trên không” tại Hà Nội năm 1972, người Hà Nội càng thấu hiểu sự ác liệt, mất mát, đau thương mà đồng bào ta ở những nơi còn bom đạn còn rền vang phải gánh chịu. Điều đó càng đẩy quyết tâm phải nhanh chóng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, để hòa bình thực sự trở lại Tổ quốc thân yêu.
Thời điểm những năm 1970, cũng giống như cả nước, thanh niên Hà Nội sục sôi lên đường nhập ngũ. Biết bao thế hệ thanh niên Hà Nội “xếp bút nghiên theo việc đao cung”, nối gót cha anh mình đi vào chảo lửa của chiến tranh với niềm hy vọng bất diệt về chiến thắng ngày mai.
Những người Hà Nội sống thời đó, nhất là những sinh viên đại học Tổng hợp khoa Văn ra chiến trường với những trang thơ, cuốn sổ nhật ký thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước. Nhiều người còn nhớ lại, trong buổi tiễn các sinh viên ưu tú lên đường, thầy hiệu trưởng Ngụy Như Kon Tum xúc động rưng rưng. Chính ông cũng tiễn người con trai út của mình lên đường nhập ngũ năm 1975.
Ông Phạm Thành Hưng, sinh viên Văn khoa ngày ấy kể lại: “Ngày 6/9/1971, trường làm lễ xuất quân cho chúng tôi trên sân vận động Thượng Đình… Gần 500 tân binh của trường đội ngũ chỉnh tề, im lặng lắng nghe lời dặn dò nhỏ nhẹ của thầy. Mái tóc của thầy như trắng hơn dưới màu đỏ của lá cờ treo cao trên khán đài…
Suốt những năm tháng gian nan khốc liệt ở vùng vĩ tuyến 17, tôi nhớ bạn, nhớ thầy của một năm đại học với nỗi khát khao được trở lại học hành. Lý tưởng chiến đấu của tôi không xa xôi, trừu tượng mà trở nên cụ thể. Tôi cầm súng vì phía sau mình là trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với mái đầu huyền thoại của thầy hiệu trưởng Ngụy Như Kon Tum”.
Sau đó, gần 500 người chào bạn, chào thầy ra đi buổi ấy. Nhiều người đã trở thành liệt sĩ, vĩnh viễn không về. Lác đác trong số sinh viên hai khoa Văn - Sử, có mấy người trở thành nhà thơ. Chiến tranh cộng với tri thức đại học không rèn họ trở thành anh hùng mà thành thi sĩ. Tất cả những chàng trai trai trẻ ấy đều là những anh hùng âm thầm, vô danh của cuộc kháng chiến. Bởi vì tất cả đều có những giây phút hành động một cách cao cả.
Trong cuốn truyện nổi tiếng “Quân khu Nam Đồng” của tác giả Bình Ca, người đọc cũng sẽ nhận ra chất trai Hà Nội qua các nhân vật Giang, Việt. Họ viết đơn xin nhập ngũ từ những năm cuối cấp ba, khi chưa đủ tuổi.
Con nhà lính, dù có ngang tàng quậy phá theo lứa tuổi hoa niên nhưng trong sâu thẳm con người họ vẫn là khát khao cống hiến cho Tổ quốc, mong được chiến đấu cho hòa bình. Những người con của Hà Nội ấy được lấy từ nguyên mẫu đời thật nên sự hy sinh của họ trong chiến tranh càng để lại trong lòng bạn đọc những xót xa, ngậm ngùi.
Bước chân vào chiến trường, những người con của Hà Nội không chỉ chiến đấu quả cảm, hy sinh anh dũng mà còn trở thành những nhà văn, nhà thơ ghi lại, kể lại và nhiều năm sau còn tiếp tục hành trình viết về chiến tranh. Có thể kể đến các liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc với những cuốn nhật ký để lại truyền cảm hứng sống và cống hiến cho các thế hệ trẻ tuổi cả nước sau này.
Có thể kể đến các nhà văn, nhà thơ như Phạm Ngọc Tiến, Hoàng Nhuận Cầm với các tác phẩm “Tàn đen đốm đỏ” hay các tập thơ “Xúc xắc mùa thu”, kịch bản phim “Mùi cỏ cháy”, “Hà Nội mùa đông năm 46” lay động tâm hồn biết bao người đọc.
Còn rất nhiều những người con của Hà Nội chiến đấu tại chiến trường miền Nam đã ngã xuống hay may mắn được trở về với Hà Nội của mình. Bây giờ, hầu hết các phường, các quận của Hà Nội đều có nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và các nghĩa trang liệt sĩ. Những địa điểm này vẫn được nhân dân thắp nhang khói quanh năm và trở thành nơi giáo dục lý tưởng cho các thế hệ thanh, thiếu niên Hà Nội.
Cụ Nguyễn Thị Xuân (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, ngày này cách đây 44 năm, khi tin chiến thắng dội về, cụ cũng như bao nhiêu người Hà Nội khác vỡ òa niềm vui. Suốt nhiều ngày liền, nhân dân tim đập rộn ràng, làng phố tưng bừng các bản hòa ca, lòng người reo vui vì hạnh phúc nhưng cụ vẫn giấu một nỗi niềm sâu kín.
Người chồng và người con trai của cụ vào chiến trường đã lâu không tin tức gì. Vui thì vui đấy mà sự thấp thỏm, âu lo vẫn khiến cụ mong ngóng, đợi chờ. May mắn thay, một thời gian sau, cả gia đình đã được đoàn tụ bên nhau. Cụ bảo, lúc ấy niềm vui như lắng lại, bởi hàng xóm, bạn bè của cụ cho đến giờ vẫn có người đợi chờ chồng, con dù biết họ chẳng bao giờ về nữa.
44 năm đã trôi qua, những mất mát đau thương đã lùi xa, nhiều người Hà Nội kìm nén nỗi niềm riêng tư để hòa chung niềm vui của dân tộc. Phố phường Thủ đô những ngày này rộn rã cờ hoa. Trong nhiều ngôi nhà, tiếng nhạc, những bài ca thống nhất, những bài hát nhạc cách mạng phát đi phát lại không khiến những người xung quanh cảm thấy ồn ào mà còn hòa giọng hát theo.
“Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay, rộn ràng và mê say những bước chân dồn về đây. Sài Gòn ơi, vững tin đã bao năm rồi một ngày vui giải phóng. Ta nghe như vang tiếng Bác Hồ dậy từ non sông, rạo rực sao hôm nay Bác vui với hội toàn dân. Thành đồng ơi sắt son đã vang khải hoàn. Ôi hạnh phúc vô biên hát nữa đi em những lời yêu thương...”. Những giai điệu rộn rã tươi vui ấy đã nói lên tấm lòng của người Hà Nội gửi gắm vào miền Nam yêu dấu.
Dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, nhiều người về quê, người đi chơi xa nhưng cũng có rất nhiều gia đình chọn ở lại Hà Nội để cùng nhau làm những việc thật ý nghĩa. Những người lính đóng bộ quân phục, đeo quân hàm, quân hiệu và những huân, huy chương lấp lánh trang trọng dắt con, cháu đi viếng nghĩa trang liệt sĩ.
Những cựu chiến binh, các bà mẹ cùng con dọn dẹp ngõ phố để chào đón ngày lễ lớn của đất nước. Có những đoàn thanh niên đến thăm hỏi, tri ân các gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng, những người có công với Tổ quốc.
Còn có những người Hà Nội vào với thành phố Hồ Chí Minh, ngắm sự đổi thay của “thành đồng Tổ quốc” sau 44 năm cơ thể Việt Nam trọn vẹn, miền Nam miền Bắc anh em một nhà.
44 năm trôi qua, hạnh phúc trọn vẹn, hạnh phúc đằm sâu để mỗi người trong chúng ta tự hào đi tới, học tập, lao động và cống hiến nhiều hơn cho đất nước mà cha ông đã dày công bảo vệ, giữ gìn, dựng xây cho hòa bình như ngày nay.
Đổi mới mạnh mẽ, sáng tạo trong xây dựng văn hóa, con người Hà Nội |
Thiếu nhi Thủ đô thi tìm hiểu nếp sống văn hóa người Hà Nội |