Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền không được ra khỏi thành phố, không được lơ là bỏ địa bàn
Chiều 10/5, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp trực tuyến với các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố để tiếp tục triển khai các biện pháp phòng,chống dịch.
Các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị |
Chủ động phát hiện các ca mắc ngoài cộng đồng
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 29/4/2021 đến nay, Hà Nội ghi nhận 46 ca mắc ngoài cộng đồng tại 11 quận, huyện (Thường Tín, Đông Anh, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Gia Lâm, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Ba Đình, Thanh Oai, Hai Bà trưng)
Với sự thần tốc truy vết, bao vây, xử lý dịch kịp thời, đến nay TP đã cơ bản kiểm soát được lây nhiễm từ các chùm ca bệnh liên quan tới Hà Nam, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, ca bệnh Ấn Độ, chuyến bay VN 160. Liên quan tới ổ dịch của 2 bệnh viện và đặc biệt là từ ổ dịch tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đang là mối quan ngại lớn, số ca mắc vẫn tiếp tục được ghi nhận.
Từ ngày 29/4/2021 đến nay, TP đã xét nghiệm 24.973 người, trong đó: 11.554 trường hợp F1 và các trường hợp liên quan đến ca bệnh; 13.419 người có nguy cơ cao (khu vực có bệnh nhân, ổ dịch chưa rõ nguồn gốc, khu vực có nhiều người nước ngoài, khu vực nhà hàng, quán Bar, Masage,chợ đầu mối chợ, bến xe/bến tầu, khu công nghiệp) để chủ động phát hiện các ca mắc ngoài cộng đồng (kế hoạch xét nghiệm cho 15.000 người)
TP đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch theo Nghị quyết 21 với tổng số 69.677 liều. Trong đó, đợt 1 tiêm 8.749/8.000 liều đạt 109,4%, có 12 trường hợp phản ứng nặng (độ 1 đến độ 3), hiện sức khỏe đã ổn định. Đợt 2 tiêm 60.928/53.350 liều, đạt tỷ lệ 114,2%, có 05 trường hợp phản ứng nặng (độ 1 đến độ 3), hiện sức khỏe đã ổn định.
Sở Y tế nhận định, các ca bệnh tại Hà Nội đều xác định được nguồn lây truyền, tuy nhiên nguy cơ phát sinh thêm các ca mắc mới trong công đồng trong thành phố vẫn rất cao. Trước mắt, Hà Nội vẫn đang triển khai đồng bộ các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh, tuy nhiên với các nhận định dự báo, thành phố vẫn cần phải chuẩn bị các kịch bản trong trường hợp tiếp tục phát sinh, ghi nhận các ca lây nhiễm mới trong cộng đồng trên địa bàn thành phố.
Các đồng chí Thường trực Thành uỷ chủ trì hội nghị |
Báo cáo tại hội nghị, các quận, huyện, thị xã cho biết đang tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trên địa bàn.
Lãnh đạo huyện Đông Anh cho biết đang tiếp tục rà soát cộng đồng, triển khai lấy các mẫu xét nghiệm.
Huyện đã chỉ đạo khoanh vùng cách ly 3 lớp toàn huyện; Đảm bảo “3 trước, 4 tại chỗ”. Thời gian tới, huyện duy trì phương châm bình tĩnh, tranh thủ kịp thời gian vàng; Đồng thời thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”.
Đại diện huyện Gia Lâm đề xuất dừng cấp căn cước công dân tại các khu vực có dịch, cho xét nghiệm diện rộng 4 thôn thuộc xã Kim Sơn, công bố nhanh các trường hợp F1 để thuận tiện hơn cho công tác truy vết, cách ly.
Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở Công thương đã chuẩn bị dự trữ một lượng hàng gấp 3 lần bình thường với 17 nhóm hàng thiết yếu để chuẩn bị cho phương án dịch bùng phát mạnh. Sở cũng lên kịch bản cung ứng hàng hóa khi dịch bùng phát ; Xây dựng phương án cung cấp hàng cho khu vực cách ly… Sở Công thương đề nghị các quận, huyện, thị xã quyết liệt dẹp chợ cóc, chợ tạm bởi đây là nguồn nguy cơ lây nhiễm cao.
Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết, công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tới thời điểm này đang được thực hiện đúng tiến độ. Hiện có một số nội dung phát sinh do dịch bệnh và đang được triển khai thực hiện như: Rà soát biến động danh sách cử tri; Lên phương án bầu cử cho các điểm cách ly; Lên kịch bản chi tiết cho ngày bỏ phiếu 23/5…
Người đứng đầu cấp ủy không được ra khỏi thành phố, không được lơ là bỏ địa bàn
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết, ứng phó với đợt dịch này, Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Trung ương, Thành ủy theo phương châm chủ động, quyết liệt, kịp thời nhưng vẫn linh hoạt trong mọi tình huống. Đặc biệt các chỉ đạo đều cao hơn mức quy định, tập trung cao độ vào 11 quận, huyện và 28 điểm cách ly.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, nguy cơ số ca mắc sẽ tăng ở 3 nhóm, gồm: F1 đang được cách ly; 2 bệnh viện đang cách ly trên địa bàn và các F0 từ các địa bàn lân cận. Vì vậy, Hà Nội cần tăng cường chỉ đạo xuyên suốt trong thời gian tới.
Trong đó, tăng cường các biện pháp phòng dịch ở công viên, vườn hoa, sân bóng, quán bia hơi… Tăng khoảng cách giãn cách “5K” ở mức cao hơn; Nâng mức khuyến cáo người dân từ “không ra khỏi nhà nếu không cần thiết” thành “tụ tập đông người sẽ bị xem xét xử lý”…
Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh Hà Nội đã ứng phó đợt 5 của dịch Covid-19 một cách rất quyết liệt, không cực đoan. Đặc biệt trong khó khăn đã xuất hiện các mô hình, cách làm hay.
Nhấn mạnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Bí thư Thành ủy yêu cầu cả hệ thống chính trị tỉnh táo, sáng tạo trong điều hành.
Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp, ngành từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường, thôn, tổ dân phố tiếp tục thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, “thần tốc” hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch và kêu gọi các cán bộ, đảng viên và Nhân dân tuyệt đối không lơ là, chủ quan, nhưng cũng không bi quan, lo lắng thái quá.
Các đồng chí Bí thư cấp ủy, người đứng đầu các địa phương, đơn vị từ quận, huyện đến xã, thôn, tổ dân phố phải thực sự là những “tư lệnh” trên mặt trận chống dịch với tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “4 tại chỗ”, "rà từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”; Phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, với các giải pháp phù hợp từng đặc điểm, điều kiện, thời điểm của địa bàn, khu vực thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư.
Bí thư Thành ủy nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, xử lý tình huống dựa trên thực tiễn, không để một người chủ quan, cả xã hội phải vất vả; Đồng thời cũng không thực hiện giãn cách, phong tỏa một cách cực đoan, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội. Bí thư, Chủ tịch các cấp, từ tỉnh đến huyện, xã, thôn phải vào cuộc với tinh thần cao nhất, chống dịch như chống giặc, mỗi tỉnh là một pháo đài, mỗi huyện là 1 pháo đài, mỗi xã là 1 pháo đài, mỗi người dân là 1 chiến sĩ, là 1 thành viên của pháo đài, thì chúng ta mới ngăn chặn được dịch bệnh.
Nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất vì sức khỏe, tính mạng và sự bình yên của Nhân dân, người đứng đầu Đảng bộ TP Hà Nội yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị, Nhân dân cùng vào cuộc, chung tay phòng chống dịch và thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo để chỉ đạo kịp thời, làm chủ trong công tác phòng, chống dịch trong thời gian sớm nhất; Tuyệt đối không để sót, không bỏ lọt F1, F2, F3 và các ca nghi ngờ.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã các địa phương có dịch chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn mình; Đặc biệt không được ra khỏi thành phố, không được lơ là bỏ địa bàn.
“Nơi nào nếu để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình mắc bệnh Covid-19 do lỗi lơ là, chủ quan, không gương mẫu tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, không kiểm soát tốt, buông lỏng quản lý, thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm theo quy định. Xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để dịch bệnh lây lan”- Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Lưu ý, từ nay đến ngày bầu cử không còn nhiều, trong khi đó diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội TP cần tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt công tác chuẩn bị bầu cử bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra thành công, an toàn, đúng luật; Bầu đúng, bầu đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, thực sự là ngày hội của nhân dân Thủ đô.
Cùng với công tác phòng, chống dịch và bầu cử, các đơn vị cũng cần tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội trên địa bàn trong mọi tình huống...