Người dân nhọc nhằn tìm nguồn nước sạch giữa đất Thủ đô
Nhọc nhằn tìm nguồn nước sạch
Ông Nguyễn Văn Cường (trú tại thôn Thanh Nhàn, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, gia đình ông gồm 6 người thường xuyên phải sử dụng nước giếng khoan nhiều năm nay.
Ông Nguyễn Văn Cường sửa dây diện để bơm nước giếng khoan. Ảnh: TQ. |
Vì lo ngại nguồn nước không đảm bảo, ông Cường phải lọc nước nhiều lần bằng cột lọc inox, sau đó lại lọc tiếp qua một hệ thống lọc RO. Dù đã qua nhiều lần lọc trước đó nhưng chỉ trong thời gian ngắn, lõi lọc RO đã rơi vào tình trạng ố màu, phải thay mới.
“Lọc nước giếng khoan không ăn thua dù tôi đầu tư số tiền không nhỏ. Chỉ vài ngày là nước đóng cặn, mảng bám phủ kín nắp ống. Thậm chí cả vỏ cột lọc inox cũng rỉ sét, bám phèn”, ông Cường phản ánh.
Lõi lọc đóng cặn và vỏ cột lọc inox cũng rỉ sét, bám phèn vì nước giếng khoan. |
Theo tìm hiểu, để có nước sinh hoạt, các hộ dân tại xã Thanh Xuân đã khoan nhiều giếng để hút mạch nước ngầm tại sân bóng thôn Thanh Nhàn.
Những giếng khoan này được đặt chi chít, san sát nhau, ngày đêm tận lực hút nước. Một người dân cho hay, khu vực phía dưới là đá ong nên cứ nơi nào thấy có nước, mọi người lại tập trung để khoan giếng, nhưng không phải khi nào cũng có nước như dự tính.
Chị Tạ Thị Tươi (sinh năm 1982, trú tại thôn Thanh Nhàn) thừa nhận, 38 năm nay, chị chưa một lần được dùng nước máy nên chẳng bao giờ “tơ tưởng” đến việc được sử dụng nước sạch, vì thực tế tại đây, có khi nước giếng khoan cũng không có để dùng.
Chi chít giếng khoan tại sân bóng thôn Thanh Nhàn. |
“Đào nhiều nơi nhưng chỉ tại khu vực này mới có thể khoan giếng để lấy nước. Do vậy, có hộ cách nửa cây số cũng phải dòng dây điện, bắt đường ống hút nước”, chị Tươi chia sẻ.
Cũng theo chị Tươi, dù vất vả tìm nước như vậy nhưng dân cũng không có nước sạch để dùng. Thậm chí tại thôn chợ Nga, Kim Anh… (xã Thanh Xuân) xảy ra tình trạng thiếu nước trầm trọng, phải đi mua nước từ những vùng xung quanh để sử dụng.
Quyết định vẫn “nằm trên giấy”
Theo tìm hiểu, từ năm 2017, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận cho liên danh Công ty CP Aqua One và Công ty CP nước mặt sông Đuống thực hiện dự án phân phối nước sạch cho 18 xã của huyện Sóc Sơn.
Theo kế hoạch này, đến hết năm 2019 sẽ phải hoàn thiện hệ thống phân phối nước sạch cho 7 xã của huyện Sóc Sơn. Hết năm 2020 phải hoàn thiện nốt cho 11 xã còn lại.
Nguồn nước không đảm bảo khiến người dân lo lắng. |
Tuy nhiên, ông Chu Văn Phương – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân thừa nhận, địa bàn xã có khoảng 15.000 nhân khẩu và một nửa trong số đó đang khó khăn vì thiếu nước sạch. Đến nay, Công ty CP nước mặt sông Đuống là chủ đầu tư vẫn chưa triển khai thi công dự án nước sạch trên địa bàn xã.
Theo ông Phương, từ năm 2000 trở lại đây, sự phát triển của các khu công nghiệp quanh địa bàn, đặc biệt là Khu công nghiệp Quang Minh cùng với sinh hoạt của người dân, nên toàn bộ nguồn nước thải đều thải ra hệ thống nước xung quanh nơi sống. Nước thải ngấm xuống đất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt của người dân.
Nhiều người dân tại xã Thanh Xuân chưa từng được sử dụng nước sạch. |
“Ngoài xã Thanh Xuân, còn nhiều xã cũng chung tình trạng thiếu nước sạch. Đây cũng là nỗi lo của bà con và cũng là nỗi lo của chính quyền địa phương”, ông Phương nói.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí, một đại diện UBND huyện Sóc Sơn khẳng định, nhiều lần chính quyền huyện đã ra các loại văn bản đốc thúc chủ đầu tư thực dự án cấp nước sạch, nhưng thực tế đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất cứ đường ống nào được lắp đặt tại 18 xã thuộc huyện Sóc Sơn.