Người dân không nên ồ ạt ra siêu thị mua gom hàng tích trữ vì Covid-19

Các chuyên gia cho rằng, việc người dân ồ ạt ra các siêu thị ở Hà Nội mua gom hàng tích trữ vì xuất hiện ca nhiễm Covid-19 là không nên vì vừa ảnh hưởng đến tâm lý thị trường vừa có nguy cơ lây lan dịch bệnh...
Ca nhiễm nCov thứ 17: Chủ tịch UBND TP Hà Nội kêu gọi người dân bình tĩnh, không lơ là Cô gái Hà Nội dương tính với Covid-19 đã bay trên chuyến bay Vietnam Airlines nào?

Hà Nội vừa chính thức công bố ca dương tính với Covid-19 đầu tiên tại thành phố và là ca nhiễm thứ 17 tại Việt Nam, thông tin này nhanh chóng khiến dư luận quan tâm.

Theo thông tin ban đầu, trường hợp dương tính với Covid-19 là Nguyễn Hồng Nhung, sinh năm 1993, tạm trú tại 125 phố Trúc Bạch, quận Ba Đình.

nguoi dan khong nen o at ra sieu thi mua gom hang tich tru vi covid 19
Người dân đổ xô đi mua tích trữ hàng hóa tại các siêu thị.

Sau thông tin xuất hiện ca nhiễm Covid-19, nhiều người dân tại Thủ đô đã ồ ạt đến siêu thị, cửa hàng tiện dụng để mua tích trữ nhu yếu phẩm để phòng dịch.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại thời điểm sáng 7/3, tại nhiều hệ thống siêu thị như Big C, Mê Linh Plaza, Vinmart... có rất nhiều người dân tập trung, chen lấn mua sắm lương thực, thực phẩm để tích trữ vì lo ngại dịch bệnh Covid-19.

Các nhu yếu phẩm được người dân tập trung mua sắm chủ yếu là thức ăn nhanh như mỳ tôm, rau quả, nước uống và còn có cả giấy vệ sinh...

Việc người dân đổ xô đi mua tích trữ lương thực, thực phẩm là do lo ngại dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế thì việc này là không nên vì vừa ảnh hưởng đến tâm lý thị trường và nguy cơ lây lan dịch bệnh...

"Việc xuất hiện ca nhiễm Covid-19 khiến người dân đi mua tích trữ lương thực thì không có gì khó hiểu, nhưng họ nên bình tĩnh, mọi chuyện vẫn trong tầm kiểm soát, các cơ quan quản lý sẽ có biện pháp đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho người dân", một vị chuyên gia chia sẻ.

Cũng theo vị này, việc người dân đi mua tích trữ hàng hóa lúc này còn dễ xảy ra tình trạng bị ép giá, các nhà kinh doanh lại lợi dụng đẩy giá lên cao, và lúc đó người chịu thiệt lại là người tiêu dùng.

"Theo tôi, mọi người nên bình tĩnh, nếu mua hàng hóa thì chỉ cần đủ dùng để tránh tâm lý hoang mang gây bất ổn thị trường. Đặc biệt, trong khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, mọi người tập trung ra siêu thị, chỗ đông người thì nguy cơ lây lan còn cao hơn'', vị này nhận định.

Theo nguồn tin của phóng viên, cũng trong sáng 7/3, UBND TP Hà Nội tiếp tục họp đột xuất sau khi có ca dương tính Covid-19 mới.

Tại cuộc họp này, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ xác nhận có hiện tượng người dân đi mua hàng ở các siêu thị khá đông, nhưng ông khẳng định sẽ cung ứng đủ hàng hóa cho người dân.

"Chúng tôi đã trao đổi với lãnh đạo các hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn và họ cam kết đảm bảo đủ hàng hoá cung cấp cho người dân", Bí thư Vương Đình Huệ cho biết.

Cũng theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, ngoài hệ thống siêu thị, thành phố Hà Nội còn có các kênh khác đủ tiềm lực đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân nên không ai phải mua tích trữ.

"Nếu mua sắm đông mà không thực hiện các biện pháp an toàn đầy đủ có thể là nguy cơ lây nhiễm bệnh", Bí thư Thành ủy Hà Nội khuyến cáo.

Văn Thành Nhân
Phiên bản di động