Làm giả văn bằng, chứng chỉ

Người bán có thể đối diện án tù, người mua "tiền mất tật mang"

Mặc dù đã được cảnh báo rất nhiều, xong tình trạng làm giả, mua, bán bằng cấp, chứng chỉ giả, thậm chí là một số giấy tờ có giá trị vẫn đang diễn ra một cách công khai. Khi bị phát hiện, người làm giả văn bằng, chứng chỉ phải đối diện với án hình sự lên đến 7 năm, còn người mua thì vừa mất tiền, vừa không đạt được mục đích sử dụng bằng.
Người làm giả văn bản cho học sinh không đến lớp bị xử lý như thế nào? ‘Bóc’ đường dây làm giấy tờ giả cực ‘khủng’, thu trên 5 tấn phôi và gần 4.000 con dấu Bộ Công an bóc gỡ đường dây làm giả giấy tờ các loại, khám xét 3 đối tượng

Rao bán công khai, rầm rộ

Chỉ cần gõ từ khóa “làm bằng giả” trên google, có đến 175.000.000 kết quả chỉ trong 0,60 giây. Người tìm kiếm có thể dễ dàng ấn vào bất kỳ trang web nào để chọn dịch vụ làm giả bằng cấp.

web rao bán bằng giả công khai
Web "baoxinviec.com" quảng cáo làm bằng giả công khai

Các trang web có điểm chung là thiết kế dễ nhìn, bắt mắt và cam kết làm giả văn bằng chứng chỉ y như thật, giảm giá nếu lấy số lượng lớn, không cần đặt cọc, nhận hàng trả tiền… với những cụm từ "đi vào lòng người" như: “Phôi như trường tuồn”, "giá rẻ uy tín"…

Giá cả làm các loại văn bằng, chứng chỉ được công khai
Giá cả làm các loại văn bằng, chứng chỉ được công khai

Thông qua internet và mạng xã hội như zalo, facebook, các trang web còn tư vấn trực tiếp, sẵn sàng lắng nghe và đáp ứng nhu cầu của “thượng đế”. Chỉ cần một “chấm”, là các nhân viên đường dây nóng ngay lập tức phản hồi và tư vấn về “lợi ích” của việc làm bằng giả, phân tích các hình thức, mức độ làm giả bằng cấp, giải đáp những băn khoăn của khách hàng như độ tin cậy khi đi công chứng, hướng dẫn khách hàng cách đi công chứng để không bị phát hiện…

Giá của các loại văn bằng chứng chỉ cũng khác nhau và được công khai từ 2,5 triệu đồng trở lên.

Không thoát khỏi "lưới trời"

Gần đây, Công an tỉnh Hưng Yên vừa triệt phá đường dây chuyên sản xuất, mua bán văn bằng giả, chứng chỉ giả thu trên 5 tấn phôi, gần 4.000 con dấu. Đây là đường dây làm bằng giả có quy mô lớn liên quan đến hai đối tượng Nguyễn Văn Hùng (41 tuổi, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) và Hoàng Văn Đức (28 tuổi, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn).

Khám xét ngôi nhà số 856/4 Quang Trung, phường 8, Quận Gò Vấp, TP HCM - nơi các đối tượng thuê để sản xuất các loại văn bằng giả, chứng chỉ - lực lượng Công an thu giữ gần 4.000 con dấu, hơn 5 tấn phôi các loại giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ như: Căn cước công dân, Giấy phép lái xe, Bằng thạc sĩ, Bằng tốt nghiệp đại học, tốt nghiệp trung học phổ thông, Chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học... cùng nhiều máy móc, thiết bị dùng để sản xuất văn bằng, chứng chỉ.

Tại cơ quan điều tra, hai đối tượng khai nhận, thông qua Internet và mạng xã hội, các đối tượng lập các tài khoản zalo, facebook và các trang web như lambangdaihoc..., lambangphoithat..., lambangdaihocgiare... để rao bán các loại văn bằng, chứng chỉ với những lời quảng cáo hấp dẫn như cam kết phôi thật, giá rẻ...

Người bán có thể đối diện án tù, người mua
Những lời "cam kết" trên các trang rao bán, nhận làm văn bằng, chứng chỉ giả

Khi khách có nhu cầu đặt mua, các đối tượng sẽ lấy thông tin cá nhân của khách hàng để in vào các loại văn bằng rồi giả mạo chữ ký hiệu trưởng các trường, sử dụng các loại dấu giả để in. Mỗi loại chứng chỉ, các đối tượng bán từ 1,5 - 2,5 triệu đồng; các loại bằng có giá từ 2,5 - 3 triệu đồng.

Hay như vụ việc đầu tháng 2/2021, Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bắt và thu giữ gần 3.200 mẫu phôi bằng cấp, tài liệu giả, 749 mẫu dấu tròn, 300 mẫu dấu tên, chức danh, 10 loại bằng cấp giả đã hoàn chỉnh; 600 phôi ghi giấy phép lái xe, 289 phôi ghi căn cước công dân, trên 8.000 tem dạ quang cùng nhiều máy móc, tang vật khác…

Đây là đường dây làm giả giấy tờ, tài liệu quy mô và tính chất đặc biệt lớn, thủ đoạn phạm tội tinh vi, phức tạp và sử dụng công nghệ cao do đối tượng Hồ Vĩnh Hồng (28 tuổi, trú tại huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An), là người trực tiếp làm ra các loại bằng cấp giả; Nguyễn Văn Triệu (23 tuổi, trú tại tỉnh Đắk Lắk) và Phạm Đức Tuấn (29 tuổi, trú tại tỉnh Bắc Ninh), là 2 đối tượng chuyên làm giả các loại giấy phép lái xe và căn cước công dân.

Làm giả văn bằng, chứng chỉ, phạt tù đến 7 năm

Làm giả bằng cấp, chứng chỉ là một trong những hành vi bị cấm. Theo quy định của pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người thực hiện có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mức phạt hành chính

Làm giả văn bằng, chứng chỉ là một trong những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục được quy định tại Nghị định 138/2013/NĐ-CP.

Cụ thể, Điều 16 Nghị định 138 quy định, phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi làm giả văn bằng, chứng chỉ. Đồng thời, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Ngoài ra, cũng theo Điều 16, người có hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Mức phạt khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Ngoài quy định về xử phạt hành chính, người thực hiện hành vi làm giả bằng cấp, chứng chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Cụ thể, Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức như sau:

Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm:

- Có tổ chức;

- Phạm tội 2 lần trở lên;

- Làm từ 2 đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

- Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

- Thu lợi bất chính từ 10 đến dưới 50 triệu đồng;

- Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm:

- Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

- Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

- Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng.

Như vậy, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy vào mức độ vi phạm, người làm văn bằng, chứng chỉ giả có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù đến 7 năm.

Hoa Thành
Phiên bản di động