“Ngôi đền văn chương” số 4 Lý Nam Đế - nơi những nhà văn quân đội phiêu cùng con chữ

“Nhà số 4 Lý Nam Đế” là cách gọi thân mật trụ sở tòa soạn tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ “Ngôi đền văn chương” này, những thế hệ nhà văn mặc áo lính phiêu cùng con chữ để cho ra đời những tác phẩm đi cùng năm tháng.
Phát huy vai trò nòng cốt của Quân đội anh hùng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh Quân đội Mỹ mở cuộc điều tra với mạng xã hội Trung Quốc TikTok Liên Hợp quốc khen thưởng 64 quân nhân Việt Nam có thành tích giữ gìn hòa bình quốc tế

Kiến trúc đẹp giữa lòng Hà Nội

Nằm ngay đầu phố Lý Nam Đế, con đường một chiều khá nhỏ rợp bóng cây cổ thụ, tạp chí Văn nghệ Quân đội khiến nhiều người đi qua phải ngoái nhìn. Lối kiến trúc cổ kính cùng những cây đại già nở hoa trắng muốt mang vẻ đẹp trang nghiêm và huyền bí.

Thi thoảng vào những ngày trở gió, hoa đại rụng như mưa trên sân gạch rêu phong, trên những bậc thềm khiến ta có cảm giác thời gian như ngừng đọng nơi đây. Bởi lẽ đó, ngôi nhà này còn là một dấu ấn kiến trúc ấn tượng của Hà Nội.

Công trình này độc đáo do được kết hợp hài hòa giữa thành tựu công nghệ và văn hóa Pháp với truyền thống văn hóa và kiến trúc bản địa.

Trên cơ sở đó, kiến trúc sư Arthur Kruze (giáo sư trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) đã thiết kế một loạt công trình kiểu biệt thự ở Hà Nội trong thời gian cuối những năm 1930 đầu 1940 như CLB Thủy quân, các biệt thự trên phố Lý Thường Kiệt, Phan Bội Châu, Ngọc Hà…

Nhà số 4 Lý Nam Đế ban đầu dành làm nhà ở cho sĩ quan Pháp nên được xây dựng trên một mảnh đất khá hẹp và chạy dài theo mặt phố. Kruze đã sử dụng bố cục mặt bằng theo kiểu hành lang bên đối xứng hoàn toàn với 20 phòng nghủ tiện nghi cao bố trí trên hai tầng nhà.

“Ngôi đền văn chương” số 4 Lý Nam Đế - nơi những nhà văn quân đội phiêu cùng con chữ

Hình khối không gian và các chi tiết công trình được nghiên cứu rất công phu theo hướng bản địa hóa kiến trúc. Trước lối vào là một tiền sảnh nhỏ với hai cột tròn sơn đỏ đỡ mái sảnh lợp ngói ống, phía trên là khối thang nhô hẳn ra phía trước được trang trí cầu kỳ bằng các mảng tường hoa văn hình chữ triện cùng hệ mái mở rộng ở phía trên tạo điểm nhấn cho công trình.

Điểm đáng chú ý nhất của ngôi nhà là cách xử lý bộ mái theo hình thức dân tộc. Bộ mái của ngôi nhà gồm các chính, mái che hang hiên phía trước, mái sảnh và mái che các cửa sổ hướng tây.

Các mái đều có độ vươn ra khá lớn, lợp ngói ống và được đỡ bởi hệ con sơn giả gỗ đầu có hình chữ triện, góc mái uốn cong lên phía trên tạo thành các đầu đao theo hình thức mái Việt.

Đặc biệt, những mái này được trang trí rất công phu khiến cho ngôi nhà có tỷ lệ hài hòa, các bộ phận và chi tiết được sử dụng một cách có cân nhắc kết hợp với vườn cây xanh tạo ra một công trình kiến trúc tuy không lớn nhưng rất có ấn tượng.

Nơi đây, một thời gian bị quân Nhật chiếm đóng. Vì vậy, sau phía sau ngôi nhà này còn còn có một cái lô cốt, không rõ do người Nhật xây là được xây từ thời Pháp thuộc.

Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Bình Phương ca ngợi: “Cái lô cốt trông thật đẹp, ẩn dưới tán hồng xiêm lúc nào cũng xanh mượt”. Ngoài ra, cây xanh cũng là một điểm nhấn khá đặc biệt cho tòa nhà này.

Ngoài những cây hồng xiêm, nhãn, trứng gà um tùm, trước cửa vào còn có hai cây đại cổ thụ, dáng vặn xoắn gân guốc như hai con rồng chầu hai bên, đây là điểm khiến ngôi nhà này mang vẻ cổ kính khác biệt.

Do cầu thang và nền nhà hoàn toàn được lát gỗ tự nhiên, những căn phòng ở đây luôn mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.

Sau những lần cải tạo, công trình vẫn giữ được nhiều hình bóng và hồn cốt xưa cũ.

Nơi ghi dấu nhiều thế hệ nhà văn mặc áo lính

Số 4 Lý Nam đế là nơi gắn bó của rất nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến hiện tại. Có thể kể đến Thanh Tịnh, Từ Bích Hoàng, Vũ Cao, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Thu Bồn, Nguyên Ngọc, Lê Lựu, Chu Lai, Khuất Quang Thụy, Trần Đăng Khoa, Sương Nguyệt Minh…

Những tác phẩm của họ đi vào sách giáo khoa, đi vào lòng người đọc biết bao năm tháng qua. Trong khi đó, những nhà văn đương thời vẫn đang sung sức và còn cống hiến miệt mài, bền bỉ cho nền văn chương nước nhà.

Nhắc tới phố Lý Nam Đế, người ta một thời gọi nó là “phố nhà binh” cũng bởi nhà văn Chu Lai. Ông kể: “Cũng có chút thú vị để khoe, hình như từ khi cuốn “Phố”, rồi kịch “Hà Nội đêm trở gió”, rồi bộ phim “Người Hà Nội”, đều chuyển thể từ cốt lõi văn học ra đời, người ta không còn gọi nhiều căn phố 1200 thước này là phố Lý Nam Đế nữa mà thường thuận miệng gọi bằng cái danh xưng quân sự hơn: Phố nhà binh”.

“Ngôi đền văn chương” số 4 Lý Nam Đế - nơi những nhà văn quân đội phiêu cùng con chữ
Nhà văn Chu Lai

Đúng như nhà văn của “Nắng đồng bằng”, “Phố”, “Ăn mày dĩ vãng” chia sẻ, cái từ trường văn học khi đã nhập được vào hồn âm nhạc thì sẽ trở thành một sự cộng hưởng thú vị, từ “Phố” nhạc sĩ Trọng Đài đã cho ra đời được hai ca khúc khá ấn tượng. Đó là bài hát “Hà Nội đêm trở gió” cho vở kịch cùng tên và bài “Chị tôi” cho phim “Người Hà Nội”. “Cũng từ hai ca khúc trữ tình có mùi văn học sâu đậm này, ca sĩ Mỹ Linh bắt đầu đặt chân lên con đường để trở thành một pa”, Chu Lai nhận định.

Bên cạnh đó còn rất nhiều nhà văn, nhà thơ mà độc giả đã quá quen mặt, quen tên, quen tác phẩm.

“Ngôi đền văn chương” số 4 Lý Nam Đế - nơi những nhà văn quân đội phiêu cùng con chữ
"Bãi săn"- cuốn tiểu thuyết đang được người đọc rất tâm đắc của nhà văn Nguyễn Đình Tú

Có thể kể đến nhà văn Nguyễn Đình Tú với các tiểu thuyết “Phiên bản”, “Hồ sơ một tử tù”, “Hoang tâm”, “Bãi săn”… Nhà văn Đỗ Bích Thúy với “Bóng của cây sồi”, “Chúa đất”, “Lặng yên dưới vực sâu”…

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy với “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa”, “Sát thủ online”, “Biển xanh màu lá”, “Nhắm mắt nhìn trời”, “Có tiếng người trong gió”…

“Ngôi đền văn chương” số 4 Lý Nam Đế - nơi những nhà văn quân đội phiêu cùng con chữ
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy

Các nhà văn, nhà thơ Phạm Duy Nghĩa, Uông Triều, Đinh Phương, Đoàn Văn Mật… cũng là những tên tuổi được độc giả mến mộ thời gian qua.

Trong dịp kỉ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019), nhà văn Uông Triều vừa cho ra mắt tiểu thuyết “Cô độc”. Anh tâm sự: “Ý tưởng để tôi viết tác phẩm này xuất phát chính từ nghề của mình. Đặc biệt, cuốn này tôi viết từ căn phòng của mình. Thường thì người viết ẩn mình, ít khi lộ diện trong tác phẩm, trong công việc. Cuốn sách này đặc biệt hơn khi nó rất gần gũi với tác giả.

Bối cảnh chính của câu chuyện trong tiểu thuyết lấy cảm hứng từ căn phòng làm việc của tôi, mọi sự vui buồn đều bắt nguồn từ căn phòng này mà ra, còn tất cả những thứ khác đều là phụ trợ.

Đây cũng là lần đầu tiên tôi viết một cuốn sách lấy từ chính cảm hứng công việc của mình, phòng làm việc của mình, cơ quan của mình… và những người mình yêu quý”.

“Ngôi đền văn chương” số 4 Lý Nam Đế - nơi những nhà văn quân đội phiêu cùng con chữ
Nhà văn Đỗ Bích Thúy

Đây cũng là nơi những người chập chững bước chân vào nghiệp văn chương ngưỡng mộ như một “ngôi đền văn chương”. Tạp chí Văn nghệ Quân đội không chỉ là nơi đăng tải những sáng tác của các cây viết trẻ tiềm năng mà còn tổ chức những cuộc thi truyện ngắn và thơ có uy tín.

Từ những cuộc thi này, nhiều tên tuổi đã thành danh và ngày càng được độc giả biết đến nhiều hơn như Phan Đình Minh, Đỗ Anh Vũ, Đinh Phương, Nguyễn Thị Kim Hòa…

Trong khi đó, những truyện ngắn, bài thơ, bài lý luận phê bình của tạp chí xuất bản hàng tháng vẫn nằm trong những sáng tác tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện nay, là món ăn tinh thần bổ ích cho bạn đọc trong và ngoài nước.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động