Ngộ độc rượu: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi
Bộ Tài chính “chốt” đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia Cảnh báo ngộ độc rượu trong dịp nghỉ lễ Xử lý doanh nghiệp kinh doanh rượu ngoại, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc |
Hậu quả khôn lường
Với thói quen mỗi ngày uống nửa lít rượu, anh Trần Mạnh Hùng (Hà Đông, Hà Nôi) tháng trước đã bị ngộ độc methanol nặng. Nhập viện với các triệu chứng mệt, nồng độ cồn cao và rối loạn chuyển hóa nặng, may mắn bệnh nhân đã được các bác sĩ cấp cứu kịp thời và đã có thể thở được dù vẫn phải đeo các thiết bị trợ thở.
“Chồng tôi đã ngoài 50 tuổi, trước đây anh vẫn thường xuyên uống rượu. Bình thường chồng tôi không có dấu hiệu nào như thế này cả.
Vì chồng tôi uống rượu cũng lâu rồi, cách đây hơn chục năm. Đợt này tôi thấy anh có hiện tượng mệt mỏi, tôi nghĩ anh ấy bị cúm, mệt mỏi, mất ăn mất ngủ 1 ngày nên mới đưa anh vào viện kiểm tra thì mới biết đã bị ngộ độc methanol.
Chồng tôi thường mua rượu ở mấy quán nước gần nhà. Tuy nhiên những quán này thường lấy rượu nơi khác về bán chứ họ không trực tiếp nấu", vợ anh Hùng cho biết.
Hay mới đây nhất là vụ nghi ngộ độc rượu tại Thường Tín, Hà Nội khiến một người tử vong và 4 người khác nhập viện.
Bệnh nhân nam trong vụ ngộ độc cồn công nghiệp methanol ở Thường Tín phải thở máy tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Quỳnh Mai) |
Theo bệnh nhân và người nhà, trưa 20/7, 4 người đã ăn tiệc cưới tại gia đình bà N.T.H (thôn Trát Cầu, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín).
Tiệc cưới có 15 mâm/90 người ăn với thực đơn gồm: Gà luộc, tôm chiên, bò chiên, bê xào, chả mực, canh bóng, ngồng cải luộc, cơm trắng và rượu ngâm táo mèo. Loại rượu này được gia đình bà N.T.H mua của ông P.Q.T (ở TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) với số lượng 30 lít.
Đến 18h15 phút cùng ngày, 4 bệnh nhân này và một người đàn ông tên là Đ.V.C (56 tuổi ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) tiếp tục uống rượu còn lại trong tiệc cưới tại nhà của một người trong nhóm. Mỗi người uống khoảng 500ml đến 1.000ml. Sau đó, các bệnh nhân xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu... được gia đình đưa vào bệnh viện điều trị.
Riêng ông Đ.V.C về nhà ngủ vào đêm 21/7. Đến sáng 22/7, bệnh nhân dậy tắm giặt, ăn uống, sinh hoạt tại nhà. Sáng cùng ngày, bệnh nhân có triệu chứng đau bụng, nôn ra máu 2 lần. Đến sáng 23/7, bệnh nhân tử vong không rõ nguyên nhân.
Trước sự việc trên, tổ điều tra, giám sát tiến hành lấy 2 mẫu rượu ngâm táo mèo (gồm: 1 mẫu tại gia đình tổ chức đám cưới và 1 mẫu rượu tại nhà của một người trong nhóm 5 bệnh nhân) gửi cơ quan kiểm nghiệm.
Kết quả là, 4 bệnh nhân ngộ độc methanol có nồng độ methanol trong máu từ 51mg/dL đến 188,8mg/dL. Rượu ngâm táo mèo là rượu gây ra vụ ngộ độc nói trên…
Tuần nào cũng có người nhập viện do ngộ độc rượu
Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những năm trở lại đây, số lượng bệnh nhân ngộ độc methanol tăng lên rất nhiều, hầu như tuần nào cũng có người nhập viện do uống phải độc chất này.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), trung tâm tiếp nhận nhiều ca uống phải rượu rởm pha cồn công nghiệp methanol đã bị biến chứng. Đa số các trường hợp ngộ độc methanol là do uống phải rượu trắng “3 không”: Không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần. Những loại rượu này chủ yếu bán trôi nổi ngoài thị trường, thậm chí đưa vào cả các quán nhậu.
“Về nhận diện, phân biệt rượu ethanol mà methanol rất khó. Rượu methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn.
Uống rượu nặng trong thời gian dài dễ dẫn đến các tổn thương ở gan như: Gan nhiễm mỡ, xơ gan, viêm gan do rượu |
Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa (do có quá nhiều a xít formic được chuyển thành từ methanol), co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch”, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.
Trung tâm chống độc đã và đang phát hiện nhiều sản phẩm cồn sát trùng chứa nồng độ methanol rất cao, thường nồng độ cồn công nghiệp methanol trong chai cồn sát trùng chiếm 70-90%.
Ths.BS Lê Thị Phương Thảo - Phòng điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết thêm: Thời gian hấp thụ phụ thuộc uống lúc no (hấp thu chậm hơn) hay lúc đói (hấp thu nhanh hơn). Khi rượu được hấp thu vào hệ tuần hoàn, nó được phân bố tới não và toàn bộ các mô trong cơ thể vì rượu hòa tan hoàn toàn trong nước ở cơ thể. Do đó, rượu gây ảnh hưởng đến não, gan và nhiều cơ quan khác trong cơ thể…
Từ đó, Ths.BS Lê Thị Phương Thảo tư vấn không nên uống quá 5 ngày/tuần. Đối với nam không nên uống quá 1 - 1,5 chai/lon bia/ngày; cốc bia 2 cốc/ngày và không quá 2 ly rượu vang/ngày, 2 ly rượu (40 độ)/ngày. Nữ thì bằng 1/2 của nam và không uống quá 5 ngày/tuần.
Để phòng tránh ngộ độc cồn công nghiệp methanol, người dân hãy lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ đảm bảo, rõ ràng. Người dân cũng nên hạn chế tối đa việc uống rượu.