Ngày tết ăn uống thế nào cho cơ thể khoẻ mạnh?
Trong mấy ngày tết dù có ăn tăng thêm nhiều chất đạm thì cơ thể cũng không hấp thu thêm được là bao. Ngược lại, việc ăn quá nhiều chất đạm, sử dụng nhiều đồ uống có cồn, dễ dẫn đến rối loạn tiêu hoá hoặc làm cho hệ thống tiêu hoá làm việc quá tải. Vậy Ngày tết ăn như thế nào cho phù hợp với sức khoẻ?
Việc ăn quá nhiều dinh dưỡng có thể gây ra những bất thường đối với hệ tiêu hoá, ảnh hưởng đến sức khoẻ (Ảnh minh hoạ; nguồn: IT) |
Đừng biện minh “Ăn vào người chứ có mất đi đâu?”
Khi được khuyên hãy tiết kiệm, hay “đừng no dồn, đói góp” cũng đã có những ý kiến biện minh rằng “ăn vào người chứ có mất đi đâu!” Thực ra thì…đúng vậy nhưng cũng không phải vậy”. Khoa học đã chứng minh được rằng không phải cứ ăn vào bao nhiêu là cơ thể sẽ tiêu hóa, hấp thụ được bấy nhiêu. Khi đã hấp thu rồi thì không phải cứ hấp thu (vào máu) được bao nhiêu thì sẽ sử dụng được từng ấy.
Ví dụ mỗi ngày, một người thường chỉ cần 1,2 mg B1, 1,8 mg B2 và 75 mg vitamin C là đủ, nếu ăn (hoặc uống) vào nhiều thì cơ thể cũng lại thải ra ngoài theo nước tiểu mà thôi.
Hoặc như đối với protein (chất đạm), bình thường một người lớn cần từ 1g/kg thể trọng ( khoảng 60g với người nặng 60 kg)- cơ thể sẽ tạo ra một bilan cân bằng (chỉ tiêu hao bằng chừng ấy, không thừa cũng không thiếu. Nhưng chỉ cần ăn thêm 20g chất đạm một ngày (tương đương một lạng thịt lợn nạc), thì cũng phải mất 6 ngày sau cơ thể mới lập lại được sự cân bằng ni tơ cho sự tăng thêm đó.
Sữa chua là một lựa chọn lý tưởng giúp hỗ trợ sức khoẻ hệ tiêu hoá, đẩy nhanh quá trình chuyển hoá chất béo, giải thoát hệ tiêu hoá khỏi tình trạng quá tải thường thấy dịp Tết (Ảnh minh hoạ; nguồn: IT) |
Nếu xét về góc độ tài chính, ngày tết vẫn là những ngày hầu hết mọi gia đình chi phí rất nhiều cho các loại đồ uống, bánh mứt kẹo, thực phẩm…tăng hơn hẳn ngày thường về số lượng, chủng loại và chất lượng.
Sữa chua là một lựa chọn lý tưởng giúp hỗ trợ sức khoẻ hệ tiêu hoá, đẩy nhanh quá trình chuyển hoá chất béo, giải thoát hệ tiêu hoá khỏi tình trạng quá tải thường thấy dịp Tết. Sữa chua bổ sung men vi sinh, giúp hỗ trợ sức khoẻ hệ tiêu hoá, đẩy nhanh quá trình chuyển hoá chất béo, giải thoát hệ tiêu hoá khỏi tình trạng quá tải thường thấy dịp Tết. |
Không nên ăn nhiều, cũng đừng quá chén!
Nếu ăn một cái tết linh đình thì không chỉ đơn thuần là lãng phí về tài chính. Ăn nhiều cũng có những ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe. Trước đây Hải Thượng Lãn Ông đã từng viết: “Có câu tham thực cực thân, bệnh từng khẩu nhập ta cần phải kiêng, muốn cho ngũ tạng được yên, bớt ăn mấy miếng nhịn thèm hơn đau”. Hay một câu khác: “Chết vì bội thực cũng nhiều, ngờ đâu lại có người nghèo chết no”.
Uống quá nhiều rượu bia ngày tết có thể gây hại cho sức khỏe (Ảnh minh hoạ; nguồn: IT) |
Trong một số tài liệu Y học hiện đại cũng đã nêu một trong những nguyên nhân gây nên viêm tụy cấp (một bệnh có tỷ lệ tử vong khá cao) là sau khi ăn một bữa ăn thịnh soạn! Đối với người già, những người bị bệnh tim mạch không nên ăn quá no, quá nhiều những thức ăn khó tiêu, nhất là vào buổi tối vì khi ấy dạ dầy căng to, đẩy cơ hoành lên chèn ép vào tim, tim làm việc nhiều trong tình trạng ấy dễ xảy ra tai biến nguy hiểm.
Nếu uống nhiều sẽ gây nên hiện tượng “tửu nhập ngôn xuất” và đôi khi tửu nhập nhưng không chỉ có ngôn xuất mà cả thức ăn cũng “ xuất” theo (nôn mửa) chưa kể đến những phát sinh nguy hiểm như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, hay là những tai nạn giao thông khi đi ra đường sau khi uống bia rượu.
Đề phòng ngộ độc thức ăn!
Ngày tết cũng là những ngày hay xảy ra ngộ độc thức ăn. Những món ăn chế biến sẵn như giò chả, bánh chưng, chè kho, thịt đông, mứt kẹo rất dễ bị ôi thiu hư hỏng nhất là gặp phải trời nồm. Ngộ độc có thể do thức ăn bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh (chẳng hạn như bị nhiễm vi khuẩn samonella, E.Coli, các loại vi sinh vật gây bệnh truyền từ súc vật sang người: Các loại giun sán, lao…
Ngộ độc cũng có thể do nấm mốc (vi nấm) và độc tố của nó (chẳng hạn thực phẩm bị nhiễm nấm A. Flavus có độc tố aflatoxin, do thức ăn bị biến chất (chẳng hạn do mỡ bị ôi khét sinh ra nhiều perocid ), do bản thân thức ăn có độc (ví dụ như ăn phải nấm độc lẫn vào nấm ăn thu hái ngoài tự nhiên) hay do những chất hóa học dùng tùy tiện trong quá trình chế biến, bảo quản thức ăn và các hóa chất bảo vệ thực vật lẫn trong rau củ quả, trong hải sản đông lạnh…
Để phòng chống ngộ độc thức ăn có hiệu quả, cần loại bỏ thói quen mua dự trữ quá nhiều thực phẩm trước tết vì hiện nay gần như trưa chiều mồng một tết đã có nhiều thực phẩm hàng hóa, rau củ quả bầy bán rồi. Đối với những loại thức ăn nguội, chế biến sẵn như đầu giò, góc bánh chưng, các món xôi, nộm, dưa muối…cần được kiểm tra cẩn thận trước khi dùng, nếu nghi ngờ có các dấu hiệu ôi thiu hư hỏng thì cần loại bỏ ngay không nên tiếc.
Người mắc bệnh đái tháo đường nên sử dụng các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như: Ngũ cốc nguyên hạt; Các loại rau không chứa tinh bột, cà chua, cà rốt… (Ảnh minh hoạ; nguồn: IT) |
Người mắc bệnh đái tháo đường cần cố gắng duy trì thói quen ăn uống phù hợp trong ngày Tết
Kiểm soát chế độ ăn uống trong những ngày nghỉ Tết thực sự là rất khó khăn với người bệnh đái tháo đường khi mà phần lớn những món ăn Tết truyền thống đều nhiều năng lượng, nhiều đường, chất béo và nhiều muối… Vậy, người bệnh cần lưu ý ăn uống thế nào để đảm bảo sức khỏe?
Người bệnh đái tháo đường cần cố gắng duy trì thói quen ăn uống phù hợp trong ngày Tết; ăn đúng giờ, không bỏ bữa; theo dõi đường huyết sau khi ăn.
Cần tránh thực phẩm chứa lượng đường cao.
Để tránh làm cho lượng đường trong máu tăng cao, người bệnh cần phải có chế độ ăn uống phù hợp. Trong đó cần chú ý tránh thực phẩm chứa lượng đường cao.
Cần hạn chế tối đa các loại thức ăn có hàm lượng đường cao như: bánh chưng, các loại bánh, mứt, kẹo, nước ngọt, các loại trái cây ngọt nhiều (mít khô, vải khô, nhãn khô...)… vì khi ăn vào làm tăng nhanh đường huyết.
Cần hạn chế tối đa thực phẩm có hàm lượng đường cao như bánh mứt kẹo.
Chọn thực phẩm giúp kiểm soát đường huyết
Người bệnh đái tháo đường nên sử dụng các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như: Ngũ cốc nguyên hạt; Các loại rau không chứa tinh bột, cà chua, cà rốt…; Các loại trái cây như: táo, chuối, bưởi, mận, lê, kiwi, ổi…
Các loại rau xanh, trái cây tươi và ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều vitamin, khoáng chất, đặc biệt giàu chất xơ. Ngoài công dụng hỗ trợ tiêu hóa, chất xơ còn có tác dụng điều hòa lượng đường trong máu, từ đó giúp kiểm soát tốt đường huyết ở người bệnh đái tháo đường.
Các loại rau quả tươi và ngũ cốc nguyên hạt tốt cho người bệnh đái tháo đường.
Hạn chế tối đa rượu bia
Người bệnh đái tháo đường luôn nhớ phải hạn chế tối đa uống rượu bia. Nếu uống chỉ nên uống ít và nên ăn nhẹ trước khi uống vì khi uống rượu có thể gây hạ đường huyết.
Tốt nhất nên kiểm tra đường huyết trước khi uống để bảo đảm đường huyết của mình không quá thấp. Ăn nhẹ trước khi uống. Không uống nhiều dẫn đến say rượu. Say rượu và hạ đường huyết khó phân biệt vì thường có biểu hiện giống nhau như: Mệt, chân tay bủn rủn, đau đầu, chóng mặt… dẫn đến chủ quan không xử trí kịp thời rất nguy hiểm.
Ăn đúng giờ, không bỏ bữa
Trong những ngày Tết, giờ giấc sinh hoạt và ăn uống thường bị đảo lộn. Để đảm bảo sức khỏe, người bệnh đái tháo đường cần giữ chế độ ăn uống điều độ, đúng giờ để tránh không làm tăng đường huyết sau bữa ăn và hạ đường huyết lúc xa bữa ăn.
Nên chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa trong ngày. Nên chọn món ăn có thịt nạc, cá, chọn món hấp, luộc. Nên ăn rau trước khi ăn cơm và các thức ăn khác để giảm tốc độ hấp thụ đường.
Người bệnh cần lưu ý, không được bỏ bữa vì mệt mỏi hoặc do các lý do khác. Bỏ bữa hoặc ăn kiêng sẽ dẫn đến nguy cơ hạ đường huyết cũng rất nguy hiểm. Nếu có biểu hiện của hạ đường huyết như: Mệt, chân tay bủn rủn, da nhợt nhạt, vã mồ hôi lạnh, cảm giác cồn cào trong ruột, tim đập nhanh, run cơ, chóng mặt… cần phải uống ngay một cốc nước đường, sữa, ăn bánh kẹo, hoa quả ngọt để nhanh chóng nâng đường huyết lên.
Người bệnh đái tháo đường nên tự theo dõi đường huyết tại nhà (Ảnh minh hoạ; nguồn: IT) |
Theo dõi đường huyết sau khi ăn
Người bệnh đái tháo đường nên tự theo dõi đường huyết bằng máy tại nhà, ghi lại và đánh giá các trị số đường huyết đo được. Tốt nhất là nên có thói quen ghi nhật ký chỉ số đường huyết, các thức ăn trong ngày vào một quyển sổ tay để tiện theo dõi.
Đặc biệt, khi hoạt động nhiều hoặc ăn các loại thực phẩm khác nhau không đúng theo chế độ, người bệnh nên tăng số lần kiểm tra đường huyết để chắc chắn mức đường huyết đang được giữ ở mức an toàn.