Ngành xi măng dự báo sẽ còn nhiều khó khăn trong năm 2023

Thị trường xi măng dự báo sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2023 do xây dựng dân dụng phục hồi chậm, các công trình dự án cũng chậm triển khai do gặp khó về nguồn vốn...
Doanh nghiệp xi măng nỗ lực với “mục tiêu kép” Năm thành công nhất của Tổng công ty xi măng Việt Nam

Sáng 10/1, tại buổi gặp mặt báo chí nhân dịp đón Xuân năm 2023, ông Lê Nam Khánh - Tổng Giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đã thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của công ty, trong đó đặc biệt là khó khăn của ngành xi măng.

Theo ông Khánh, năm 2022 là năm VICEM đối mặt nhiều khó khăn thách thức khi tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp như xung đột quân sự; hậu quả của đại dịch COVID-19, thị trường lớn như Trung Quốc duy trì chính sách Zero COVID... khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao.

Trong bối cảnh đó, sản lượng sản xuất clinker của VICEM đạt 20,65 triệu tấn, giảm 3,8% so với năm 2021. Sản lượng sản xuất xi măng đạt 24.56 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2021.

Năm 2022, VICEM tiêu thụ 27,46 triệu tấn sản phẩm, giảm 6,7% so với năm 2021, trong đó tiêu thụ xi măng đạt 21,34 triệu tấn (tăng 5,6%) và tiêu thụ clinker (có cả xuất khẩu) đạt 2,88 tấn (giảm 45,6%).

Kết quả, VICEM ước tổng doanh thu 39.453 tỷ đồng, tăng gần 17% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ) ước hơn 1.532 tỷ đồng, giảm 30,5% so với năm 2021. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 1.863 tỷ đồng, đạt 98,4% kế hoạch năm 2022 và giảm 14,2% so với năm 2021.

Ngành xi măng dự báo sẽ còn nhiều khó khăn trong năm 2023
Ông Lê Nam Khánh - Tổng Giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) phát biểu tại cuộc gặp mặt.

Lý giải nguyên nhân chủ yếu tác động đến tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022, đại diện VICEM đưa ra nhiều nguyên nhân. Trong đó, đầu tiên là sự biến động về vĩ mô trên toàn cầu.

"Những khó khăn xuất phát từ xung đột Nga - Ukraina và thực tế thị trường diễn biến rất phức tạp, khó đoán định đã tác động tiêu cực đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành xi măng nói chung và VICEM nói riêng", ông Khánh cho biết.

Đặc biệt, nguồn cung than cho sản xuất xi măng thiếu cả về số lượng, chất lượng, chủng loại và tăng giá đột biến.

Theo ông Khánh, các lò nung của VICEM được thiết kế với nguồn than sử dụng là loại có nhiệt trị cao (tương đương cám 3 có nhiệt trị trên 7.000 Kcal/kg clinker) nhưng thực tế, do thiếu nguồn than có nhiệt trị cao nên phải sử dụng các nguồn than có nhiệt trị thấp (cám 4, cám 5, thậm chí có loại than chỉ có nhiệt trị khoảng 3.200 Kcal/kg Clinker) dẫn đến dính, bết, tắc, giảm năng suất, tăng định mức tiêu hao.

"Việc giá than tăng cao đã làm chi phí than trong giá thành sản xuất xi măng của VICEM năm 2022 tăng khoảng 4.000 tỷ đồng so với năm 2021", ông Khánh nói.

Mặc dù, VICEM đã thực hiện rà soát, điều chỉnh tăng giá bán xi măng phù hợp, bù đắp chi phí tăng do tăng giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường không thuận lợi: nhu cầu tiêu thụ trong nước, xuất khẩu đều giảm, sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt; giá xuất khẩu xi măng, clinker không tăng.

Thậm chí, các đơn vị thành viên VICEM phải bổ sung chiết khấu, khuyến mại để giữ vững sản lượng và thị phần. Do đó, mức tăng giá thu về chưa đủ bù đắp được ảnh hưởng của việc tăng chi phí đầu vào, làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 của các đơn vị thành viên tổng công ty.

Trong bối cảnh khó khăn, VICEM cũng đã phải thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có tiết giảm chi phí, đẩy mạnh áp dụng khoa học vào sản xuất, tìm kiếm khách hàng, mở rộng xuất khẩu ủy thác, tư vấn đơn hàng xuất khẩu cho các đơn vị thành viên để gia tăng sản lượng, phát huy tối đa công suất nghiền, giảm tồn kho, hạn chế cạnh tranh.

Nhận định về năm 2023, ông Lê Nam Khánh cho rằng, thị trường xi măng sẽ tiếp tục khó khăn do xây dựng dân dụng phục hồi chậm, các công trình dự án cũng chậm triển khai do gặp khó về nguồn vốn...

Cùng với đó, nguồn cung xi măng tiếp tục vượt cao so với nhu cầu dẫn tới cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong bối cảnh các đơn vị sản xuất xi măng đứng trước áp lực phải tiêu thu sản phẩm sản xuất ra, nhiều đơn vị phải thực hiện dừng lò nung/giảm năng suất chạy lò.

Đặc biệt, giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất xi măng, đặc biệt là giá than dự báo vẫn duy trì ở mức cao, trong khi giá bán xi măng chưa thể bù đắp được mức tăng chi phí đầu vào, dẫn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh giảm mạnh.

Do đó, năm 2023, VICEM đặt mục tiêu sản xuất trên 21 triệu tấn clinker, tăng 3% so với năm 2022; tổng sản phẩm tiêu thụ trên 29 triệu tấn, tăng 6% so với năm ngoái và lợi nhuận trước thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá) là khoảng 800 tỷ đồng.

Hậu Lộc
Phiên bản di động