Ngăn xâm hại trẻ em: Việc cấp thiết, phải làm ngay
Cảnh báo mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò bị tội phạm lợi dụng tiếp cận xâm hại trẻ em Nỗi đau của gia đình có bé gái bị xâm hại Bảo vệ trẻ em trước bạo hành cần sự vào cuộc của toàn xã hội |
Trẻ em gái nhiều nguy cơ bị xâm hại
Những vụ án xâm hại tình dục đau lòng đã xảy ra mà nạn nhân của những “yêu râu xanh” còn rất trẻ lại là những trẻ em đang sống tại các vùng nông thôn còn nhiều khó khăn về đời sống và kinh tế.
Mới đây nhất, Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) tạm giữ B.Đ.H (sinh năm 2004; ở huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ; tạm trú tại huyện Sóc Sơn) và T.Đ.Q (sinh năm 2004; ở huyện Sóc Sơn) để điều tra tội “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”.
Ảnh minh họa |
Theo lời khai của hai đối tượng, ngày 7/12/2022, cháu H.M.A (sinh năm 2008; ở huyện Sóc Sơn) cùng B.Đ.H và T.Đ.Q đến nhà một người bạn ăn tối. Khoảng 22h, H.M.A thấy mệt do uống rượu nên muốn về nhà.
B.Đ.H và T.Đ.Q thay vì chở H.M.A về nhà đã đi thẳng đến nhà nghỉ Q.A tại xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn. Tại đây, 2 đối tượng thay nhau quan hệ tình dục với H.M.A.
Ngày 9/1/2023, H.M.A kể cho bố mẹ biết sự việc. Gia đình đã làm đơn tố cáo đến Công an huyện Sóc Sơn. Tại cơ quan công an, B.Đ.H và T.Đ.Q đã khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Sự việc này đã làm rúng động vùng quê của Sóc Sơn. Nhiều bậc phụ huynh đang rất lo lắng cho con em của mình và bất bình khi ở nông thôn đã xuất hiện những con “yêu râu xanh”.
Hành vi của B.Đ.H và T.Đ.Q đã cấu thành tội Hiếp dâm theo quy định tại Điều 141 Bộ luật hình sự. Dư luận mong muốn hai đối tượng sớm bị trừng trị một cách nghiêm khắc để giáo dục, răn đe bị cáo và lấy đó làm bài học cảnh tỉnh cho những đối tượng vì dục vọng cá nhân mà coi thường pháp luật, thực hiện hành vi trái luân thường đạo lý.
Hiện nay, vấn nạn xâm hại tình dục ngày càng gia tăng, đặc biệt là việc lợi dụng các bé gái nhẹ dạ, cả tin, ham chơi lại là một trong những cách thức mới của loại tội phạm này. Việc xâm hại tình dục để lại hậu quả rất lớn với nạn nhân, ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất, tinh thần cho nạn nhân, như các nguy cơ: tổn thương trên cơ thể; có thai ngoài ý muốn; bị lây nhiễm các bệnh nguy hiểm lây qua đường tình dục, đặc biệt là HIV/AIDS và để lại nỗi ám ảnh lâu dài cho nạn nhân.
Ở một góc độ khác, quan điểm của người Á Đông trước đây rất khắt khe về hai chữ ‘trinh tiết’. Hiện nay, xã hội đã có cái nhìn ‘thông thoáng’ hơn nhưng vẫn còn không ít người đánh giá nhân phẩm của người phụ nữ phụ thuộc chuyện "còn" hay "mất”. Chính quan điểm này đã góp phần làm tổn thương đến nhiều cô gái từng lầm lỡ hay do bị xâm hại mà không có cơ hội được giải thích và tìm được hạnh phúc cho mình,…
Có rất nhiều hệ lụy từ nạn xâm hại tình dục như vậy, hành vi lợi dụng nạn nhân say bia rượu không biết gì để xâm hại tình dục của B.Đ.H và T.Đ.Q trực tiếp xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhân phẩm, danh dự, sức khỏe của con người được pháp luật bảo vệ, đã gây bất bình trong quần chúng Nhân dân, ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội.
Bị xâm hại do ít được quan tâm
Cũng thêm một thống kê của Bộ Công an, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra hàng nghìn vụ xâm hại tình dục với số lượng năm sau cao hơn năm trước. Trong đó, số trẻ em bị hiếp dâm lên đến 65%, số trẻ bị xâm hại tình dục nhiều lần chiếm hơn 28%. Các vụ án đã xảy ra phần nhiều là ở các vùng nông thôn. Do điều kiện kinh tế khó khăn, bố mẹ các cháu thường tập trung lo toan cho công việc mưu sinh hàng ngày nên ít có thời gian quan tâm đến con cái. Thủ phạm thường lợi dụng sơ hở này để thực hiện hành vi đồi bại.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội, quy định pháp luật hình sự đối với hành vi hiếp dâm trẻ em là rất nghiêm khắc. Cụ thể khoản 4 Điều 112 quy định, mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em và người phạm tội bị phạt tù từ 12 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Tuy nhiên, thực tế dù kẻ phạm tội luôn phải nhận những bản án nghiêm khắc nhưng tình trạng xâm hại tình dục trẻ em vẫn không ngừng lại mà tiếp tục gia tăng. Với tính nhân văn cần bảo mật thông tin cho nạn nhân nên những vụ án này không thể đưa đi xét xử lưu động để tuyên truyền, giáo dục pháp luật được. Cùng với đó là hệ thống tuyên truyền ở cơ sở chưa tốt nên tính răn đe, cảnh báo chưa phổ biến rộng rãi được cho người dân. Trong khi ở nhiều nơi, nhất là vùng nông thôn, hiểu biết pháp luật của người dân còn rất nhiều hạn chế.
Hiện nay, tình hình trẻ em bị xâm hại trong thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Nhìn từ góc độ bị hại trong vụ án trên có thể thấy, bị hại là bé gái trong độ tuổi học cấp 3 song đã đến nhà bạn trai để uống rượu – là một chất kích thích dễ dẫn tới không kiểm soát được hành vi, kiến thức để bảo vệ bản thân trước những nguy cơ bị xâm hại tình dục còn rất hạn chế, dẫn đến việc bị lợi dụng. Trong trường hợp này, ban đầu có thể đối tượng không có ý định hiếp dâm nhưng khi đã có môi trường thuận lợi thì lại nảy sinh ý đồ đen tối. Rất có thể đối tượng sẽ nghĩ nạn nhân là người dễ dãi hoặc đồng ý với việc quan hệ tình dục và tin rằng nạn nhân sẽ không tố giác…
Vì vậy, vấn đề cấp thiết cần đặt ra hiện nay, ngoài việc các cơ quan có thẩm quyền đã và đang lên tiếng ứng phó với nạn xâm hại tình dục, điều chỉnh pháp luật sao cho phù hợp với thực tế và để công lý được thực hiện, kẻ ác sẽ bị trừng trị thích đáng. Việc bé gái phải rèn luyện kỹ năng sống nhất định để bảo vệ bản thân, không bị lợi dụng và rơi vào hoàn cảnh đau lòng, là nạn nhân của những vụ án xâm hại tình dục là rất cần thiết.
Các bậc cha mẹ và nhà trường ngoài quan tâm đến việc học hành của con cái, cần giáo dục một cách toàn diện đầy đủ về giới tính, các biện pháp bảo vệ bản thân, không nên dễ dàng tin tưởng người mới quen, đi chơi quá khuya và đặc biệt phải giữ mình luôn trong trạng thái tỉnh táo, minh mẫn để không tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng.
Xã hội hiện đại, chúng ta cũng nên có cái nhìn đánh giá một cách toàn diện về phẩm hạnh của người phụ nữ ở những mặt khác, như: bản chất, cách đối nhân xử thế, tư cách đạo đức, lối sống của một con người… tránh cái nhìn phiến diện thông qua hai chữ ‘trinh tiết’.