Ngăn trẻ hóa tội phạm cần sự vào cuộc của cả gia đình và xã hội
Hà Nội: Những "bóng vàng" nơi "điểm đen" ngập úngHà Nội đề ra 6 nhóm giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triểnNgày 1/6, Hà Nội ghi nhận 245 ca COVID-19 |
Những con số đáng báo động
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, tình trạng thanh thiếu niên phạm tội đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Cùng với gia tăng về số vụ thì tính chất phức tạp và mức độ nghiêm trọng của loại tội phạm này cũng tăng lên.
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội phối hợp với Đội phòng, chống tội phạm cướp và cướp giật tài sản (Đội 8) - Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội bắt giữ thành công ổ nhóm thanh, thiếu niên đều thuộc thế hệ 10X, dùng vỏ chai bia tấn công, cướp xe máy lúc rạng sáng.
Nhóm đối tượng cướp xe máy bị bắt giữ |
Cụ thể, khoảng 1h45 ngày 26/5, tại ngõ 559 Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) xảy ra vụ cướp xe máy với tính chất manh động, táo tợn. Theo trình báo của nạn nhân Từ Minh T, sinh năm 2007 và Phạm Ngô Gia B, sinh năm 2005, cùng trú tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng: Hai nạn nhân bị 8 đối tượng điều khiển 3 xe máy bám đuổi từ ngã ba Trần Khát Chân - Nguyễn Khoái đến ngõ 559 Kim Ngưu. Đến ngõ 559, hai bị hại nhảy xuống xe chạy vào ngõ tuy nhiên vẫn bị các đối tượng ném vỏ chai bia đe dọa rồi cướp chiếc xe máy.
Ngay sau khi nhận được đơn trình báo của bị hại, Đội Cảnh sát Hình sự - Công an quận Hai Bà Trưng phối hợp với Đội 8 đã nhanh chóng vào cuộc điều tra.
Đến ngày 29/5, lực lượng công an đã bắt giữ 7/8 đối tượng trong vụ án gồm: Đỗ Gia Khánh, sinh năm 2007, trú tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội; Vũ Đức Anh, sinh năm 2007, trú tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội; Nguyễn Tùng Anh, sinh năm 2005, trú tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy; Nguyễn Minh Phương, sinh năm 2004, quê quán thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình; Hà Tuấn Nghĩa, sinh năm 2006, trú tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội; Lê Phan Thành Công, sinh năm 2006, trú tại phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và Lương Hữu Khang, sinh năm 2009, trú tại phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội.
Nhóm thiếu niên cưỡng đoạt tài sản người dân |
Qua trình điều tra, cơ quan công an xác định, khoảng 21h ngày 25/5, nhóm các đối tượng trên ngồi ăn nhậu tại nhà trọ của Tùng Anh ở Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Đến khoảng 0h ngày 26/5, cả bọn rủ nhau đi cướp xe máy bán lấy tiền ăn tiêu. Chúng điều khiển 3 xe máy, mang theo vỏ chai bia để làm hung khí.
Di chuyển từ Xuân Đỉnh tới đê Nguyễn Khoái, cả bọn phát hiện Từ Minh T và và Phạm Ngô Gia B đèo nhau bằng xe máy, lập tức bảo nhau đuổi theo, rồi cướp được xe. Sau đó, các đối tượng tháo biển số xe vừa cướp được cất vào cốp và đi về, thống nhất sau 1-2 ngày tới, khi thấy “êm êm” sẽ mang xe đi bán.
Vụ việc đang được cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hai Bà Trưng tiếp tục điều tra làm rõ.
Trước đó, hồi đầu năm 2022, 9 đối tượng thiếu niên tuổi từ 15 - 16, đã giả danh cảnh sát hình sự Hà Nội chặn bắt một số người vi phạm luật giao thông vào ban đêm để cưỡng đoạt tài sản. Chúng cũng sẵn sàng hành hung nếu người vi phạm không hợp tác.
Theo điều tra ban đầu, từ ngày 21/12/2021 đến khi bị bắt giữ ngày 7/1/2022, nhóm đối tượng này đã thực hiện 3 vụ bắt giữ, hành hung và chiếm đoạt tài sản của người đi đường. Cầm đầu băng nhóm này là một đối tượng mới 15 tuổi, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Theo đánh giá của cơ quan điều tra, dù tang vật trong những vụ việc này không lớn song tính chất, mức độ gây án cực kỳ manh động, nhất là hành vi giả danh lực lượng chức năng, gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Trong tháng 2/2022, Công an thành phố Hà Nội tiếp tục bắt giữ một số băng nhóm với gần 20 thiếu niên từ 15-17 tuổi đã gây ra hàng loạt vụ cướp giật tài sản trên địa bàn thành phố.
Không chỉ riêng Hà Nội, nhiều địa phương trên cả nước cũng ghi nhận gia tăng các nhóm thiếu niên phạm pháp hình sự (trong đó có nhiều vụ trọng án) cho thấy thực trạng đáng lo ngại về vấn đề này.
Cần đẩy mạnh giáo dục, quản lý từ mỗi gia đình
Qua điều tra và xét xử các vụ án, cơ quan chức năng cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ hóa tội phạm. Ngoài lý do các em đang trong độ tuổi trưởng thành, ham chơi, đua đòi, thiếu hiểu biết và dễ bị kích động thì sự giáo dục, quản lý của gia đình, nhà trường còn lỏng lẻo, chưa hiệu quả. Nhiều em có hoàn cảnh gia đình éo le, cha mẹ ly hôn, phạm pháp hình sự, rượu chè, cờ bạc, bạo lực gia đình khiến các em ít được quan tâm, dạy bảo.
Mặt khác, do tác động của văn hóa phẩm độc hại, đồi trụy và nhất là sự ảnh hưởng từ lối sống, cách hành xử của các nhóm xã hội đen được đăng tải tràn lan, thiếu kiểm soát trên mạng xã hội cũng đã tác động trực tiếp đến một bộ phận trẻ chưa thành niên.
Cần ngăn chặn xu hướng trẻ hóa tội phạm |
Luật sư Hồ Thanh Thủy, Ðoàn Luật sư Hà Nội cho biết: “Thực tế từ nhiều vụ xét xử trẻ vị thành niên cho thấy, những hành vi phạm tội này không đơn giản là bột phát, mà được nghiên cứu kĩ lưỡng, bài bản cả về phương diện luật. Nhiều đối tượng trẻ vị thành niên tỏ ra ung dung khi bị bắt giữ vì biết rằng luật pháp hiện hành không kết án người dưới 16 tuổi nếu không gây hậu quả nghiêm trọng… Do đó, nếu các em bị kích động, lợi dụng vào các việc làm sai trái để phục vụ cho các băng nhóm tội phạm thì rất đáng lo ngại”.
Thạc sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, trường Ðại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Hiện nay, các bạn trẻ tiếp nhận thông tin từ Internet, mạng xã hội nhanh, nhiều nhưng lại thiếu bộ lọc thông tin và đôi khi chính sự thờ ơ của cha mẹ đã vô tình đẩy con trẻ đến những hành động tiêu cực. Chúng ta cần quan tâm làm tốt công tác tâm lý, truyền thông, giáo dục kỹ năng sống để trang bị cho thanh thiếu niên bộ lọc này. Nhà trường ngoài việc trang bị kiến thức phải chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức cho học sinh; Công tác tham vấn trong học đường cũng phải được quan tâm đúng mức; Ðặc biệt phải đẩy mạnh giáo dục, quản lý từ mỗi gia đình”.
Thực trạng thanh thiếu niên, trẻ vị thành niên vướng vào các hoạt động phạm pháp gia tăng trong thời gian qua đã đặt ra nhiều vấn đề trong công tác phòng ngừa và xét xử tại nhiều địa phương, nhất là công tác quản lý, giám sát, giáo dục những đối tượng này sau xét xử.
Ðể phòng ngừa tình trạng tội phạm trẻ hóa, cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Mặc dù vai trò giáo dục trẻ tại gia đình là cốt lõi nhưng khi trẻ thiếu sự quan tâm từ gia đình do nhiều yếu tố khác nhau thì các tổ chức đoàn thể tại địa phương, cụ thể là tổ dân phố, tổ chức Ðoàn, Hội, nhà trường… cần phát huy vai trò tích cực trong việc quan tâm đến đời sống cũng như định hướng về đạo đức và lối sống cho thanh thiếu niên. Chỉ khi các em nắm được pháp luật, nhận thức được tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội và hậu quả pháp lý của hành vi phạm tội thì mới có sự chuyển biến tích cực và ổn định, lâu dài.