Ngăn tội phạm ẩn nấp quanh các chuyến xe buýt
Tội phạm nhiều tiền án, tiền sự
Mới đây nhất, tại Hà Nội, Hai đối tượng chuyên trộm cắp, móc túi của hành khách đi xe buýt tại điểm chờ 149 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội vừa bị lực lượng chức năng tóm gọn.
Trước đó, vào khoảng 18h ngày 22/8/2022 tại điểm dừng xe buýt 149 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội, Trung tâm đã phối hợp cùng Đội 5, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội bắt quả tang hai đối tượng trộm cắp tài sản tại điểm dừng xe buýt khi khách đang lên tuyến xe buýt số 16 (chiều Mỹ Đình - Bến xe Nước Ngầm).
Hai đối tượng là Tô Văn Hoàng (SN 1981, hộ khẩu thường trú tại đội 3 Lý Học, Vĩnh Bảo, Hải Phòng, đã có 4 tiền án); Hoàng Văn Kiên (SN 1984, hộ khẩu thường trú tại xóm 7, xã Như Hoà, Kim Sơn, Ninh Bình, có 5 tiền án). Tang vật thu giữ là 1 chiếc điện thoại Xiaomi - Redmi màu đen.
Hai đối tượng Tô Văn Hoàng và Hoàng Văn Kiên. |
Bị hại là Anh Nguyễn Xuân P (sinh năm 2007, hộ khẩu thường trú tại Hà Nội).
Đây không phải là lần đầu tiên các đối tượng móc túi bị bắt quả tang khi hoạt động trên tuyến xe buýt ở Hà Nội. Trước đó, giữa năm 2021, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) đã bắt quả tang ba đối tượng trộm cắp tài sản tại điểm dừng xe buýt 80 Trần Nhật Duật, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm.
Ba đối tượng là Phùng Bá Thi (sinh năm 1982 ở huyện Ba Vì, Hà Nội), Lê Hồng Anh (sinh năm 1971 ở phường Ngô Quyền, TP Hải Phòng, có 8 tiền án, 6 tiền sự), Đỗ Xuân Năm (sinh năm 1973 ở huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá) bị bắt quả tang khi đang cùng nhau trộm chiếc điện thoại Samsung Galaxy J2 prime màu hồng của khách đi xe buýt.
Ba đối tượng trộm cắp manh động trên xe buýt hồi tháng 3/2021 |
Đặc điểm chung của các đối tượng trên là có nhiều tiền án, tiền sự với vẻ ngoài lì lợm vì thế khi các hành khách khác phát hiện hành vi của chúng, cũng “tặc lưỡi” bỏ qua.
Thủ đoạn của các đối tượng thường là trà trộn lên xe buýt, vào các điểm dừng, đỗ đón, trả khách để hoạt động trộm cắp tài sản của hành khách đi xe buýt. Các đối tượng thường hoạt động theo ổ nhóm, phân công 2 - 3 người lên xe buýt đông hành khách; phát hiện hành khách trên xe sơ hở tài sản sẽ áp sát, tạo cớ chen lấn và che chắn để trộm cắp tài sản (móc túi, rạch túi).
Sau đó, các đối tượng nhanh chóng xuống xe và có từ 1 - 2 người đi xe máy bám theo sau xe buýt, cầm, cất giấu tài sản mà đồng bọn trộm cắp được trên xe và giúp đồng bọn chạy thoát khi bị phát hiện.
Còn tại các điểm dừng đỗ xe buýt đông hành khách, các đối tượng giả là hành khách lên xe chen lấn, xô đẩy và móc túi quần, túi áo, ba lô của hành khách để trộm cắp tài sản. Đặc biệt, một số đối tượng nhiễm HIV/AIDS nên hoạt động manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lại lực lượng công an khi bị phát hiện, bắt giữ.
Dư luận cả nước chắc hẳn chưa quên vấn nạn sàm sỡ trên xe buýt xảy ra trên nhiều tuyến xe buýt ở TP Hồ Chí Minh khoảng tháng 3/2022.
Tại Hà Nội, lực lượng chức năng chưa phát hiện trường hợp phạm tội sàm sỡ khách đi xe buýt, song lại tiềm ẩn nguy cơ bởi những nét tương đồng của hai thành phố lớn nhất nhì cả nước là Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, kỳ nghỉ lễ dài ngày 2/9 đang cận kề, đây rất có thể cũng sẽ là thời điểm để các đối tượng lợi dụng phạm tội. Nên cần phải đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn tội phạm bủa vây xe buýt.
Ngăn phát sinh, người dân là giải pháp chính
Nạn trộm cắp, móc túi tại nơi công cộng như bến xe, xe buýt… luôn là nỗi ám ảnh dai dẳng của người dân. Thế nhưng thời gian gần đây, hành vi phạm tội này ngày càng hoạt động có tổ chức, táo bạo và lộng hành, gây mất an ninh trật tự, khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Điều đáng buồn là các đối tượng móc túi, trộm tài sản vẫn tái phạm dù nhiều lần bị bắt giữ. Nguyên nhân được ngành chức năng chỉ ra cơ bản là dù bị móc túi, trộm tài sản nhưng người chứng kiến, thậm chí chính nạn nhân cũng im lặng, không dám tố giác, vì bị đe dọa, sợ bị trả thù, ảnh hưởng đến công việc…
Đó là lý do khiến các đối tượng, băng nhóm móc túi càng trở nên lộng hành và táo tợn và là nỗi lo của người dân khi muốn di chuyển bằng phương tiện công cộng - xe buýt.
Thực tế, khi vấn nạn móc túi, rạch túi, sàm sỡ… trên xe buýt nổi cộm, ngành chức năng cũng ngay lập tức triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn.
Ví như vụ việc của anh P ở Cầu Giấy, ngay sau khi hai đối tượng trộm điện thoại của anh này trên xe buýt bị bắt, Tổ công tác đã bàn giao các đối tượng cho Công an phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội xử lý.
Ảnh minh họa |
Cơ quan công an cũng lập tức khuyến cáo hành khách đi xe buýt cần lưu ý bảo vệ tài sản, điện thoại, túi xách, ví… cẩn thận.
Khi phát hiện thấy có đối tượng nghi vấn hoặc thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, báo ngay cho lái xe hoặc trình báo cơ quan Công an TP Hà Nội (Phòng Cảnh sát Hình sự – số 7 Thiền Quang) theo số đường dây nóng 0977 778 189 để kịp thời xử lý.
Mặt khác, cơ quan chức năng khuyến khích người dân tố giác ngay khi xảy ra sự việc đến tiếp viên, tài xế và các hành khách khác để kịp thời phối hợp xử lý.
Theo khuyến cáo, người dân nên kêu gọi sự giúp đỡ của người khác trên xe buýt để can thiệp, chấm dứt hành vi; Yêu cầu người quấy rối dừng ngay hành vi lại; gọi đường dây nóng 113 hoặc hoặc số điện thoại hotline của lực lượng công an để trình báo; Đồng thời bí mật ghi hình, ghi âm sự việc xảy ra làm bằng chứng hỗ trợ cho nạn nhân…
TS. Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Tội phạm trộm cắp tài sản được quy định rõ tại Điều 173 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) còn theo điểm đ khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục có thể bị phạt từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng thay vì 200.000 đồng như trước đây. Vì thế, để bảo vệ bản thân và “răn đe” các đối tượng phạm tội, hành khách đi xe buýt và nạn nhân cần có biện pháp hiệu quả để tố cáo hành vi của các đối tượng này.