Ngân hàng Nhà nước: Có tổ chức tín dụng tăng trưởng âm
Ngân hàng nào nắm “ngôi vương” doanh số sử dụng thẻ tín dụng? Phó Thống đốc: Dư nợ tín dụng xanh đạt gần 637.000 tỷ đồng |
Sáng 19/6, Ngân hàng Nhà nước đã Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024.
Hội nghị được tổ chức nhằm đẩy mạnh triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, phấn đấu đạt mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng cũng như Ngân hàng Nhà nước tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngay từ đầu năm.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 14/6, tăng trưởng tín dụng tăng 3.79% so với cuối năm 2023; tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng, doanh số tín dụng mà các tổ chức tín dụng đã cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn hơn doanh số cùng kỳ 3 năm trước.
Tuy nhiên, tại một số địa phương tăng trưởng tín dụng còn thấp; có những tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, thậm chí tăng trưởng âm. Điều đó cho thấy về tổng thể cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ là các động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định, một bộ phận khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi, chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, cùng với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân.
Từ nay đến cuối năm, với những chỉ đạo quyết liệt hành động của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, thị trường, phối hợp giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm khả quan.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị. |
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu tại Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Trong điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất tiếp tục được điều hành ổn định theo hướng từng bước giảm mặt bằng lãi suất chung trong nền kinh tế; điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục có giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo sự hài hòa giữa lãi suất cho vay và huy động; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng công bố công khai lãi suất cho vay bình quân.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn Luật các tổ chức tín dụng năm 2024 đảm bảo hiệu lực thi hành luật từ ngày 1/7/2024; đồng thời tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn có tính mùa vụ cao đối với một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực (lúa gạo, cà phê, thủy sản,…
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ rà soát để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như bất động sản, các dự án hạ tầng giao thông, các ngành như xi măng, sắt, thép, vật liệu xây dựng,… đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng...