Các vướng mắc làm chậm giải ngân vốn đầu tư công

Các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA... khiến chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Có chế tài xử nghiêm việc cố tình làm chậm giao vốn đầu tư công Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi)

Hết tháng 11, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 54,8%%

Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước ước thực hiện từ đầu năm đến ngày 30/11/2024 cho thấy số giải ngân đạt 54,8% kế hoạch, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 59,4% kế hoạch và đạt 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Theo đó, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến ngày 31/10/2024 là 346.085,8 tỷ đồng, đạt 46,14% kế hoạch (750.094,9 tỷ đồng), đạt 50,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 5.031,1 tỷ đồng (đạt 80,93% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), chương trình mục tiêu quốc gia là 14.646,4 tỷ đồng (đạt 53,81% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Ước giải ngân từ đầu năm đến ngày 30/11/2024 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 54,8% kế hoạch, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 59,4% kế hoạch và đạt 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Trong đó, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 5.410,25 tỷ đồng (đạt 87,03% kế hoạch), chương trình mục tiêu quốc gia là 17.362,1 tỷ đồng (đạt 63,78% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Ước giải ngân 11 tháng vốn ngân sách Trung ương đạt tỷ lệ cao hơn cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên vốn ngân sách địa phương giải ngân còn thấp.

Trong 11 tháng năm 2024, 18/46 bộ, cơ quan Trung ương và 40/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với tổng kế hoạch đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, 28/46 bộ, cơ quan Trung ương và 23/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.

Theo Bộ Tài chính, việc một số địa phương kế hoạch lớn nhưng tỷ lệ giải ngân không cao nên ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.

Các vướng mắc làm chậm giải ngân vốn đầu tư công
Ảnh minh họa.

Nhiều vướng mắc cần sớm được tháo gỡ

Cũng theo đánh giá của Bộ Tài chính, đến nay, một số khó khăn vướng mắc liên quan đến thể chế đã được các bộ, ngành tổng hợp trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét sửa đổi các luật tại kỳ họp Quốc hội khóa XV, tuy nhiên vẫn còn khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Theo đó, vướng mắc về cơ chế chính sách; giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA... cần được các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư tích cực chủ động giải quyết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Ngoài ra, một số địa phương (Quảng Nam, Bình Phước, Hưng Yên, Tây Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Bắc Kạn) gặp khó khăn khi nguồn thu tiền sử dụng đất chưa đạt được so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, một số địa phương còn đạt tỷ lệ thấp do đấu giá quyền sử dụng đất các dự án khối tỉnh chưa kịp thời huy động vào ngân sách Nhà nước; ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp xã đã giao chi tiết kế hoạch vốn, nhưng chưa có nguồn thu thực tế do vậy chưa có nguồn để bố trí và giải ngân cho các dự án đầu tư.

Để thực hiện mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao , Bộ Tài chính tiếp tục kiến nghị một số nội dung đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Trước tiên là rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai, đặc biệt đối với các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, trải dài trên nhiều địa phương, thời gian thi công gấp rút, điều kiện địa hình, thời tiết khó khăn, thiếu thốn nguyên vật liệu....

Các đơn vị cần tăng cường kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành đảm bảo khoa học, hiệu quả công việc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 673/TTg-CN ngày 5/9/2024 về triển khai các nhiệm vụ trọng tâm để phấn đấu hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025 nhằm hưởng ứng phong trào thi đua. Đặc biệt, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương cần chủ động, kịp thời điều chuyển vốn giữa các dự án không có khả năng giải ngân hoặc chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn.

Đối với những vướng mắc kéo dài liên quan đến nguồn nguyên vật liệu cho các dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải và các địa phương chủ quản quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu chủ động trong việc tìm kiếm nguồn vật liệu cát để bù đắp phần công còn thiếu hụt; phối hợp chặt chẽ với các địa phương có mỏ vật liệu để khẩn trương hoàn thiện thủ tục cấp phép mỏ, đảm bảo đủ khối lượng, công suất, đáp ứng tiến độ các dự án.

Đồng thời, căn cứ chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Bộ Tài chính đã chủ động xử lý dự toán cho các dự án vướng mắc về giao chủ đầu tư không trực thuộc.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ chịu trách nhiệm toàn diện trước cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, cơ quan có thẩm quyền và cơ quan liên quan khác về việc tổ chức triển khai thực hiện, phân bổ kế hoạch theo đúng quy định của pháp luật.

Trường hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến việc phân bổ vốn cho các dự án chưa phù hợp theo quy định của pháp luật, đề nghị các Bộ: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động – Thương binh và Xã hội dừng thanh toán và thu hồi vốn về ngân sách theo đúng quy định.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ căn cứ quy định pháp luật, chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ để tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo đúng quy định và việc đầu tư các dự án được hiệu quả, đúng tiến độ.

Hậu Lộc
Phiên bản di động