Ngân hàng không thể lỗ vì lỗ sẽ dẫn đến đổ vỡ
Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát, sửa đổi thông tư gây khó doanh nghiệp Các ngân hàng phải báo cáo kết quả cam kết giảm lãi suất cho vay |
Chia sẻ tại Hội thảo "Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm" diễn ra sáng 22/8, ông Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, sự an toàn của hệ thống ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trong đó, những nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí thanh toán… đã góp phần hỗ trợ khu vực doanh nghiệp vượt qua các khó khăn, thách thức, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để từng bước phục hồi.
Tuy nhiên, tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6, sang đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,6%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%). Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất khó khăn và việc giải quyết vấn đề này sao cho có hiệu quả là một thách thức lớn của ngành ngân hàng.
Theo Phó Thống đốc, những nỗ lực để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, nhất là trong việc tiếp cận và hấp thụ vốn, đã đạt được những kết quả không thể phủ nhận. Tuy nhiên, tình hình kinh tế trong và ngoài nước được dự báo tiếp tục có nhiều bất định, chúng ta sẽ còn phải đối mặt với các khó khăn, thách thức từ nhiều phía.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Giáp |
Thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục phản ánh không ít khó khăn. Do đó, để giải quyết vấn đề này cần phải tiếp tục có sự chung tay, đồng sức, đồng lòng và sự nỗ lực hơn nữa của các bộ, ngành và các chủ thể trong nền kinh tế để giúp cho khu vực doanh nghiệp phục hồi ổn định và tiếp tục phát triển.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đánh giá, chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như hiện nay. Trong khi các nước vẫn đang thắt chặt tiền tệ thì chúng ta giảm lãi suất, nới lỏng tiền tệ. Đến nay nhiều khoản nợ giãn hoãn từ dịch COVID-19 chưa xong, chúng ta lại tiếp tục giãn hoãn cho nhiều khoản nợ khác.
"Cứ 10 năm thì lại rơi vào tình trạng khó khăn. Người ta hay nói phải chăng đó là quy luật. Vậy khó khăn sẽ kéo dài đến bao giờ. Hiện nay trên thế giới, chưa thấy nước nào tuyên bố hết khó khăn", ông Tú chia sẻ.
Phó Thống đốc cho biết, thời gian qua ngành ngân hàng đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ các doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần hạ lãi suất điều hành, có các công cụ để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại cũng đã tích cực giảm lãi suất cho vay, tiết giảm chi phí, có tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, nếu không tạo điều kiện cho tín dụng thì sẽ khó có tăng trưởng. Nhưng Phó Thống đốc cũng bày tỏ lo ngại, nếu “tháo” điều kiện tăng trưởng tín dụng thì nợ xấu tăng lên, khiến “cục máu đông” nợ xấu vừa mới tạm thời được xử lý lại quay trở lại.
Theo ông Tú, các ngân hàng đang đứng giữa hai dòng nước, vừa phải đảm bảo an toàn nợ xấu, vừa phải tăng trưởng, chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp cùng nhau vượt qua.
Theo Phó Thống đốc, các ngân hàng chủ yếu sống nhờ tín dụng, khi đã huy động vào thì phải cho vay ra, không thể cất giữ trong két. Tuy nhiên, việc ngân hàng đang dư thừa tiền nhưng lại không thể cho vay cũng giống như doanh nghiệp không bán được hàng dẫn đến hàng tồn kho.
Ngân hàng có thể giảm lãi suất giống như doanh nghiệp giảm giá bán sản phẩm. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể thua lỗ chứ ngân hàng không thể thua lỗ.
"Ngân hàng mà thua lỗ sẽ dẫn đến đổ vỡ, một doanh nghiệp đổ vỡ có thể ảnh hưởng vài trăm lao động nhưng một ngân hàng nếu đổ vỡ sẽ kéo theo cả hệ thống. Ngân hàng có thể lãi nhiều hay lãi ít nhưng không thể lỗ", Phó Thống đốc nhấn mạnh.