Ngân hàng ACB được tăng vốn
Ngân hàng ACB lên kế hoạch lợi nhuận cao nhất lịch sử Cổ phiếu lên sàn HOSE: Ngân hàng ACB từng dính nhiều “phốt” về thuế |
Ngày 13/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Văn bản số 3304/NHNN-TTGSNH về việc tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc ACB tăng vốn điều lệ tối đa thêm 5.403.896.150.000 đồng (Năm nghìn bốn trăm lẻ ba tỷ tám trăm chín mươi sáu triệu một trăm năm mươi nghìn đồng) từ mức vốn điều lệ 21.615.584.600.000 đồng (Hai mươi mốt nghìn sáu trăm mười lăm tỷ năm trăm tám mươi bốn triệu sáu trăm nghìn đồng) bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức sau khi đã trích lập đầy đủ các quỹ năm 2020 và lợi nhuận năm trước còn lại chưa chia đã được Đại hội đồng cổ đông ACB thông qua tại Nghị quyết số 1019/TCQĐ-ĐHĐCĐ.21 ngày 6/4/2021.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ACB có trách nhiệm thực hiện việc tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc phát hành cổ phiếu theo quy định của pháp luật, ACB thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động theo quy định tại Khoản 4 Điều 11 Thông tư số 50/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận một số nội dung thay đổi của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo kế hoạch của ACB, ngân hàng sẽ phát hành thêm hơn 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, tương đương giá trị phát hành theo mệnh giá đạt trên 5.400 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành sẽ được lấy từ lợi nhuận để lại sau khi trích lập các quỹ và lợi nhuận các năm trước tính đến cuối năm 2020.
Bãn lãnh đạo ACB cho biết việc tăng vốn điều lệ nhằm mục đích đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và đáp ứng các nhu cầu vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu Chính phủ. Ngoài ra, nguồn vốn tăng thêm cũng sẽ được sử dụng để cải tạo, đầu tư mới các dự án chiến lược giai đoạn 2019-2024.
Theo báo cáo tài chính quý 1/2021 vừa công bố, thu nhập lãi thuần 3 tháng đầu năm 2021 của ACB đạt 4.639 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020.
Đồng thời, các khoản lãi từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh 69% đạt 625 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 37% đạt 196 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh tăng gần 8 lần đạt 113 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt 49 tỷ đồng, giảm 86% so với cùng kỳ; lãi từ hoạt động khác giảm 39% xuống 49 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí hoạt động của ACB giảm 16,7% xuống còn 1.965 tỷ đồng, chủ yếu do giảm chi phí cho nhân viên. Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro lại tăng đột biến, cao gấp 6,5 lần cùng kỳ, ở mức 606 tỷ đồng.
Mặc dù chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh nhưng ACB vẫn ghi nhận lợi nhuận trước và sau thuế tăng 61% và 62% so cùng kỳ, đạt hơn 3.204 tỷ đồng và hơn 2.483 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/3/2021, tổng tài sản của ACB ở mức gần 449.515 tỷ đồng; dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,1% đạt 324.311 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi khách hàng giảm 0,3% xuống 352.217 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 3/2021, tổng nợ xấu của ACB tăng 61% so với đầu năm, lên mức hơn 2.954 tỷ đồng. Trong đó, nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng 94% lên 799 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 53% lên 1.858 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ACB tăng từ 0,6% hồi đầu năm lên 0,92%.