Ngăn chặn tình trạng "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp

Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ tập trung xử lý tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, đồng thời rà quét, xử lý vi phạm trên mạng Internet, công bố bộ danh sách nội dung “sạch” và nội dung “đen” trên mạng của Việt Nam.
Hà Nội tăng cường xử lý nghiêm tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội nghị

Ngày 22/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022, định hướng nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông chủ trì Hội nghị.

Cùng dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành, hiệp hội, các Sở Thông tin và Truyền thông tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố và lãnh đạo một số doanh nghiệp và cơ quan báo chí.

Hội nghị là diễn đàn để các doanh nghiệp chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai cung cấp dịch vụ, giúp cơ quan quản lý nhìn nhận rõ những vấn đề bất hợp lý trong công tác xây dựng chính sách để tiến hành điều chỉnh cho phù hợp với xu thế phát triển công nghệ mới.

Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, trong thời gian qua, Cục đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp quản lý lĩnh vực thông tin điện tử để bảo đảm lành mạnh không gian mạng.

Cục đã kiểm tra, làm rõ dấu hiệu “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và kiên quyết thực hiện các biện pháp xử lý hành chính với các vi phạm. Song hành với đó, Cục ban hành Tiêu chí nhận diện “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí; Đồng thời xây dựng Bộ nhận diện các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến “báo hóa” đối với các loại hình nói trên, công khai trên các phương tiện truyền thông để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, đối chiếu.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử phát biểu tại hội nghị  THU HẰNG
Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử Lê Quang Tự Do phát biểu tại hội nghị

Hai bộ tiêu chí này được coi là “cẩm nang” giúp cơ quan quản lý ở trung ương, các sở thông tin và truyền thông trong việc phát hiện và xử lý vi phạm “báo hóa”, cũng như giúp các doanh nghiệp cung cấp trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội tự chấn chỉnh, phòng tránh sai phạm. "Đây là những điểm mới được cơ quan quản lý triển khai trong năm qua, góp phần định tính, định lượng hiện tượng “báo hóa” trang tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, từ đó nhận diện sai phạm, bốc thuốc để “chữa bệnh”", ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết.

Với mong muốn thay đổi tư duy quản lý theo phương châm: “Muốn quản được phải thấy được”, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tăng cường năng lực rà quét của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia lên 300 triệu tin/ngày để giám sát, đo lường, đánh giá xu hướng thông tin tích cực, tiêu cực, xu hướng trên không gian mạng. Công cụ này cũng được chuyển giao và tập huấn sử dụng cho bộ, ngành, địa phương để chủ động rà quét, xử lý trên địa bàn.

Cùng với đó, là sự thay đổi phương thức tiếp cận, đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới (Facebook, Google, TikTok…). Nhờ đó, các nền tảng trên đều nâng cao tỷ lệ đáp ứng yêu cầu chặn gỡ của bộ; nộp thuế trực tiếp với Tổng cục Thuế (37 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài nộp thuế với tổng số tiền hơn 3.100 tỷ đồng); ngăn chặn, gỡ bỏ các game không phép, game vi phạm pháp luật…

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh cần phải đánh giá lại mô hình trang thông tin điện tử, tránh nguy cơ "rửa" nguồn thông tin; Đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố rà soát kỹ lưỡng tình trạng hoạt động hiện nay của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin điện tử, kiên quyết xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm.

Bày tỏ lạc quan về tương lai của các trang mạng xã hội Việt Nam, Thứ trưởng cho rằng các mạng xã hội do người Việt sáng lập hoàn toàn có cơ hội phát triển tiếp, trở thành hệ sinh thái bổ sung. Điều quan trọng là cần tìm những hướng đi mới, những cửa ngách để phát triển và trụ vững trước cạnh tranh của các “ông lớn” nước ngoài.

Anh Đức
tuoitrethudo.com.vn
Tags: báo hoá
Phiên bản di động