Nên hay không việc chạy theo nhiều kỳ thi thử?

Hiện nay, đồng loạt các trường chuyên trên địa bàn Thủ đô đã công bố lịch cho thí sinh đăng kí thi thử. Tuy nhiên, việc tham gia nhiều kỳ thi thử có giúp củng cố kiến thức để thí sinh ôn luyện hiệu quả hay không vẫn là câu hỏi quen thuộc được đặt ra trước mỗi mùa tuyển sinh.
Học sinh "chạy nước rút" ôn thi sau Tết Hà Nội sẽ tổ chức khảo sát tốt nghiệp THPT cho cả học sinh lớp 11

3/4 trường chuyên thông báo lịch thi thử

Hà Nội có 4 trường THPT chuyên thuộc đại học và tính đến thời điểm hiện tại, chỉ còn Trường THPT chuyên Khoa học xã hội và nhân văn chưa thông báo kế hoạch thi thử lớp 10.

Cuối tháng 1, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã tổ chức xong đợt thi thử đầu tiên. Hiện tại, nhà trường đã và đang mở đơn cho thí sinh tham gia đăng ký thi thử lần 2, kéo dài tới ngày 4/3.

Theo đó, thí sinh sẽ tham gia thi trong hai ngày, môn Toán chung (Toán 1) và Ngữ văn thi vào sáng và chiều 9/3, mỗi môn 120 phút.

Ngày 10/3, thí sinh làm bài môn chuyên trong 150 phút. Buổi sáng dành cho thí sinh thi Toán chuyên (Toán 2) hoặc môn Sinh chuyên, chiều là môn chuyên Vật lý, Hóa học.

Dự kiến, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên sẽ tổ chức đợt thi thử thứ ba vào 6 - 7/4 nhưng chưa nhận đăng ký.

Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội đang mở đăng ký thi thử đợt 1 cho học sinh khối 9 toàn quốc, hạn cuối vào ngày 28/2. Học sinh làm bài thi thử vào ngày 3/3, nhận kết quả sau 10 ngày. Hai đợt còn lại diễn ra vào ngày 14/4 và 12/5.

Theo thông tin từ Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, thí sinh sẽ thi môn Ngữ văn và Toán vào buổi sáng, thời gian làm bài 90 phút/môn. Môn chuyên Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Tiếng Anh diễn ra vào buổi chiều, thời gian làm bài 120 phút/môn. Trường sẽ mở đợt đăng ký thi thử mới sau khi kết thúc đợt kế trước.

Các đợt thi thử được tổ chức trực tiếp ngay tại trường, thí sinh đăng ký dự thi theo 2 cách trực tuyến và trực tiếp. Mỗi thí sinh đăng ký dự thi nộp lệ phí 450.000 đồng/đợt thi, bao gồm: lệ phí đăng kí, lệ phí thi, lệ phí sẽ không được hoàn trả nếu thí sinh bỏ thi.

Nên hay không việc chạy theo nhiều kỳ thi thử
Hiện nay, 3/4 trường chuyên trên địa bàn Thủ đô đã tổ chức kỳ thi thử cho học sinh

Còn đối với Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học quốc gia Hà Nội trong năm 2024, nhà trường tổ chức 3 đợt thi thử cho học sinh.

Lần 1 diễn ra vào tháng 21/1, lịch thi hai đợt còn lại vào ngày 10/3 và ngày 5/5. Các môn thi thử bao gồm:

Đánh giá năng lực ngoại ngữ với môn học: Anh, Pháp, Trung, Đức, Nhật, Hàn, hình thức thi trắc nghiệm và tự luận, thời gian làm bài 90 phút.

Đánh giá năng lực môn Toán và Khoa học tự nhiên diễn ra theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài: 55 phút.

Đánh giá năng lực môn Văn và Khoa học xã hội: trắc nghiệm và tự luận, 55 phút, diễn ra trong một buổi.

Lưu ý, trong 2 đợt đầu, trường chỉ tổ chức thi thử môn chuyên Tiếng Anh, riêng đối với đợt cuối có đầy đủ: Tiếng Anh, Pháp, Đức, Trung, Nhật, Hàn.

Các trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Ngoại ngữ, Đại học Sư phạm Hà Nội, đều có ba đợt thi thử vào lớp 10 từ tháng 3 đến 5, với lệ phí 150.000 đồng mỗi môn.

Chuyện thi thử - nên hay không?

Kiểm tra đánh giá kiến thức để tăng khả năng đỗ vào ngôi trường mong muốn chính là lý do khiến thí sinh và phụ huynh ồ ạt tìm đến các kỳ thi thử.

Tuy nhiên, theo ý kiến của phần lớn giáo viên đã có nhiều học sinh đạt kết quả cao trong các kỳ thi thì việc thi thử là để xem kiến thức học sinh đến đâu, đồng thời, giúp rèn luyện tâm lý, còn về mặt tích luỹ kiến thức thì không mấy hiệu quả, thậm chí còn phản tác dụng, bởi lẽ việc học tập vốn là cả một quá trình tích luỹ chứ không chỉ qua một vài đề thi thử.

Cô Nông Thị Vân Dung, giáo viên trường THPT Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) cho biết: "Thi thử cũng là một cách học. Tuy nhiên, đã gọi là thi thì ít nhiều cũng gây ra áp lực tâm lí cho thí sinh. Mục đích của thi thử là để ôn tập và trải nghiệm, nên việc thi thử ít hay nhiều nên tùy thuộc vào nhu cầu của học sinh, không nên quá nặng nề gây áp lực cho các em".

Nên hay không việc chạy theo nhiều kỳ thi thử
Cô Nông Thị Vân Dung, giáo viên trường THPT Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) cho rằng việc thi thử ít hay nhiều nên tùy thuộc vào nhu cầu của học sinh, không nên quá nặng nề gây áp lực cho các em.

Chia sẻ thêm, cô Dung bày tỏ, nhiều học sinh thi thử thấy kết quả lẹt đẹt thì sinh tâm lý buông xuôi, còn làm tốt thì thấy sung sướng, thoả mãn tạo ra chiều hướng lơ là. Nhiều trường hợp, học sinh chỉ quan trọng việc đối chiếu đáp án đúng A-B-C-D, so điểm số, còn việc chữa đề, chữa từng câu sai trong đề trắc nghiệm lại không được chú trọng.

"Hơn nữa, môi trường học tập và chương trình học ở trường THPT sẽ có nhiều sự khác biệt so với THCS, tâm sinh lý của các con giai đoạn này cũng có sự thay đổi... Vì vậy, bên cạnh việc khuyến khích con em củng cố, trau dồi kiến thức, bố mẹ nên chia sẻ với các con về những trải nghiệm và suy nghĩ của chính bản thân mình khi học THPT để có thể chuẩn bị tinh thần tốt nhất trên chặn đường mới", cô Dung cho hay.

Cùng quan điểm với cô Vân Dung, song cô Phùng Thị Trang, giáo viên trường THCS Nguyễn Du (tỉnh Thái Nguyên) cho rằng, nhiều học sinh chưa thực sự coi trọng những kỳ thi thử.

Lý giải về điều này, cô Trang nói, trải qua nhiều lần chấm bài thi thử cho học sinh, cô nhận thấy đa phần thí sinh tham gia thi thử đều có xu hướng làm bài hời hợt, chưa thực sự chú trọng và đặt tâm huyết vào bài thi của mình, đây là lý do khiến kết quả thi thử sẽ khác với kết quả thi thật.

Song, các bậc phụ huynh vì lo lắng nên luôn hối thúc con em mình tham gia thi thử mà chưa thực sự hiểu rõ rằng tâm lý thi thử với thi thật là khác nhau hoàn toàn. Vì vậy, cách tốt nhất là bố mẹ nên theo sát con cái trong chính quá trình học tập, khi kiến thức vững chắc thì việc thi thử hay thi thật cũng không phải vấn đề bận tâm.

Nên hay không việc chạy theo nhiều kỳ thi thử
Cô Phùng Thị Trang (áo hồng) cho rằng thí sinh tham gia thi thử với thi thật sẽ mang tâm lý thi hoàn toàn khác nhau. Do vậy, bố mẹ nên cần chủ động theo sát con em trong chính quá trình học tập.

"Có thể nói, việc đăng ký và tham gia thi thử chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi thí sinh tham gia có mục tiêu rõ ràng, khi đó việc thi thử sẽ là sự trải nghiệm mang ý nghĩa tích cực để thí sinh cọ xát, hệ thống lại kiến thức; từ đó xác định mục tiêu chuẩn xác hơn", cô Trang kết lời.

Là thí sinh đăng ký thi thử vào trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên trong lần thi 1, thí sinh Nguyễn Minh Hải, học sinh lớp 9 tại quận Thanh Xuân bộc bạch: "Cuối tháng 1 vừa qua, em đã tham gia cọ xát với kỳ thi thử do trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên tổ chức. Nhận kết quả, em thấy rằng khả năng của mình chưa đạt so với kỳ vọng và nguyện vọng của bản thân. Vì vậy, em sẽ chuyển hướng, chuyển mục tiêu và thi vào trường phù hợp với mình hơn”.

Quỳnh Giang
Phiên bản di động