Năm 2020 tập trung thanh tra chống buôn lậu, gian lận thương mại
Hà Nội: Phát hiện, xử lý trên 20.400 vụ gian lận thương mại, buôn lậu Không có “vùng cấm” trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả |
Bộ Tài chính mới đây đã có Công văn số 13288/BTC-TTr về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2020.
Trong đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2019 phải bám sát nhiệm vụ quản lý của ngành Tài chính, của địa phương, đơn vị đồng thời phải gắn với việc thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, quản lý, sử dụng tài sản công.
Năm 2020 sẽ tập trung thanh tra chống buôn lậu, gian lận thương mại. |
Công văn cũng nêu rõ kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2020 cần tập trung vào những nội dung trọng tâm như thanh tra việc thực hiện thu nộp ngân sách nhà nước, chú trọng thanh tra chống thất thu thuế, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn, lậu thuế, phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ, gian lận thuế, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro thu nộp ngân sách nhà nước lớn, các doanh nghiệp hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế, nợ đọng thuế lớn; các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, điện lực, kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp phát sinh chuyển nhượng vốn, thương hiệu, chuyển nhượng dự án, các ngành nghề kinh doanh mới, đặc thù…; các doanh nghiệp, tổ chức tài chính ngân hàng; các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có dấu hiệu chuyển giá; các doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn, giá cả không ổn định, nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất xuất khẩu, gia công cho thương nhân nước ngoài; doanh nghiệp chế xuất. Tiếp tục tăng cường thanh tra hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp có hoàn thuế lớn, các doanh nghiệp có dấu hiệu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp,... Thanh tra, kiểm tra thuế, xử lý nợ đọng thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác vào ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, ngành Tài chính cũng sẽ thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước, trong đó tập trung thanh tra việc bố trí, giao dự toán; quản lý, sử dụng và quyết toán các khoản chi ngân sách nhà nước, chú ý các khoản chi hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, xác định các khoản chi ngân sách nhà nước còn lãng phí, không hiệu quả. Công tác quản lý, điều hành vốn đầu tư, chú trọng thanh kiểm tra, giám sát trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư, nhất là việc triển khai, thực hiện phân bổ vốn theo chỉ đạo của Chính phủ; tập trung thanh tra các dự án lớn, dự án trọng điểm để kịp thời kiến nghị các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc,... đi sâu kiểm tra các dự án triển khai chậm, điều chỉnh tiến độ, dự án nhiều lần tăng tổng mức đầu tư,... Thanh tra, kiểm tra việc phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu, nguồn kinh phí dự phòng; công tác tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí, hàng hóa cứu trợ phòng chống thiên tai, các khoản hỗ trợ từ ngân sách Trung ương,...
Đồng thời, ngành Tài chính cũng sẽ thanh tra, kiểm tra đánh giá tài chính doanh nghiệp, chú trọng thanh tra, kiểm tra tính minh bạch của doanh nghiệp trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, trong việc thực hiện chế độ báo cáo, công bố thông tin, kê khai, nộp ngân sách nhà nước và hưởng các chính sách ưu đãi về thuế. Đẩy mạnh công tác thanh tra giá, trong đó tập trung thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về giá, thuế nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.
Ngoài ra, đối với thanh tra chuyên đề, căn cứ vào yêu cầu quản lý và chỉ đạo điều hành của từng cấp, chú trọng xây dựng kế hoạch thanh tra các chuyên đề diện rộng và chuyên sâu, nhằm tổng kết, đánh giá toàn diện từ cơ chế quản lý điều hành tới công tác quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí để có những kiến nghị sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách và chấn chỉnh quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí.
Đối với công tác thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ Tài chính tập trung chủ yếu vào thanh tra công tác quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước, nguồn thu phí, lệ phí và các nguồn thu sự nghiệp khác; tập trung thanh tra Bộ, ngành, địa phương có nguồn thu và sử dụng ngân sách nhà nước lớn, có cơ chế tài chính đặc thù.
Đồng thời, Thanh tra Bộ Tài chính cũng sẽ thanh tra công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng đối với các Bộ, ngành, địa phương, các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia; các dự án đầu tư được Nhà nước quyết định đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư có liên quan đến công tác an sinh xã hội; việc sử dụng tài sản công để thanh toán các hợp đồng BT, các dự án đầu tư do Chính phủ bảo lãnh và khả năng trả nợ đối với các khoản vay...
Bên cạnh đó, ngành Tài chính cũng sẽ thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài chính, kế toán và chấp hành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước đối với các doanh nghiệp có quy mô hoạt động và số thu lớn do Chính phủ, Bộ ngành và địa phương quản lý, đặc biệt đối với các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, tái cơ cấu theo quy định của Chính phủ, nhằm đánh giá tình hình tài chính, việc bảo toàn và phát triển vốn, đầu tư mua sắm tài sản của doanh nghiệp và việc đầu tư tài chính vào doanh nghiệp khác, phát hiện thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước,...
Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Tài chính cũng yêu cầu thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá và thuế đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, các mặt hàng trong danh mục bình ổn giá, đăng ký giá và kê khai giá theo quy định của Luật Giá; thanh tra công tác quản lý tài chính các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước của Trung ương và các địa phương. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc triển khai, thực hiện các quy định pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng tại một số Bộ ngành, địa phương.
Đối với công tác thanh tra hành chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu tập trung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng trong việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, chính sách pháp luật và việc thực thi trách nhiệm theo thẩm quyền; thanh tra công tác quản lý thuế, hải quan nhằm chống thất thu ngân sách nhà nước, gian lận thương mại...