Mỹ sẽ mở rộng điều tra chống độc quyền đối với Google, lan rộng sang cả hệ sinh thái Android
Năm ngoái, bộ trưởng tư pháp các bang tại Mỹ đã ra một tuyên bố chung tham gia vào một cuộc điều tra chống độc quyền nhằm đến Google do Bộ trưởng Tư pháp bang Texas Ken Paxton dẫn đầu.
Cuộc điều tra sẽ tập trung làm rõ liệu tập đoàn Google có gây nguy hại tới cạnh tranh và người tiêu dùng hay không, trước hết chú trọng vào các hoạt động của hãng công nghệ này trong tìm kiếm (Google Search), quảng cáo (Google Ads)và các hoạt động kinh doanh khác, từ đó làm cơ sở để mở rộng điều tra
Tại thời điểm đó, Bộ trưởng Tư pháp bang Texas Ken Paxton nói rằng cuộc điều tra sẽ chủ yếu tập trung vào mảng kinh doanh quảng cáo của Google bởi vì công ty này đã thống trị tất cả các khía cạnh của quảng cáo trên Internet và tìm kiếm trực tuyến.
Mỹ sẽ mở rộng điều tra chống độc quyền đối với Google, lan rộng sang cả hệ sinh thái Android. |
Alphabet, công ty mẹ của Google, cho biết Bộ Tư pháp Mỹ từ cuối tháng 8 đã yêu cầu công ty này cung cấp thông tin và các tài liệu liên quan tới các cuộc điều tra chống độc quyền trước đó của họ.
Tuy nhiên, cuộc điều tra hiện nay sẽ mở rộng để làm rõ liệu Google có vi phạm các quy định chống cạnh tranh với các sản phẩm phần mềm tìm kiếm và Android hay không.
Ngoài cuộc điều tra này, Google cũng đang phải đối mặt với 2 cuộc điều tra quy mô lớn khác của Bộ Tư pháp và Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ.
Từng một thời được ca ngợi như những đầu tàu cho tăng trưởng kinh tế, Google đang càng đối mặt nhiều hơn với chỉ trích của dư luận về các vấn đề như vi phạm quyền riêng tư và ảnh hưởng thao túng thị trường quá mức của họ.
Alphabet, công ty mẹ của Google có giá trị thị trường hơn 820 tỷ USD và doanh thu là 137 tỷ USD, thu nhập là 31 tỷ USD vào năm 2018. Google kiểm soát rất nhiều khía cạnh của internet đến nỗi khó có thể tưởng tượng việc lướt web lâu mà không chạy vào ít nhất một trong các dịch vụ của tập đoàn này.
Vào năm 2018, Google đã bị Ủy ban châu Âu (EU) phạt tới 4,34 tỷ euro sau những cáo buộc gã khổng lồ công nghệ Mỹ tự cho mình một lợi thế không công bằng khi cài sẵn trình duyệt Chrome và ứng dụng tìm kiếm Google Search trên smartphone và laptop chạy Android.