Muốn đầu tư loạt dự án bất động sản: Năng lực tài chính của Tài Tâm Group có yếu kém?
Một công ty bất động sản có hoạt động bị nghi ngờ đa cấp tại Lào Cai Nhà đầu tư cần cẩn trọng trước vấn nạn "đạo nhái" tên tuổi doanh nghiệp bất động sản uy tín |
Cuối tháng 6/2022, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp và một số sở, ngành đã làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn Tài Tâm (Tài Tâm Group) về đề xuất đầu tư nhiều dự án bất động sản của doanh nghiệp.
Theo đó, Tài Tâm Group đề xuất lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp được đầu tư 3 dự án, trong đó trên địa bàn TP Cao Lãnh có 2 dự án và một trên địa bàn TP Sa Đéc. Đây là các dự án đô thị tích hợp hiện đại, tổ hợp thương mại dịch vụ cao cấp, đô thị du lịch, góp phần thúc đẩy nhanh đô thị hóa trên địa bàn TP Cao Lãnh và Sa Đéc.
Cụ thể, các dự án này bao gồm: Tổ hợp đô thị - du lịch Tài Tâm - Sa Đéc và Tổ hợp đô thị - Tài Tâm - Cao Lãnh và Tổ hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn, căn hộ Cao Lãnh.
Đại diện Tài Tâm Group mong muốn tài trợ lập quy hoạch phân khu tại một số vị trí trên địa bàn hai thành phố nói trên và đăng ký đầu tư tại vị trí lập quy hoạch. Ngoài ra, doanh nghiệp cho biết sẽ nghiên cứu đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Đồng Tháp, đây cũng là một trong những lĩnh vực thế mạnh của công ty.
Sau đó, đến cuối tháng 7/2022, Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp đã ra kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Trí Quang tại buổi tiếp và làm việc với Tài Tâm Group về đề xuất các dự án và tài trợ các quy hoạch phân khu trên địa bàn TP Cao Lãnh, Sa Đéc.
Theo kết luận, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đề nghị Tài Tâm Group nghiên cứu kỹ về chức năng sử dụng đất của khu đất công viên Ngô Thời Nhậm nhằm đề xuất dự án, công trình cho phù hợp với quy hoạch chung TP Cao Lãnh. Đồng thời, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp cũng giao UBND TP Sa Đéc khẩn trương phê duyệt các quy hoạch phân khu nhằm tổ chức thực hiện đấu thầu lựa chọn dự án có sử dụng đất theo quy định pháp luật.
Đại diện Tài Tâm Group trình bày đề xuất đầu tư các dự án bất động sản với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: CTTĐT Đồng Tháp) |
Được biết, Công ty TNHH Tài Tâm (nay là Công ty Cổ phần Tập đoàn Tài Tâm) được thành lập năm 1996. Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Đỗ Lê Quân (SN 1974, thường trú tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Về cơ cấu các cổ đông góp vốn tại Công ty TNHH Tài Tâm gồm ông Đỗ Lê Quân, ông Đỗ Kim Ngọc (SN 1943) và bà Lê Thị Ân (SN 1951). Các cá nhân trên đều có vai trò là cổ đông sáng lập (tỷ lệ sở hữu từ 30-40%) ở các công ty như Công ty Cổ phần Đầu tư năng lượng Hưng Bắc, Công ty TNHH MTV ĐT Năng lượng Hoàng Hải Quảng Trị, Công ty Cổ phân Đầu tư thương mại và Kinh doanh bất động sản Thăng Long, Công ty TNHH MTV ĐT Năng lượng Tài Tâm Quảng Trị…
Tính đến tháng 6/2022, Tài Tâm Group có quy mô vốn điều lệ 366 tỷ đồng. Trong đó, ông Quân góp 32,9 tỷ đồng, chiếm 9,01% vốn điều lệ. Còn bà Lê Thị Ân và ông Đỗ Kim Ngọc lần lượt nắm giữ 46,59% và 44,4% vốn điều lệ của công ty này.
Trong những năm qua, Tài Tâm Group có tiếng trên thị trường năng lượng tái tạo, xin được nhiều dự án điện gió trên khắp cả nước nhưng tập đoàn này lại được biết đến như một tay “lướt sóng” tại các dự án điện gió với quy mô rất lớn khi được chấp thuận đầu tư rồi nhanh chóng sang tay dự án cho đơn vị khác.
Trong một tài liệu công bố đầu tháng 6/2021, Tài Tâm Group cho biết đang phát triển 5 dự án năng lượng tái tạo tại Quảng Trị với tổng công suất 641,45MW; 7 dự án tại khu vực Tây Nguyên, tổng công suất 2.420MW; và 6 dự án tại khu vực Tây Nam Bộ tổng công suất 808MW. Tổng vốn đầu tư các dự án này lên tới 99.957 tỷ đồng. Đáng lưu ý là cho tới giữa năm ngoái, nhiều dự án của Tài Tâm Group vẫn còn nằm trên giấy hoặc chưa được bổ sung vào quy hoạch.
Tòa nhà Tài Tâm. (Ảnh: website công ty) |
Ở mảng bất động sản, dù không nổi bật nhưng Tài Tâm Group cũng được biết đến với một số dự án. Danh mục dự án được doanh nghiệp giới thiệu trên website của mình gồm có: Tòa nhà Grand Spring Suites West Lake, biệt thự Tô Ngọc Vân, tòa nhà 96 Định Công, tòa nhà Lakeview 72 Xuân Diệu, shophouse 124 Vĩnh Tuy, dự án Hoàng Mai…
Thực tế, nói về mảng bất động sản, để biết về Tài Tâm Group, nhà đầu tư có lẽ chỉ biết đến doanh nghiệp này khi Đỗ Lê Quân (Tổng Giám đốc) đảm nhiệm vai trò là Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.
Mặt khác, dù được chấp thuận làm hàng loạt dự án điện gió với vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng và muốn triển khai nhiều dự án bất động sản quy mô lớn ở Đồng Tháp. Tuy nhiên, với những chỉ số tài chính dưới đây sẽ phần nào lý giải nguyên nhân vì sao Tài Tâm Group chủ yếu chỉ “lướt sóng” các dự án, xin đầu tư rồi bán lại các dự án cho đơn vị khác.
Cụ thể, trong giai đoạn năm 2016 - 2020, doanh thu của Tài Tâm Group (báo cáo tài chính riêng lẻ) liên tục trồi sụt. Năm 2016, công ty ghi nhân doanh thu 42 tỷ đồng, nhưng sang năm 2017 lại giảm xuống 30 tỷ đồng. Năm 2018, doanh thu tăng lên 71 tỷ đồng và đạt 117 tỷ đồng năm 2019 nhưng lại tụt xuống còn 31 tỷ đồng năm 2020, năm 2021 doanh thu lại tăng lên 33 tỷ đồng.
Sau khi trừ giá vốn và các chi phí, lợi nhuận của Tài Tâm Group còn lại không đáng là bao, thậm chí là thua lỗ. Cụ thể, trong các năm 2016 - 2018, công ty ghi nhận mức lỗ lần lượt là 2,5 tỷ đồng, 3,5 tỷ đồng và 4 tỷ đồng. Năm 2019 - 2021, dù thoát lỗ nhưng mức lợi nhuận lại rất bọt bèo, đạt lần lượt 44 triệu đồng, 14 triệu đồng và hơn 20 triệu đồng.
Như vậy, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu thuần của Tài Tâm Group trong giai đoạn 2016 - 2021 là rất mỏng. Trong ba năm gần nhất, tổng lợi nhuận sau thuế của tập đoàn này còn chưa tới 100 triệu đồng.
Về tài sản, năm 2016, Tài Tâm Group ghi nhận khối tài sản 575 tỷ đồng, năm 2017 tài sản giảm xuống còn 390 tỷ đồng. Năm 2018 lại tăng lên 635 tỷ đồng, nhưng năm 2019 lại giảm xuống còn 469 tỷ đồng và năm 2020 là 502 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Tài Tâm Group đạt mức 621,5 tỷ đồng
Xét về nguồn vốn, nợ phải trả của Tài Tâm Group cũng lên xuống theo quy mô tài sản trong cùng giai đoạn, lần lượt là 460 tỷ đồng, 278 tỷ đồng, 527 tỷ đồng, 360 tỷ đồng và 394 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy đa phần tài sản của công ty được tài trợ bằng nợ phải trả.
Trong bối cảnh vốn chủ sở hữu của Tài Tâm Group khá mỏng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu luôn được duy trì ở mức khá cao như năm 2016 hệ số là 4 lần; Năm 2017 là 2,5; Năm 2018 là 4,8 lần; Năm 2019 là 3,3 lần và năm 2020 là 3,6 lần. Như vậy có nghĩa là Tài Tâm Group đang dùng đòn bẩy tài chính rất lớn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, nguy cơ rủi ro cao.
Nếu xét theo báo cáo tài chính hợp nhất các doanh nghiệp thành viên, tổng tài sản của Tài Tâm Group tại ngày 31/12/2019 đạt 7.206 tỷ đồng. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của tập đoàn này năm 2019 lần lượt đạt 119,8 tỷ đồng và 5 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu chỉ ở mức 4,1%. Các năm 2017 - 2018, công ty ghi nhận mức lợi nhuận ở mức lần lượt là 3,9 tỷ đồng và 7,5 tỷ đồng.
Với những chỉ số tài chính có thể nói là "khiêm tốn" chưa thể khẳng định được năng lực tài chính của Tài Tâm Group là mạnh hay yếu. Tuy nhiên, việc liên tục mở rộng đầu tư, tận dụng các đòn bẩy tài chính huy động vốn để "lớn" nhanh nhưng khi những dự án phát sinh vấn đề, Tài Tâm Group cũng có thể sẽ phải đối diện với thách thức lớn mà lớn nhất là năng lực tài chính.
Mặt khác, để thực hiện các dự án bất động sản, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện đấu thầu, đấu giá. Trong khi đó, quy định về năng lực tài chính trong đấu thầu đều rất chặt chẽ, các nhà đầu tư phải có các chỉ số lợi nhuận, tổng tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu... đáp ứng được các quy định so với quy mô vốn đầu tư.