Mức xử phạt đối với lỗi điều khiển ô tô hết hạn đăng kiểm mới nhất
Tai nạn giao thông là vấn đề mà không ai mong muốn khi tham gia lưu thông trên đường, bởi nó để lại nỗi đau không chỉ là về tính mạng, sức khỏe mà nó còn gây ra thiệt hại về tài sản của người tham gia giao thông. Tai nạn giao thông có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân như lỗi của người điều khiển phương tiện giao thông trong quá trình lưu thông trên đường, kết cấu giao thông của chính bản thân con đường, sự hư hỏng nội tại của bản thân phương tiện giao thông…mà trong số đó, việc không đảm bảo an toàn kỹ thuật của xe cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp. Vì đó, việc yêu cầu phải có Giấy chứng nhận/tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn thời hạn khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông trên đường là một trong những quy định cần thiết để phòng ngừa việc xảy ra tai nạn giao thông vì nguyên nhân xuất phát từ sự cố kỹ thuật của xe. Tuy nhiên, trên thực tế, có thể do vô tình hoặc cố ý mà người điều khiển phương tiện giao thông không mang hoặc mang theo giấy chứng nhận/tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Đăng kiểm) hết hạn. Vậy người điều khiển ô tô hết hạn đăng kiểm thì sẽ bị xử phạt như thế nào? Để giải quyết về vấn đề này, trong phạm vi bài viết này, đội ngũ Luật sư và chuyên viên Luật Dương gia sẽ tư vấn cụ thể về mức phạt đối với hành vi điều khiển ô tô đã hết hạn đăng kiểm. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, khái quát chung về Giấy chứng nhận/tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nói chung, của xe ô tô nói riêng.
Trước hết, “điều khiển xe ô tô đã hết hạn đăng kiểm” được hiểu là việc một người thực hiện việc điều khiển phương tiện ô tô lưu thông trên đường bộ nhưng mang theo Giấy chứng nhận/Tem kiểm định an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới đã bị hết hạn. Vậy Giấy chứng nhận/Tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường là gì?
Hiện nay, căn cứ theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 3 Thông tư 70/2015/TT-BGTVT thì:
“Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ” (gọi tắt là Giấy chứng nhận kiểm định) là văn bản, chứng chỉ được cấp cho xe cơ giới đường bộ, sau khi đã thực hiện đầy đủ việc kiểm định, kiểm tra an toàn kỹ thuật của xe, có ý nghĩa chứng nhận cho phương tiện cơ giới đường bộ này hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, hoàn toàn đủ điều kiện lưu thông an toàn trên đường.
Còn “tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới” (còn gọi là Tem kiểm định) được hiểu là một mảnh giấy nhỏ, mang ý nghĩa biểu trưng, được cấp cho những phương tiện giao thông là xe cơ giới đã được kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định, cho phép phương tiện này được tham gia giao thông đường bộ theo nội dung ghi trên Tem kiểm định này trong phạm vi lãnh thổ nước Việt Nam và những nước mà cùng tham gia việc ký Hiệp định công nhận lẫn nhau về Giấy chứng nhận kiểm định cùng với Việt Nam.
Trong đó, việc “kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ” (còn gọi là kiểm định) là việc tổng hợp quy trình kiểm tra tất cả các bộ phận, hệ thống của phương tiện của xe (từ biển số xe, số máy số khung, động cơ, hệ thống phanh, động cơ, đèn….), sau đó trên cơ sở những tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định của pháp luật để đánh giá tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới.
Có thể, thấy Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là một trong những giấy tờ quan trọng để đánh giá chất lượng an toàn của xe, giảm được rủi ro trong quá trình lưu thông trên đường bộ. Đây cũng là một trong những giấy tờ bắt buộc phải mang theo khi người lái xe điều khiển phương tiện cơ giới lưu thông trên đường theo quy định về điều kiện người lái xe tham gia giao thông được quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật giao thông đường bộ năm 2008. Trong đó, Giấy chứng nhận kiểm định này phải còn thời hạn, bởi nếu sử dụng Giấy chứng nhận kiểm định hết hạn thì không thể phản ánh được tình trạng an toàn của xe theo quy định, quy chuẩn phù hợp với loại xe đó.
Thứ hai, về mức xử phạt được áp dụng đối hành vi điều khiển ô tô hết hạn đăng kiểm.
Như đã phân tích, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường là một trong những giấy tờ thể hiện sự đánh giá về các yếu tố kỹ thuật của xe, trên cơ sở các tiêu chí về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Do vậy, khi điều khiển xe ô tô có Giấy chứng nhận kiểm định bị hết hạn thì cả người điều khiển phương tiện và cả chủ phương tiện đều bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Đối với hành vi điều khiển xe ô tô có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 01 tháng (ô tô hết hạn đăng kiểm dưới 01 tháng):
Trường hợp này, người điều khiển phương tiện ô tô này sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm c khoản 4, điểm a khoản 6, Điều 16 Nghị định 46/2016/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Còn đối với chủ phương tiện, thì do họ đưa xe cơ giới (cụ thể ở đây là xe ô tô) mà có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 01 tháng ra tham gia giao thông nên căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 8, điểm c khoản 14 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, họ sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng – 6.000.0000 đồng nếu là cá nhân, và bị phạt từ 8.000.000 đồng – 12.000.000 đồng nếu tổ chức, là doanh nghiệp. Đồng thời nếu người chủ phương tiện này trực tiếp điều khiển phương tiện thì họ sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng.
Đối với hành vi điều khiển xe ô tô có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên (ô tô hết hạn đăng kiểm từ 01 tháng trở lên):
Trường hợp này, người điều khiển chiếc ô tô này sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm e khoản 5, điểm a khoản 6, Điều 16 Nghị định 46/2016/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Còn đối với chủ phương tiện, thì do họ đưa xe cơ giới (cụ thể ở đây là xe ô tô) mà có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên, ra tham gia giao thông nên căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 9, điểm c khoản 14 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, họ sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng – 8.000.0000 đồng nếu là cá nhân, và bị phạt từ 12.000.000 đồng – 16.000.000 đồng nếu tổ chức, là doanh nghiệp. Đồng thời nếu người chủ phương tiện này trực tiếp điều khiển phương tiện thì họ sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng.
Như vậy, khi điều khiển phương tiện ô tô đã hết hạn đăng kiểm thì cả người điều khiển phương tiện, cả người chủ phương tiện ô tô này đều bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tính chất của hành vi vi phạm, ví dụ Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hết hạn bao lâu, người điều khiển có đồng thời là chủ xe hay không mà mức xử phạt áp dụng cho hành vi sử dụng ô tô hết hạn đăng kiểm sẽ khác nhau và xác định theo từng trường hợp cụ thể.