Mùa nồm ẩm dễ gây bệnh, nên ăn gì để tăng cường sức khỏe?
Nơm nớp lo vỡ đê hữu sông Vạc ở Ninh Bình |
Theo các chuyên gia, thời tiết mùa Xuân đặc trưng ở miền Bắc với mưa phùn, nồm, khiến không khí ẩm ướt, nền nhiệt độ ẩm thấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, virus, nấm mốc gây bệnh phát triển... ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của nhiều người, nhất là trẻ nhỏ.
Thống kê tại ở khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), những ngày gần đây số bệnh nhi đến khám tuy không tăng đột biến so với ngày thường, nhưng lại rất đáng chú ý bởi bệnh tập trung vào nhóm bệnh viêm phổi, tiểu phế quản, hen.
Điều trị bệnh nhân hô hấp tại bệnh viện Bạch Mai |
Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, trẻ em là đối tượng đầu tiên dễ bị ảnh hưởng sức khoẻ do thời tiết nhất. Khi thay đổi thời tiết, trời lạnh quá hay nồm ẩm như hiện nay trẻ em do sức đề kháng kém rất dễ ốm, đặc biệt là những trẻ có cơ địa dị ứng với thời tiết. Với những trường hợp nặng sẽ buộc phải nhập viện điều trị, còn những trường hợp nhẹ, trẻ không cần thiết phải nhập viện mà sẽ được bác sỹ hướng dẫn theo dõi, điều trị tại nhà.
Theo bác sỹ Nam, nền nhiệt độ ẩm thấp tạo điều kiện cho các virus gây bệnh đường hô hấp, sốt phát ban, sởi, thủy đậu, Rubella phát triển gây bệnh... Trẻ khi mắc bệnh nếu không điều trị sớm, virus vào phổi có thể gây suy hô hấp rất nhanh. Các nấm mốc, vi nấm rất phát triển khi trời nồm ẩm, lơ lửng trong không khí, bám vào quần áo, sách vở, chăn chiếu... khiến nhiều người rất dễ bị dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp gây bộc phát cơn hen suyễn.
Đặc biệt với những trẻ có cơ địa dị ứng, bị hen phế quản rất dễ lên cơn hen trong thời tiết này do tác động của không khí ẩm, lại thêm tác nhân nấm mốc ở ngay trong nhà khiến cơn hen bùng phát.
Thực phẩm giàu sắt có lợi cho hệ miễn dịch |
Ngoài các biện pháp làm giảm độ ẩm trong không khí như đóng kín cửa dùng máy hút ẩm, dùng điều hòa 2 chiều chế độ khô, tăng nhiệt độ trong phòng và thường xuyên vệ sinh sàn nhà, tường nhà, cửa kính bằng khăn khô… thì tăng cường sức đề kháng cho cơ thể là rất quan trọng.
Hệ miễn dịch khỏe mạnh là chìa khóa cho một cơ thể khỏe mạnh, giúp chống lại bệnh tật và nhiễm trùng. Mặc dù không có thực phẩm hoặc chất bổ sung nào có thể "chữa bệnh" hoặc thậm chí ngăn 100% khỏi nhiễm vi trùng, nhưng một số thực phẩm đã được chứng minh là giúp tăng cường khả năng miễn dịch như: Tập trung vào các loại rau và trái cây có màu xanh đậm, đỏ và vàng chứa nhiều hóa chất thực vật, tốt cho sức khỏe. Một số bằng chứng cho thấy, chất phytochemical hoạt động giống như chất chống oxy hóa, giúp chống lại virus.
Bên cạnh đó, tập thể dục thường xuyên cũng là yếu tố quan trọng đối với hệ thống miễn dịch. Ngược lại, những người có lối sống ít vận động có nhiều khả năng bị cảm lạnh hoặc các bệnh truyền nhiễm khác hơn.
Ngoài ra, cần ngủ đủ giấc. Có mối liên hệ giữa việc thiếu ngủ và dễ bị ốm hơn. Ngủ là thời gian giúp cơ thể tái tạo và phục hồi. Người lớn từ 18 – 64 tuổi, cần ngủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm. Trẻ lớn tuổi cần ngủ từ 7 đến 8 tiếng, trẻ em và thanh thiếu niên cần ngủ nhiều hơn. Nên đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày sẽ tốt cho sức khỏe hơn.