Mong mùa lúa chín sẽ không còn "thơm" mùi khói

Những ngày gần đây, khi màn đêm buông xuống, Hà Nội lại mờ ảo trong lớp sương xanh và ngộp thở vì khói rơm rạ từ những cánh đồng vùng ngoại thành bay tới. 
de mua lua chin se khong con thom mui khoi Khói mù mịt sau vụ thu hoạch lúa ở ngoại thành
de mua lua chin se khong con thom mui khoi Ô nhiễm không khí kinh hoàng khắp Bắc Bộ vào sáng và tối
de mua lua chin se khong con thom mui khoi Rơm rạ, tre nứa..."thách thức để thay đổi"

Khói vẫn lan xa

Dù Hà Nội đã đặt kế hoạch đến năm 2020 sẽ trở thành “Thành phố không đốt rơm rạ”. Trong lộ trình đó, các huyện, thị xã phải “cán đích” sớm, hết năm 2019 sẽ không còn khói rơm. Tuy nhiên, đến giữa năm 2020, khói rơm rạ vẫn mù mịt trên những cánh đồng Đông Anh, Đan Phượng và một lượng khói bụi dày đặc bay về phía nội thành Hà Nội.

de mua lua chin se khong con thom mui khoi
Khói rơm rạ vẫn mù mịt trên những cánh đồng Đông Anh, Đan Phượng dù Hà Nội đang phấn đấu để trở thành "Thành phố không đốt rơm rạ"

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trung bình cứ sản xuất được một tấn lúa thì tạo ra một tấn rơm rạ. Mấy năm gần đây, mỗi năm cả nước tạo ra khoảng 44-45 triệu tấn rơm rạ. Riêng Hà Nội phát sinh khoảng 1 triệu tấn rơm rạ. Lượng rơm sau thu hoạch chỉ một phần được nông dân bán cho các cơ sở trồng nấm, chăn nuôi và một số hộ dùng để che phủ cho cây đậu tương vụ đông..., phần còn lại, nông dân đốt ngay trên đồng.

de mua lua chin se khong con thom mui khoi

Không chỉ gây ra hiện tượng khói mùi quang hóa, khiến người dân nội thành ngột ngạt, khói rơm rạ còn làm cay mắt người đi đường khi đi ngang qua, làm tầm nhìn hạn chế dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông tiềm ẩn.

Trên thực tế, vào năm 2014, vì khói rơm rạ, tai nạn đã xảy ra khi một người dân ở xã Cẩm Yên (Thạch Thất, Hà Nội) đang chạy xe máy thì đâm phải ô tô và tử vong khi mới 22 tuổi.

Thói quen không dễ đổi thay

Nếu như trước kia, rơm rạ được nông dân sử dụng làm chất đốt, độn chuồng, thức ăn chăn nuôi... thì từ khoảng hơn 20 năm trở lại đây, bếp than, bếp gas, bếp điện lên ngôi khiến nhu cầu này mất dần. Bởi vậy, sau mỗi mùa thu hoạch lúa (tháng 5, 6, 9, 10), họ thường đốt rơm rạ ngay tại cánh đồng - biện pháp thuận lợi và rẻ tiền nhất.

Theo nhiều nghiên cứu và báo cáo môi trường, việc đốt rơm rạ ngoài trời là quá trình đốt không kiểm soát, trong đó sản phẩm chủ yếu là các chất khí CO2, CO, NOX. Khi rơm rạ không cháy hết sẽ tạo bụi mịn và hợp chất anđehit gây ảnh hưởng xấu sức khỏe.

Chính vì thế, trong nhiều năm qua, các địa phương có nhiều chương trình vận động nông dân không đốt rơm rạ, tái sử dụng rơm rạ trong các ngành nghề khác.

Tại Hà Nội, để thực hiện lộ trình hạn chế tiến tới không đốt rơm rạ 2017-2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã hướng dẫn 20 quận, huyện, thị xã lập giải pháp hạn chế đốt rơm rạ, trong đó ưu tiên việc dùng chế phẩm sinh học xử lý lượng phụ phẩm này làm phân bón.

Từ năm 2019, UBND các huyện thị xã trong Hà Nội đã hỗ trợ nông dân chi phí xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học Fito - Biomix - RR, trong đó nông dân chỉ phải chi trả 60% kinh phí. Một số người thu mua rơm cũng được phòng nông nghiệp các huyện thị giới thiệu với nông dân. Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội cũng đã thực hiện mô hình thực nghiệm, trình diễn phục vụ cho người nông dân đến tham quan, học tập, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ khoa học mới trong sản xuất Nấm Sò tại Thường Tín...

Thế nhưng khói rơm vẫn bay và Hà Nội vẫn mịt mờ trong làn sương mù quang hóa mỗi chiều về trong đợt tháng 6 này.

de mua lua chin se khong con thom mui khoi
Nhiều phương thức gia tăng giá trị cho rơm rạ, phế phẩm nông nghiệp

Theo một cán bộ khuyến nông, thói quen đốt rơm rạ sau mỗi vụ mùa của người dân dù mới hình thành trong khoảng 20 năm nay nhưng khó bỏ vì đây là phương thức xử lý rơm rạ rẻ nhất, tiện lợi nhất. Nhiều nông dân còn cho rằng, đốt rơm rạ trên đồng lấy luôn tro bón cho vụ sau, cho đất thêm màu; để diệt trừ các mầm bệnh, mầm cỏ dại... Nông dân đốt rơm rạ biết là có khói nhưng họ cho rằng chỉ vài tiếng là hết còn có ảnh hưởng tới ai hay không thì chưa nằm trong phạm vi họ quan tâm.

Lí do việc đốt đồng sau mỗi vụ mùa được đưa ra là bởi người dân không chịu tự bỏ kinh phí ra mua chế phẩm sinh học xử lý rơm. Và cũng không xã nào có người đi thu gom rơm để bán. Gom 1 tấn rơm bán được khoảng 3 triệu đồng thì mất nhiều thời gian công sức hơn các công việc khác nên bà con chưa thiết tha.

Nhiều doanh nghiệp cũng đồng hành cùng người nông dân hướng dẫn người dân sử dụng men vi sinh xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ. Nhưng vừa đạo xong, quay lại đã thấy nông dân đốt rơm rạ vì ... quên cách ủ men. Bởi vậy, để nông dân thay đổi thói quen đốt rơm, để ngày mùa không còn "thơm" mùi khói không phải là câu chuyện ngày một ngày hai.

Huyền My
Phiên bản di động