Mối liên hệ giữa những ca đông máu "hiếm gặp" và vaccine AstraZeneca
Hải Dương tiếp nhận thêm 43.700 liều vaccine AstraZeneca đợt 2 3.000 liều vaccine Covid-19 sẵn sàng cho người dân Hải Phòng |
Nghiên cứu của Na Uy dựa trên kết quả phân tích của 5 bệnh nhân xảy ra đông máu (trên 132.686 người được chích ngừa vaccine này) và nghiên cứu của Đức dựa trên phân tích 11 bệnh nhân (trên khoảng 4 triệu người được chích vaccine này).
Cả hai nghiên cứu đều đưa đến 1 điểm chung đó là các ca bệnh này rất giống với một hiện tượng được biết trước đó là “sự giảm tiểu cầu do hiện tượng tự miễn tương tác với heparin” (autoimmune heparin-induced thrombocytopenia) dẫn đến đông máu (thrombosis). Và dĩ nhiên là những ca bệnh này không hề liên quan đến việc sử dụng “heparin” (heparin là loại thuốc thông dụng được sử dụng đề điều trị đông máu).
Tất cả các bệnh nhân trong nghiên cứu này (5 người ở Thụy Điển và 11 người ở Đức) đều ở độ tuổi dưới 55, bắt đầu xuất hiện hiện tượng đông máu vào tuần đầu tiên hoặc tuần thứ 2 sau khi chích vaccine của AstraZeneca với các biểu hiện như: mệt mỏi, nhức đầu nhiều, đau bụng,….
Hầu hết những người này nhập viện cấp cứu trong tình trạng giảm tiểu cầu ghiêm trọng và xuất hiện các khối máu đông ở vị trí bụng hoặc đầu. Những ca chết người là những ca có khối máu đông ở đầu. Các ca bệnh này đã được chăm sóc tích cực và điều trị bằng cách sử dụng các thuốc chống đông máu, truyền tiểu cầu, bổ sung globulin và thậm chí mổ nhưng tỉ lệ chết vẫn khá cao. Trong 5 người ở Thụy Điển thì 3 người chết và trong 11 người ở Đức thì 6 người chết.
Các nghiên cứu trên cho thấy, hầu hết trong máu những bệnh nhân này đều có nồng độ cao của loại kháng thể có thể bám lên phức hợp PF4-heparin (PF4, Platelet factor-4, là một loại protein của tiểu cầu tiết ra). Việc có nhiều kháng thể loại trong máu này dù rằng những bệnh nhân không có sử dụng heparin trước đó đã giúp các nhà khoa học suy luận một tác nhân nào đó trong vaccine đã đóng vai trò như heparin trong hiện tượng “giảm tiểu cầu do tự miễn tương tác với heparin” dẫn đến đông máu.
Tuy chưa có những bằng chứng trực tiếp để có thể chứng minh được tác nhân cụ thể nào trong vaccine có thể đóng vai trò của heparin gây nên hiện tượng hiếm gặp này nhưng nghi vấn đang được đặt ra là adenovirus, loại virus vô hại mà AstraZeneca sử dụng để mang gene S của virus corona làm vaccine.
Nhóm nghiên cứu ở Đức đưa ra gợi ý sử dụng xét nghiệm Elisa để kiểm tra sự hiện diện của loại kháng thể có thể bám lên phức hợp PF4-heparin, từ đó có thể nhận biết những người có nguy cơ gặp hiện tượng đông máu hiếm gặp này và điều trị kết hợp sử dụng liều cao globulin để bất hoạt thụ thể Fcγ (Fcγ receptor) trên tiểu cầu làm dịu triệu chứng đông máu.
Nói chung, với các kết quả nghiên cứu cho đến hiện nay, mối liên quan của vaccine ChAdOx1 của hãng AstraZeneca với các trường hợp đông máu hiếm gặp có lẽ dần được sáng tỏ và có thể sẽ giúp việc chích ngừa vaccine được an toàn hơn. Hiện nay, ở nhiều nước đã có khuyến cáo hạn chế sử dụng vaccine COVID-19 của AstraZeneca cho người trẻ tuổi.
TS. Nguyễn Hồng Vũ
Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím