Mẹo nạp đồ ăn cho gan, thận ngày Tết "bình yên vô sự"
Theo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng, rượu là chất gây hại tế bào.
Cơ thể chỉ chấp nhận với mức độ nhà sản xuất khuyến cáo thông qua đơn vị tính: bia lon 300ml, rượu vang 200ml, rượu mạnh 40- 60 ml. Vượt quá ngưỡng này, gan phải "gồng mình" lọc cồn etylic trước khi máu tiếp tục được đưa về hệ thần kinh Trung ương.
Thận giữ vai trò thải rượu lớn nhất (92%), phần ít ỏi còn lại tiết qua mồ hôi (3%), hơi thở (5%).
- Để giúp gan, thận bớt "áp lực" khi lỡ quá chén ngày tết tốt nhất nên ăn nhẹ trước khi dùng rượu. Trên bàn nhậu, thay vì chỉ gắp gà, lợn, bò, thì nên ưu tiên cơm, bún, mì, khoai… Đây là những thực phẩm giàu tinh bột, giữ được lâu ở dạ dày và thành ruột, giúp khuyếch tán lượng rượu, từ đó giảm tốc độ hấp thu cồn vào máu. Các loại rau xanh, trái cây cũng được khuyến khích, ưu tiên.
Ông nhậu nào, từ đầu chí cuối, toàn gắp đồ đạm, đồ béo, coi như bắt lá gan mình "chịu trận". Nguyên tắc gan vừa tăng hoạt động sử dụng axit amin để hấp thu đạm vừa xử lý lượng cồn từ rượu… thói quen lâu ngày khiến tăng nguy cơ xơ mỡ gan" - các bác sĩ cũng khuyến cáo.
- Rượu cũng kị với đường đơn giản có trong đồ ngọt. Đường thường được hấp thu nhanh đồng thời cùng với rượu nên ai nhậu với bánh ngọt, đồ ngọt thường sẽ say nhanh hơn.
- Một khi quá chén, người say cần được húp cháo loãng nấu với các loại như: đỗ xanh, đỗ đen, đậu đỏ.
Chất bột đường trong cháo kèm với vitamin nhóm B từ đỗ, cung cấp nguyên liệu giúp tế bào gan bớt bị "hủy diệt" bởi lượng cồn quá liều.
- Hai quả thận lúc chủ nhân say bí tỉ cũng "mệt mỏi" không kém nếu không được tiếp thêm nước lọc hoặc các loại nước lợi tiểu như cam, chanh, dừa tươi.
Rượu vào cơ thể, ngấm liền ở dạ dày 20%, xuống ruột non thêm 60-70% thế nên tránh uống dồn dập mà nên giãn ra để cơ thể không quá tải.
Song các chuyên gia cũng khuyến cáo những mẹo này chỉ hỗ trợ phần nào các tế bào ít bị ảnh hưởng bởi rượu nhất có thể. Để bảo vệ sức khỏe, không gì hơn không uống rượu quá ngưỡng cho phép.