Lùm xùm cựu lãnh đạo bị bắt, VEAM bị kiểm toán lưu ý loạt vấn đề

Trong bối cảnh Bộ Công an đang điều tra sai phạm, VEAM bị công ty kiểm toán đưa ra hàng loạt ý kiến ngoại trừ trên báo cáo tài chính hợp nhất.
Bài 5: Chủ tịch VEAM đương nhiệm bị truy trách nhiệm về sai phạm làm thiệt hại tài sản Nhà nước Bài 4: VEAM cho vay tràn lan trái quy định, nguy cơ mất hàng trăm tỷ đồng Bài 3: VEAM ném cửa sổ hàng trăm tỷ đồng như thế nào? Bài 2: Sai phạm hàng tỷ đồng trong quản lý, sử dụng đất tại VEAM Bài 1: Hàng loạt sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản tại VEAM

Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM, mã CK: VEA) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất sau soát xét với hàng loạt ý kiến ngoại trừ bởi Công ty Deloitte Việt Nam, xoay quanh tài sản công ty.

Theo đó, Công ty Deloitte Việt Nam cho biết, tại ngày 30/6/2019, VEAM chưa đánh giá khả năng thu hồi đối với các khoản phải thu của khách hàng, phải thu về hỗ trợ vốn và phải thu về lãi hỗ trợ vốn tương ứng với số tiền lần lượt là 50,3 tỷ đồng, 95,5 tỷ đồng và 35 tỷ đồng.

"Chúng tôi không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để đánh giá khả năng thu hồi của các khoản thu nói trên, cũng như không thể thực hiện các thủ tục thay thế để xác định giá trị dự phòng phải thu khó đòi cần phải trích lập. Do đó, chúng tôi không thể xác định liệu có cần thiết phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi hay điều chỉnh các khoản mục có liên quan hay không", đơn vị kiểm toán lưu ý.

Công ty Deloitte Việt Nam cũng cho biết, tại ngày 30/6/2019, VEAM chưa đánh giá giá trị thuần có thể thực hiện được và trích lập dự phòng giảm giá tồn kho của một số hàng tồn kho với số tiền 155 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2018 là hơn 165 tỷ đồng). Bên cạnh đó, tại ngày 30/6/2019, VEAM đã đánh giá giá trị thuần có thể thưc hiện được của một số hàng tồn kho với số tiền 1.111 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2018 là 1.163 tỷ đồng) và đã trích lập tồn kho với số tiền là 35 tỷ đồng.

lum xum cuu lanh dao bi bat veam bi kiem toan luu y loat van de
Tòa nhà Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM).

"Chúng tôi không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để đánh giá giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho nói trên, cũng như không thể thực hiện được các thủ tục thay thế để xác định dự phòng giảm giá hàng tồn kho cần phải trích lập. Do đó, chúng tôi không thể xác định liệu có cần thiết phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn hay điều chỉnh các khoản mục có liên quan hay không", công ty kiểm toán nêu.

Cũng theo đơn vị kiểm toán, tại ngày 30/6/2019, các chi phí trả trước dài hạn của VEAM bao gồm chi phí trả trước dài hạn của Công ty CP Vật tư và Thiết bị toàn bộ - công ty con của VEAM với số tiền là 235 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2018 là 211,5 tỷ đồng); bao gồm chi phí khấu hao, lãi vay và một số chi phí khác của nhà máy sắt xốp phát sinh từ các năm trước. Công ty kiểm toán cũng không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng để xác định tính hiện hữu, đầy đủ và tính chính xác của các khoản chi phí trả trước nói trên.

Công ty kiểm toán cũng cho biết, VEAM ghi nhận doanh thu bán 450 xe Mighty 2017 được bàn giao trong năm 2019 cho Công ty CP Thương mại dịch vụ TCG với số tiền gần 262 tỷ đồng, ghi nhận giá vốn và chi phí bán hàng liên quan ước tính tương ứng là 229,7 tỷ đồng và 1,6 tỷ đồng. Việc ghi nhận như vậy là không phù hợp với các chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam và các quy định pháp lý liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính. Nếu doanh thu trên được ghi nhận đúng kỳ thì trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ tiêu doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, giá vốn bán hàng, chi phí bán hàng và chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành sẽ tăng với số tiền lần lượt là gần 262 tỷ đồng; 230 tỷ đồng; 1,6 tỷ đồng và 6,1 tỷ đồng. Đồng thời, trên bảng cân đối kế toán, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối luỹ kế đến cuối năm trước và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối kỳ này (tại ngày 30/6/2019) sẽ lần lượt giảm đi và tăng lên với số tiền hơn 24 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong kỳ VEAM ghi nhận lãi phát sinh từ việc hỗ trợ vốn cho các công ty liên kết với số tiền hơn 371,6 tỷ, (6 tháng đầu năm 2018 là hơn 368 tỷ). Lãi phát sinh từ việc hỗ trợ vốn được Tổng Công ty xác nhận và ghi nhận phụ thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanhcủa các công ty liên kết. Công ty kiểm toán cho biết không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để đánh giá tính hiện hữu, đầy đủ và chính xác của các khoản lãi vay nêu trên, cũng như không thể thực hiện được các thủ tục thay thế để xác định lãi vay cần ghi nhận của các khản hỗ trợ vốn. Do đó, đơn vị kiểm toán này không thể xác định liệu có cần thiết để điều chỉnh doanh thu hoạt động tài chính và các khoản mục có liên quan hay không...

Theo báo cáo tài chính sau soát xét, trong 6 tháng đầu năm 2019, VEAM ghi nhận 3.328 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm so với con số 3.418 tỷ đồng báo cáo tự lập. Đáng chú ý, trong kỳ vừa qua, VEAM cũng ghi nhận khoản lỗ khác tăng đột biến lên mức gần 89 tỷ đồng.

Liên quan đến sai phạm tại VEAM gây thiệt hại, lãng phí tài sản Nhà nước, ngoài một số cá nhân đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an bắt như ông Lâm Chí Quang (Chủ tịch giai đoạn 2004-2011, Tổng giám đốc 2011-2015); ông Trần Ngọc Hà (Chủ tịch giai đoạn 2011-2014, Tổng giám đốc 2015-2018) thì vẫn còn một loạt cá nhân khác cũng bị truy trách nhiệm như Quyền Tổng giám đốc đương nhiệm Ngô Văn Tuyển (nằm trong Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc) và Bộ Công Thương cũng chỉ đích danh ông Bùi Quang Chuyện - Chủ tịch HĐQT (ông Chuyện là người cũng "đóng góp" hầu hết các sai phạm được Bộ Công Thương nêu tại kết luận thanh tra).

lum xum cuu lanh dao bi bat veam bi kiem toan luu y loat van de
Tòa nhà Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM).

Tại kết luận thanh tra số 3202, Bộ Công Thương đã yêu cầu VEAM tổ chức làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức đã để xảy ra các sai phạm trong công tác cán bộ; quản lý vốn, tài sản; đầu tư xây dựng; công nợ và sản xuất kinh doanh, dịch vụ tại Tổng công ty và các đơn vị thành viên.

Bên cạnh đó, tại kết luận thanh tra, Bộ Công Thương cũng cho biết đã chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về quản ký kinh tế.

Cụ thể, việc mua linh kiện phụ tùng ô tô (3.000 bộ linh kiện xe Huyndai Mighty với TCG, 1.500 bộ linh kiện của đơn đặt hàng giữa VEAM và chi nhánh Công ty TNHH MeKong Auto). Trách nhiệm chính thuộc về ông Trần Ngọc Hà (Chủ tịch giai đoạn 2011-2014, Tổng giám đốc 2015-2018), Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Người đại diện vốn Nhà nước, Kế toán trưởng, Chủ tịch các đơn vị thành viên, Ban giám đốc các đơn vị thành viên, Trưởng các phòng ban và các cá nhân, đơn vị có liên quan.

Việc chuyển tiền từ VEAM cho Nhà máy ô to VEAM. Trách nhiệm chính thuộc về ông Nguyễn Thành Giang (Tổng giám đốc 2010-2011); ông Lâm Chí Quang (Chủ tịch giai đoạn 2004-2011, Tổng giám đốc 2011-2015); ông Trần Ngọc Hà (Chủ tịch giai đoạn 2011-2014, Tổng giám đốc 2015-2018), ông Bùi Quang Chuyện (Chủ tịch 2015 đến nay), Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Người đại diện vốn Nhà nước, Kế toán trưởng, Chủ tịch các đơn vị thành viên, Ban giám đốc các đơn vị thành viên, Trưởng các phòng ban và các cá nhân, đơn vị có liên quan.

Về công tác quản lý vốn và công nợ. Trách nhiệm chính thuộc về ông Nguyễn Thành Giang (Tổng giám đốc 2010-2011); ông Lâm Chí Quang (Chủ tịch giai đoạn 2004-2011, Tổng giám đốc 2011-2015); ông Trần Ngọc Hà (Chủ tịch giai đoạn 2011-2014, Tổng giám đốc 2015-2018), ông Bùi Quang Chuyện (Chủ tịch 2015 đến nay), Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Người đại diện vốn Nhà nước, Kế toán trưởng, Chủ tịch các đơn vị thành viên, Ban giám đốc các đơn vị thành viên, Trưởng các phòng ban và các cá nhân, đơn vị có liên quan.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng chuyển hồ sơ sang Bộ Công an điều tra việc sử dụng nguồn vốn 112,6 tỷ đồng không đúng mục đích từ nguồn vốn chuyển quyền sử dụng đất tại tại 191 và 193 Bà Triệu - Hà Nội tại Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo trong Dự án đầu tư di chuyển và xây dựng mới Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo. Trách nhiệm chính thuộc về ông Nguyễn Thành Giang (Tổng giám đốc 2010-2011); ông Lâm Chí Quang (Chủ tịch giai đoạn 2004-2011, Tổng giám đốc 2011-2015); ông Phạm Đình Công Nhân (Giám đốc Công ty giai đoạn 2006-2011), Trưởng các phòng ban và các cá nhân, đơn vị có liên quan.

Đồng thời, vụ việc hệ thống khuôn dập Cabin thiệt hại 26,9 tỷ đồng cũng được Bộ Công Thương chuyển sang Bộ Công an làm rõ. Trách nhiệm chính thuộc về ông Hồ Mạnh Tuấn (Giám đốc Công ty VEAM Korea; Phó Tổng giám đốc VEAM từ tháng 4/2016 đến nay) và Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Người đại diện vốn Nhà nước, Kế toán trưởng, Chủ tịch các đơn vị thành viên, Ban giám đốc các đơn vị thành viên, Trưởng các phòng ban và các cá nhân, đơn vị có liên quan.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng chuyển Bộ Công an điều tra, làm rõ việc bảo lãnh vay số tiền 75,8 tỷ đồng tại Công ty CP Vận tải và Thương mại VEAM. Trách nhiệm chính thuộc về ông Lâm Chí Quang (Chủ tịch giai đoạn 2004-2011, Tổng giám đốc 2011-2015) và Người đại diện vốn Nhà nước, Kế toán trưởng, Chủ tịch các đơn vị thành viên, Ban giám đốc các đơn vị thành viên, Trưởng các phòng ban và các cá nhân, đơn vị có liên quan.

Một vụ việc nữa cũng được chuyển sang Bộ Công an điều tra là dấu hiệu cố ý làm trái, buông lỏng trong công tác quản lý đất đai tại VEAM và một số đơn vị thành viên gây thiệt hại, lãng phí tài sản Nhà nước. Trách nhiệm chính thuộc về ông Nguyễn Thành Giang (Tổng giám đốc 2010-2011); ông Lâm Chí Quang (Chủ tịch giai đoạn 2004-2011, Tổng giám đốc 2011-2015); ông Trần Ngọc Hà (Chủ tịch giai đoạn 2011-2014, Tổng giám đốc 2015-2018), ông Bùi Quang Chuyện (Chủ tịch 2015 đến nay), Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Người đại diện vốn Nhà nước, Kế toán trưởng, Chủ tịch các đơn vị thành viên, Ban giám đốc các đơn vị thành viên, Trưởng các phòng ban và các cá nhân, đơn vị có liên quan.

Cũng tại kết luận thanh tra, Bộ Công Thương yêu cầu VEAM thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra và gửi báo cáo thực hiện về Bộ Công Thương trước ngày 10/8/2019.

Với mong muốn tìm hiểu việc xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm cũng như việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương tại kết luận thanh tra, phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã liên hệ với VEAM để làm việc nhưng chưa nhận được phản hồi.

Hậu Lộc
Phiên bản di động