Lừa đảo xuất khẩu lao động, du lịch nước ngoài: Chiêu cũ biến tướng tinh vi

Lợi dụng tâm lý nôn nóng, muốn nhanh chóng đi làm việc hoặc du lịch nước ngoài và sự thiếu hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người dân, thời gian gần đây một số tổ chức, cá nhân đã sử dụng công nghệ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên môi trường mạng.
Người cao tuổi là nạn nhân liên tiếp của các cuộc gọi lừa đảo Vĩnh Phúc: Bắt đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội Lừa kết hôn với người nước ngoài để chiếm đoạt tài sản

Chiêu trò tinh vi - nạn nhân sập bẫy

Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện tượng lừa đảo xuất khẩu lao động đang có dấu hiệu gia tăng.

Các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng đã sử dụng các website, như www.nhatban24h.vn; www.xuatkhaulaodong-24h.com… để tìm kiếm người lao động có nhu cầu.

Các website được xây dựng chuyên nghiệp, đăng tải nhiều thông tin đơn hàng tuyển dụng lao động đi làm việc tại các thị trường, như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore, Romania, Ba Lan, Australia, New Zealand, Philippines, Cộng hòa LB Đức, Hy Lạp… để lừa đảo người lao động.

Các doanh nghiệp không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài này còn sử dụng trang thông tin cá nhân (Facebook, Zalo) có đăng tải nhiều thông tin hoạt động trong lĩnh vực này, như hình ảnh đưa tiễn lao động tại sân bay, quá trình người lao động làm việc ở nước ngoài, hình ảnh chụp với visa của nước tiếp nhận đã được cấp, nhằm tạo uy tín với người lao động.

Đặc biệt, thông tin về đơn hàng tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài, địa điểm người lao động đến làm việc, thông tin về giấy phép, hoặc website sử dụng để đăng tải thông tin lừa đảo thường gần giống với website chính thức mà doanh nghiệp đăng ký với Cục Quản lý lao động ngoài nước. Ví dụ có những website đăng thông tin giả mạo như: halsuco.com.vn, halsuco.vn… có giao diện giống website thật, đã được đăng ký.

Sau khi người lao động đăng ký số điện thoại sẽ được tư vấn viên giới thiệu qua các doanh nghiệp, nhưng phần lớn là doanh nghiệp không được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Khi người lao động chuyển tiền, các tài khoản này cung cấp bản chụp phiếu biên nhận, căn cước và bản hợp đồng có đóng dấu của công ty để người lao động tin tưởng và tiếp tục đóng các khoản phí khác.

Lợi dụng tâm lý người lao động do ở xa, hoặc qua giới thiệu nên tin tưởng không đến trực tiếp công ty để làm việc, xác minh thông tin và trực tiếp ký hợp đồng, chỉ liên hệ, trao đổi và làm việc thông qua mạng xã hội và số điện thoại. Khi đến thời hạn mà không được xuất cảnh, người lao động liên hệ thì các tài khoản và số điện thoại này đều sẽ khóa hoặc chặn liên lạc.

Thực tế, các hình thức lừa đảo vẫn xuất hiện, nhắm vào tâm lý nôn nóng, muốn đi làm việc nhanh mà không phải qua đào tạo. Với các thị trường truyền thống có thu nhập tốt như Nhật Bản, Hàn Quốc… người lao động phải có thời gian 6-12 tháng học tiếng, sau khi trải qua kỳ thi thì hồ sơ mới gửi cho chủ sử dụng lao động lựa chọn.

Nắm bắt tâm lý "ngại học" của người lao động nên các đối tượng lừa đảo đã đưa ra nhiều hứa hẹn về thủ tục nhanh gọn, "việc nhẹ, lương cao" khiến người lao động tin tưởng.

Lao động chờ xuất khẩu (ảnh minh hoạ. Nguồn IT)
Lao động chờ xuất khẩu (ảnh minh hoạ. Nguồn IT)

Trước đó, theo thông báo của Bộ Công an, tại nhiều địa phương trên cả nước đang xuất hiện thủ đoạn lừa đảo xuất khẩu lao động với sự xuất hiện cuả các đường dây tội phạm xuyên quốc gia tổ chức xuất cảnh trái phép lao động người Việt Nam sang Nga, các nước SNG và đi nước thứ ba.

Thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này là nắm bắt nhu cầu tìm kiếm việc làm ở nước ngoài của người dân ngày càng tăng, các đối tượng ở Việt Nam lấy danh nghĩa tuyển lao động phổ thông đi làm việc ở nước ngoài với mức lương cao (sau khi đã trừ chi phí ăn ở còn từ 500 USD đến 700 USD/tháng) và nhiều ưu đãi về điều kiện sống, trong khi mức phí để làm thủ tục xuất cảnh chỉ từ 3.000 đến 3.500 USD.

Lợi dụng sự cả tin và thiếu hiểu biết của người dân, sau khi làm hộ chiếu, các đối tượng hợp pháp thủ tục xuất cảnh dưới nhiều dạng khác nhau như kết hôn giả, thăm thân, du lịch, lao động hoặc dưới danh nghĩa thành viên đoàn đi công tác ngắn hạn của các cơ quan, ban ngành… để xin thị thực nhập cảnh tại sứ quán các nước ở Việt Nam. Sau đó, các đối tượng ở Việt Nam phối hợp với số đối tượng trong đường dây ở nước ngoài tổ chức cho người lao động nhập cảnh vào Nga, các nước SNG.

Ngay sau khi người lao động đã nhập cảnh vào các nước này, các đối tượng thu lại giấy tờ tùy thân của người lao động, đưa họ đến một địa điểm do chúng lập ra để quản lý với phương châm nội bất xuất, ngoại bất nhập, điều kiện sinh hoạt dưới mức tối thiểu.

Sau đó, các đối tượng liên hệ với số người Việt Nam ở nước sở tại hoặc người nước ngoài có nhu cầu sử dụng số lao động này để “chuyển nhượng” kiếm lời. Phần lớn những người lao động này bị ép buộc làm việc tại các “xưởng may đen” ở Maxcơva khoảng 12 đến 14 tiếng/ngày với điều kiện rất khắc nghiệt, không được liên lạc với người thân hoặc cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.

Một số lao động lại bị các đối tượng xuất cảnh trái phép sang nước thứ ba, chủ yếu là các nước thuộc khối Liên minh Châu Âu (EU) theo đơn đặt hàng của số đối tượng người Việt Nam tại các nước này để sử dụng vào các hoạt động: trồng cây thuốc phiện, mại dâm, hoạt động tội phạm…

Du lịch không cần visa… bẫy giăng sẵn

Gần đây nhất, theo Cục An toàn thông tin, lợi dụng nhu cầu đi du lịch, lao động ở nước ngoài của người dân, các đối tượng lừa đảo đã tạo lập tài khoản mạng xã hội, đăng thông tin tìm người có nhu cầu đi lao động tại Hàn Quốc, du lịch không cần visa tại đảo Jeju (Hàn Quốc). Bằng thủ đoạn tinh vi, đối tượng chiếm đoạt tiền của 10 người với số tiền hơn 747 triệu đồng.

Đối với hình thức trên, thông thường đối tượng sẽ tạo lập các tài khoản mạng xã hội giả mạo, tham gia vào các hội nhóm để tìm những người có nhu cầu mua vé máy bay và làm visa đi nước ngoài. Đối tượng chào mời nạn nhân đồng thời hứa hẹn cấp visa trong thời gian rất ngắn hoặc đảm bảo tỷ lệ thành công cao mà không cần kiểm tra hồ sơ cẩn thận.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết về quy trình làm visa của một bộ phận người dân, đối tượng sẽ yêu cầu cung cấp những thông tin không cần thiết hay yêu cầu chuyển khoản trước những khoản phí không rõ ràng. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, đối tượng sẽ không liên hệ với cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào làm thủ tục mà thực hiện hành vi chiếm đoạt.

Để tránh bị phát hiện hành vi lừa đảo, đối tượng còn truy cập vào trang web Abay.vn, nhập thông tin cá nhân của nạn nhân đăng ký mua vé máy bay đi Hàn Quốc rồi chụp lại hình ảnh, gửi cho bị hại để tạo niềm tin.

Trước tình trạng lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần kiểm tra tính xác thực và thông tin của đối tượng, công ty dịch vụ mà mình liên hệ. Người dân chỉ làm visa thông qua các đại lý hoặc dịch vụ làm visa được chứng nhận, có địa chỉ văn phòng cụ thể và thông tin liên hệ rõ ràng; tuyệt đối không truy cập vào những đường link lạ, chủ động tìm kiếm và truy cập vào trang web của cơ quan lãnh sự, đại sứ quán hoặc các tổ chức chính thức để tìm hiểu quy trình làm visa.

Người dân không nên tin vào các dịch vụ hứa hẹn cấp visa nhanh chóng hoặc đảm bảo tỷ lệ thành công cao mà không cần kiểm tra hồ sơ kỹ lưỡng. Trong trường hợp gặp phải những đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo cáo các dịch vụ hoặc trang web nghi ngờ cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để giúp ngăn chặn hành vi lừa đảo.

Phải đồng bộ nhiều giải pháp chống lừa đảo

Theo ông Nguyễn Phú Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin, cần phải đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống lừa đảo trực tuyến. Đó là đan xen giữa việc xử lý về công nghệ, biện pháp kỹ thuật và pháp lý, đồng thời làm sao để thúc đẩy, tuyên truyền những thông tin về các hình thức lừa đảo trực tuyến đến được càng nhiều người dân càng tốt.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia do Cục An toàn thông tin vận hành đã hệ thống được hàng trăm nghìn địa chỉ website giả mạo, liên quan đến lừa đảo trực tuyến, đồng thời đã kết nối trực tiếp với trình duyệt Cốc Cốc, Zalo, Safegate để có thể tự động bảo vệ người dân trước các website lừa đảo trực tuyến.

Đặc biệt, hệ thống đã ngăn chặn xử lý hơn 10.000 tên miền độc hại, trong số này có hơn 3.000 tên miền lừa đảo trực tuyến, bảo vệ người dùng Internet Việt Nam trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Cục An toàn Thông tin cũng đã phối hợp cùng Tập đoàn Meta phát động chiến dịch “Nhận diện lừa đảo” lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2024 nhằm chia sẻ tới cộng đồng người dùng mạng xã hội các hình thức phòng tránh lừa đảo trực tuyến hữu ích.

Về phía người dùng, ông Nguyễn Phú Lương khuyến cáo người dân cần tìm hiểu và thực hiện các cách thức nhằm tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân của bản thân trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần xây dựng những thói quen, các kỹ năng số cần thiết, an toàn như tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn lạ, không rõ nguồn gốc; không đăng nhập tài khoản cá nhân vào những địa chỉ này; không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số căn cước công dân, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.

Hoạt động tổ chức xuất cảnh trái phép nêu trên đã mang lại nguồn lợi bất chính lớn cho các đường dây tội phạm xuyên quốc gia, ngược lại, gây ra tổn thất về vật chất và tinh thần cho nhiều gia đình. Hầu như các gia đình có con em bị lừa đảo đều đang mang nợ số tiền vay ngân hàng cho người thân đi xuất khẩu và vẫn đang hy vọng về viễn cảnh đổi đời do có người thân đi lao động nước ngoài.

Các hoạt động lừa đảo còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Việt Nam với các nước, ảnh hưởng đến an ninh cộng đồng và hình ảnh người Việt Nam ở nước ngoài.

Hoa Thành
Phiên bản di động