Loạn thực phẩm chức năng bổ phổi: Bác sĩ khuyến cáo không nên tự ý sử dụng

Lợi dụng tâm lý lo lắng của F0 về ảnh hưởng COVID-19 tới phổi, thị trường chợ "ảo" xuất hiện rất nhiều loại thực phẩm chức năng bổ phổi, thanh lọc, thải độc phổi…

Hậu COVID-19, thực phẩm hỗ trợ bảo vệ sức khỏe, bổ phổi "đắt hàng"

Sau điều trị COVID-19, lo lắng vì những ảnh hưởng sức khoẻ, nhiều người tìm đến các loại thực phẩm chức năng được quảng cáo với rất nhiều công dụng như bổ phổi, tăng cường sức khỏe, tốt cho người bệnh có các di chứng hậu COVID-19… để sức khỏe được phục hồi nhanh chóng hơn.

Chỉ cần gõ cụm từ “thuốc thanh lọc phổi” trên Google, có hàng loạt sản phẩm hiện ra khiến người dân như lạc vào “ma trận”.

Các loại thuốc/thực phẩm chức năng này có xuất xứ từ nhiều thương hiệu, với mức giá khác nhau. Nhiều loại có giá vài trăm nghìn một hộp. Trong khi đó, một số loại thanh lọc phổi có thể có giá vài triệu đồng/hộp.

Loạn thực phẩm chức năng bổ phổi: Bác sĩ khuyến cáo không nên tự ý sử dụng
"Ma trận" các loại thực phẩm chức năng bổ phổi

Nhiều người bán hàng các loại thực phẩm chức năng này đều tự tin quảng cáo thuốc “xịn” được các nước tiên tiến về y học tin dùng vì có tác dụng bổ phổi, chữa được bệnh hậu COVID-19... Hoặc có người tự nhận mình là F0 mắc hậu COVID-19 đã ổn định sức khỏe “tức thì” sau khi uống 1 lúc đến... 4 loại thực phẩm chức năng có tác dụng bổ phổi.

Đa phần những người bán các loại thực phẩm chức năng trên các chợ “ảo”, mạng xã hội đều không có bằng cấp dược sĩ. Họ coi đây như một mặt hàng bán khá chạy trong giai đoạn đại dịch COVID-19 nên nhập từ các đầu buôn về để bán kèm với các mặt hàng khác như quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng xách tay.

Các loại vitamin cho trẻ em được quảng cáo có tác dụng bổ phổi đang được tìm mua nhiều. Các loại vitamin, thuốc bổ được quảng cáo là hàng nhập từ Pháp, Đức, Mỹ… có tác dụng dứt cơn ho, phục hồi phổi và hệ hô hấp tăng sức đề kháng cho trẻ. Vì lo lắng cho con, có những phụ huynh không tiếc tiền cho thuốc, thực phẩm chức năng.

Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, nhiều người biểu hiện mệt mỏi và tiêu chảy, cơn ho có khi không thuyên giảm mà hệ thống tiêu hóa còn bị ảnh hưởng, nguyên nhân có một phần do sử dụng quá nhiều loại thực phẩm chức năng cùng một lúc.

Mối nguy hiểm khi tự ý sử dụng thực phẩm chức năng

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ CKI Nguyễn Công Bình, khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: “Thực phẩm chức năng không phải là thuốc mà chỉ là thực phẩm hỗ trợ. Nếu sau khi khỏi COVID-19, bệnh nhân vẫn bị ho nặng kéo dài không dứt, ho đờm, mất ngủ, khó thở cơ thể mệt mỏi thì nên đến các bệnh viện để chuẩn đoán và điều trị mới có thể biết rõ tình trạng sức khỏe cụ thể ra sao? Bác sĩ sẽ chuẩn đoán và điều trị bệnh theo phác đồ.

Việc tự ý sử dụng các loại thuốc cũng như thực phẩm chức năng không tham vấn ý kiến của bác sĩ có thể bỏ sót bệnh, làm bệnh diễn biến nặng hơn. Bệnh nhân không nên tự dùng thuốc tại nhà vì việc tự điều trị có thể gây nguy hiểm. Không ít trường hợp tổn thương phổi diễn tiến nặng, bệnh nhân không đến bệnh viện khám mà tự chữa trị kết hợp giữa nhiều loại thuốc khác nhau hoặc mua các loại thực phẩm chức năng trôi nổi trên thị trường sử dụng đến khi cơ thể mệt mỏi, vào viện thì tình trạng đã nghiêm trọng hơn”.

BSCKI Nguyễn Công Bình, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương khám cho các bệnh nhân
BSCKI Nguyễn Công Bình, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương khám cho các bệnh nhân

Đáng lo ngại, các loại thực phẩm chức năng bán tràn lan trên chợ “ảo” đều khó có thể quản lý triệt để. Nhiều loại thực phẩm chức năng không rõ nhãn mác trôi nổi trên thị trường là hàng giả, hàng kém chất lượng.

Mỗi năm Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đều thu giữ hàng trăm loại thực phẩm chức năng bị làm giả vẫn được “tuồn ra” thị trường.

Theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm, nếu sử dụng những loại sản phẩm này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như tiêu chảy, ngộ độc, nôn mửa, nổi mẩn đỏ, da phồng rộp, trụy tim mạch, huyết áp giảm, khó thở… Nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ dẫn đến các bệnh lý về thận, gan, mật…

Phục hồi chức năng phổi rất cần thiết ở người sau điều trị COVID-19. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng cung cấp đủ năng lượng, protein, vitamin và khoáng chất. Nhờ đó, giúp tái tạo hệ thống cơ, miễn dịch và năng lượng cho cơ thể.

Khi có chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng với rau củ quả, trái cây tươi, protein, hạn chế đồ chế biến sẵn, người bệnh không cần uống thêm vitamin hay thuốc bổ.

Ngoài chế độ ăn uống, người bệnh cũng có thể tập các bài tập, động tác thể dục nhẹ nhàng giúp làm giảm các triệu chứng khó thở, lo lắng và trầm cảm, cải thiện thể chất. Nhiều clip hướng dẫn kỹ thuật thở ra, mở lồng ngực và kiểm soát nhịp thở, thổi bóng... đã được Bộ Y tế cập nhật trên các kênh sức khỏe chính thống.

Nhiều người có tâm lý chung là tìm kiếm những điều trị hỗ trợ là các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng vì cho rằng chúng an toàn và ít tác dụng phụ như thuốc. Tuy nhiên, thực phẩm chức năng giống như “dao hai lưỡi”, nếu được bổ sung dư thừa sẽ gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe con người.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động