Liên tục tai nạn người rớt xuống mương, cống bị cuốn trôi: Chưa xử lý triệt để trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị thi công
6 tháng xảy ra 6 vụ lọt mương cống khiến 5 người chết, mất tích
Chiều 21/9, bà Trần Thị Mừng (52 tuổi, ngụ xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất) mặc áo mưa, đang lội bộ trên lề đường Đức Huy - Thanh Bình (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) bị ngập nước thì lọt xuống mương hở bị cuốn trôi mất tích. Những hình ảnh từ camera nhà dân ghi lại cho thấy, dù sau khi sự việc xảy ra người dân chạy ra cứu giúp nhưng bất thành do nước lúc bấy giờ chảy xiết. Hình ảnh từ camera cũng cho thấy, trước đó cũng tại vị trí này, một học sinh đi xe đạp qua đoạn đường này cũng bị rơi xuống mương hở khi đang ngập nước, nhưng may thay trường hợp này đã được người dân chạy ra kịp kéo lên, không bị nước cuốn trôi.
Liên tục tai nạn người rớt xuống mương, cống bị cuốn trôi: Chưa xử lý triệt để trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị thi công |
Cũng tại Đồng Nai trước đó khoảng nửa tháng cũng xảy ra vụ một đứa trẻ chết thương tâm do lọt hố công trình. Theo đó vào chiều 28/8, bé trai N.V (7 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) khi vui chơi tại khu vực công trình đang san lấp mặt bằng thuộc dự án khu dân cư Bửu Long 3, phường Bửu Long thì trượt chân rơi xuống đoạn cống đang ngập nước sâu khoảng 3-4m dẫn đến tử vong.
Không riêng Đồng Nai tại TPHCM mới vào hôm 20/9 cũng xảy ra một vụ lọt hố công trình khiến một nam thanh bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu.
Cụ thể vào tối 20/9 tại đường kênh Trung Ương thuộc xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, thanh niên L.V.Đ (25 tuổi, quê Kiên Giang) khi đi xe máy trên lề thì bị lọt xuống hố sâu khoảng 3m đang ngập nước, khiến đầu đập vào thành gạch. Người dân phát hiện hô hoán kịp thời cứu anh Đ và đưa đi bệnh viện cấp cứu. Đoạn đường trên đang trong quá trình nâng cấp xây dựng, hiện vẫn chưa giải quyết xong mặt bằng. Dù vậy hố sâu xảy ra vụ thuộc công trình đang thi công nhưng lại không được rào chắn, che đậy nên dẫn đến tai nạn hết sức nguy hiểm.
Trong khi đó tại Bình Dương vừa qua cũng liên tiếp xảy ra các vụ trẻ rơi xuống cống, mương thoát nước bị cuốn trôi. Đáng chú ý, tại Thị xã Tân Uyên, Bình Dương chỉ 4 tháng gần đây xảy ra 3 vụ trẻ em bị nước mưa cuốn vào cống thoát nước làm 3 trẻ mất tích hoặc tử vong.
Xử lý chưa đến nơi đến chốn
Tình trạng người lớn, trẻ em rơi xuống cống, mương bị nước cuốn trôi không phải chỉ mới xảy ra gần đây, mà những năm trước đều xảy ra các trường hợp tương tự. Sau khi các sự việc xảy ra, chính quyền địa phương cũng như các đơn vị liên quan đều họp xem xét trách nhiệm các bên cũng như rút kinh nghiệm, chỉ đạo rà soát rào chắn, che đậy, cảnh báo những công trình, mương cống lộ thiên để đảm bảo an toàn cho người dân. Thế nhưng trên thực tế dường như việc rà soát, chấn chỉnh, xử lý những công trình, mương cống vẫn chưa được thực hiện quyết liệt nên sau đó các vụ trẻ, người lớn lọt cống bị cuốn trôi vẫn cứ tiếp diễn khiến người dân bức xúc.
Chẳng hạn tại Đồng Nai ngày 28/8 đã xảy ra vụ trẻ 7 tuổi lọt cống công trình bị tử vong, những tưởng sau vụ này sẽ không xảy ra những vụ tương tự thì ngày 21/9 lại xảy ra vụ người phụ nữ bị lọt mương nước cuốn trôi. Tương tự tại Thị xã Tân Uyên (Bình Dương), sau vụ trẻ 4 tuổi rớt cống bị cuốn trôi mất tích vào cuối tháng 5/2020, chính quyền địa phương cũng đã yêu cầu rà soát, chấn chỉnh, nhưng tuy thực tế từ vụ đó đến nay lại xảy ra tiếp thêm 2 vụ trẻ rơi mương cống bị thiệt mạng.
Có nhiều nguyên nhân khiến vẫn tồn tại các mương, cống vẫn còn lộ thiên như những cái bẫy đối với người đi đường. Trong đó, có tình trạng những năm gần đây, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai nên hệ thống cống thoát nước chưa hoàn chỉnh. Hệ thống cống, mương, kênh thoát nước có nắp che đậy cẩn thận chưa được phủ khắp. Một số đường cống, mương không được rào chắn, trời nắng thì không có nguy hiểm, nhưng khi mưa xuống, nước chảy xiết lại trở thành những bẫy nguy hiểm.
Ngoài nguyên nhân về cơ sở hạ tầng đường cống chưa hoàn chỉnh, để xảy ra vụ việc đáng tiếc, một phần do người lớn không trông chừng trẻ chu đáo. Hầu hết các vụ việc, người lớn không lường trước được nguy hiểm khi để trẻ chơi ngoài trời mưa, khi xảy ra sự việc thì ứng cứu không kịp. Gần hiện trường vụ cháu trai 4 tuổi bị lọt cống mất tích tại Thị xã Tân Uyên vào tháng 5.2020, anh Nguyễn Trạch Cầu (42 tuổi, P.Thới Hòa) cho chia sẻ: “Để xảy ra vụ việc, người lớn cũng có một phần trách nhiệm. Lẽ ra, người lớn phải để ý và lường trước được những nguy hiểm và tự giác rào chắn lại những miệng cống hở. Bên cạnh đó chủ động báo với chính quyền địa phương để khắc phục thì những sự việc đáng tiếc được hạn chế tối đa”.
Tiếp đến, việc xử lý các cá nhân, đơn vị liên quan vẫn chưa đủ sức răn đe.
Luật sư Trần Quốc Minh (TPHCM) cho biết: “Qua theo dõi những vụ lọt cống ở các trình thời gian gần đây tại Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM hay như những vụ xảy ra những năm trước, chưa thấy cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm, truy đến cùng cá nhân, tổ chức nào liên quan để xử lý hình sự. Chính vì việc xử lý chưa nghiêm nên không ít cá nhân, tổ chức ở các công trình xây dựng còn chủ quan, lơ là trong việc đảm bảo an toàn nơi công trình”. Theo luật sư, chủ đầu tư và đơn vị thi công sẽ phải chịu trách nhiệm vì sự cẩu thả khi không làm nắp đậy, rào chắn cống dẫn đến những cái chết oan uổng. |