Luật sư tư vấn:

Làm gì khi đối tượng cho vay nặng lãi đánh người để đòi nợ?

Người dân có thể làm gì khi bị đối tượng cho vay nặng lãi tới đánh người để đòi tiền, ép viết giấy ghi nợ?
Tư vấn pháp luật: Tội cho vay nặng lãi bị xử lý như thế nào? Audio Pháp luật ngày 18/5: Bắt nghi phạm liên quan hàng loạt vụ giết người

Câu hỏi: Gia đình tôi lúc trước làm ăn có vay của ông B số tiền là 40 triệu đồng, có giấy vay nợ. Tôi đã trả lãi cho cô B trong vòng một năm và ông B tính lãi suất tới 30%, số tiền lãi tôi trã đã quá số vốn gốc gấp 4, 5 lần.

Hiện tại tôi làm ăn thất bại không còn khả năng trả nợ cho ông B nữa. Nay tôi đi làm thuê, lương 1,5tr/tháng. Tôi có thuê một phòng trọ để ở và nuôi con nhỏ.

Mới đây ông B đã dắt một đám 4 người đến nhà tôi, họ đã hành hung và đánh đập tôi. Họ có cầm giấy vay nợ 100 triệu mà không phải tên tôi. Họ bắt ép tôi phải ký nhưng tôi không đồng ý. Họ tiếp tục đánh tôi và bắt tôi phải ghi một giấy nợ không rõ ràng nếu không sẽ đánh, nên tôi phải ghi. Họ còn dùng lời lẽ hăm dọa sẽ giết tôi nếu tôi không trả số tiền đó và hẹn ngày quay lại. Vụ việc trên đã làm cho đứa con nhỏ của tôi hoảng sợ mấy ngày nay.

Tôi muốn đưa đơn kiện ông B đã vu khống và cho người hành hung tôi, nhưng họ tới nhà tôi trong lúc không có người nên không có ai làm chứng cho tôi. Luật sư cho biết tôi có thể làm gì để bảo vệ con tôi, ngăn họ không tới đòi nợ nữa?

lam gi khi doi tuong cho vay nang lai danh nguoi de doi no
Luật sư Nguyễn Quang Tâm - Văn phòng Luật Phúc Quang, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Luật sư tư vấn:

Trường hợp của bạn đọc, luật sư Nguyễn Quang Tâm - Văn phòng Luật Phúc Quang, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đưa ra tư vấn như sau:

Theo như thông tin bạn cung cấp thì bạn có vay của ông B số tiền 40 triệu đồng, tính lãi suất 30% có giấy vay nợ, tính đến thời điểm hiện tại số tiền bạn đã trả lãi gấp 4 đến 5 lần số tiền gốc bạn vay. Về mức lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ."

Trường hợp này ông B cho vay áp dụng mức lãi suất với khoản vay của bạn vượt quá lãi suất cơ do pháp luật quy định. Nên ông B có thể phạm vào tội cho vay lãi nặng quy định tại điều 201 Bộ luật hình sự 2015 nếu thỏa mãn các điều kiện quy định tại điều này.

"1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm."

Đối với việc ông B ép bạn ký hợp đồng vay tài sản, hợp đồng này có thể bị tòa án tuyên bố vô hiệu khi có yêu cầu vì đã vi phạm yếu tố tự nguyện đối với ý chí của chủ thể như sau theo quy định của Điều 127, Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể:

"Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình."

Khi bị tuyên bố vô hiệu thì hợp đồng này sẽ không có hiệu lực trước pháp luật và bạn sẽ không phải thực hiện các nghĩa vụ như hợp đồng đã quy định.

Ngoài ra, ông B có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định 170 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội cưỡng đoạt tài sản nếu có đủ yếu tố cấu thành tội này. Điều 170 quy định như sau:

"1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."

Với hành vi của ông B và nhóm người được thuê để đòi nợ, hành vi của họ tùy vào mức độ nghiệm trọng có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Họ có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình. Cụ thể:

"1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

b) Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác;

c) Thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;

b) Báo thông tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Say rượu, bia gây mất trật tự công cộng;

d) Ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác;

đ) Tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng;

e) Để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác;

g) Thả diều, bóng bay, chơi máy bay, đĩa bay có điều khiển từ xa hoặc các vật bay khác ở khu vực sân bay, khu vực cấm; đốt và thả “đèn trời”;

h) Sách nhiễu, gây phiền hà cho người khác khi bốc vác, chuyên chở, giữ hành lý ở các bến tàu, bến xe, sân bay, bến cảng, ga đường sắt và nơi công cộng khác."

Bạn có thể làm đơn tố cáo ông B đến cơ quan công an để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật, bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

An Khê (t/h)
Phiên bản di động