Làm bác sĩ, hoặc là quen với áp lực hoặc là bị đào thải

Để trở thành một bác sĩ hành nghề độc lập, một người phải mất tới 12 năm học tập ở trường và bệnh viện. Áp lực ở ngành y cũng lớn hơn rất nhiều ngành nghề khác. Thế nên đã chọn làm bác sĩ, hoặc là quen với áp lực, hoặc là bị đào thải, BS CKII Phạm Hải Bằng, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Hữu nghị Việt Đức chia sẻ. 
Những "chiến sĩ" Blue và chuyện chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus Corona Bác sĩ chống dịch Corona ở khu vực cách ly "cứ sợ sệt, trốn tránh thì ai làm" Nguyện ước của bác sĩ 10 năm “xung phong” trực Tết đêm giao thừa

Sống chung với áp lực quá tải, bác sĩ quen rồi

Trên đường vào phòng trực cấp cứu, gặp một bệnh nhân bó bột đang được người nhà dìu trên hành lang, BS Hải Bằng hỏi ngay: “Anh đi đâu đấy?”. Nghe người nhà trả lời “Đi khám lại”, ông chỉ ngay sang khoa khám bệnh bên cạnh và giải thích bệnh nhân đang vào nhầm khoa. Sau đó bác sĩ quay sang nói với phóng viên, chỉ cần nhìn cái chân bệnh nhân đã bó bột là ông biết họ đi nhầm rồi.

Bệnh nhân vào nhầm khoa, bệnh nhân xây xước, bong gân, gãy tay chân, chấn thương sọ não nhẹ… đều bỏ qua trung tâm y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh chạy thẳng lên bệnh viện tuyến đầu như Việt Đức làm khoa cấp cứu ở đây luôn trong tình trạng quá tải trầm trọng.

Trung bình một ngày, khoa cấp cứu bệnh viện Việt Đức tiếp nhận 120-150 ca bệnh. Như trong ngày 25/2, khoa đã tiếp nhận và xử lý 122 ca cấp cứu. Dịp lễ tết có thể lên tới 160-170 ca mỗi ngày. Số ca mổ cấp cứu một ngày vào khoảng 30 ca. Phục vụ số lượng bệnh nhân khổng lồ này là khoảng 250 nhân viên y tế gồm bác sĩ, y tá, điều dưỡng, nhân viên xét nghiệm…

“Cao điểm cấp cứu là từ cuối giờ chiều đến nửa đêm. Lúc đó, sau một ngày làm việc mệt mỏi, người ta uống rượu bia… nên tai nạn dễ xảy ra. Đó cũng là thời điểm các bệnh viện tuyến dưới tiếp nhận, xử lý ban đầu các ca bệnh nặng, khó và chuyển thẳng lên bệnh viện tuyến đầu như Việt Đức”, bác sĩ Hải Bằng chia sẻ.

Vào cao điểm cấp cứu, khoa cấp cứu vô cùng bận rộn, các bác sĩ luôn chân luôn tay, không khí căng như dây đàn có thể khiến người bình thường ngộp thở. Thế nhưng các bác sĩ thì đã quen rồi.

lam bac si hoac la quen voi ap luc hoac la bi dao thai
BSCKII Phạm Hải Bằng (ngoài cùng bên phải) đang thăm khám cho một bệnh nhân bị tai nạn dập phổi

“Để trở thành một bác sĩ có thể làm việc độc lập, một người phải trải qua 6 năm học trong trường y, 3 năm làm bác sĩ nội trú hoặc chuyên khoa cơ bản, 3 năm tiếp theo đào tạo thêm để hoàn thiện chuyên môn mới có thể hành nghề được. Tổng cộng mất 12 năm, gấp 3 lần thời gian đào tạo của các ngành nghề khác. Như vậy, không có tình yêu, không có đam mê không thể theo đuổi con đường này được. Áp lực của ngành y cũng lớn hơn các ngành khác bội phần. Bởi vậy, sau nhiều năm, những người còn tồn tại được trong ngành đều được tôi luyện một bản lĩnh vững vàng”, BS Hải Bằng nói.

Sống chung với áp lực nên khi thấy mệt mỏi, BS Hải Bằng có thói quen dời sự tập trung của mình sang một điều gì đó khác để giải stress. Bản thân ông khá thích nghịch máy móc nên ông thường tháo tung những máy hút, máy khi dung, dao mổ điện hỏng và mày mò sửa chữa. Ông khoe cũng sửa được kha khá thứ rồi.

Những kỉ niệm trong đời cấp cứu

BSCKII Phạm Hải Bằng chia sẻ, trong gần 30 năm gắn bó với nghề y và bệnh viện Việt Đức, từ ngày còn là sinh viên đi thực tập, ông đã trải qua đủ các cung bậc vui buồn cùng với bệnh nhân.

Ông vẫn còn nhớ ngày Valentine cách đây khoảng 7 năm, vừa từ phòng mổ ra thì gặp ngay một ca cấp cứu vừa được được đưa đến. Bệnh nhân là một người phụ nữ bị người chồng đã ly thân hành hung. Và “món quà” mà gã chồng tệ bạc tặng cho vợ cũ của mình là một nhát dao đứt đôi tĩnh mạch chủ sát tim.Người bệnh ngay lập tức được đẩy vào phòng mổ và BS Hải Bằng là người mổ chính. Ca mổ thành công, người phụ nữ được cứu sống. Từ đó trở đi, năm nào vào ngày 27/2, người phụ nữ đó luôn nhớ gửi tặng một món quà nhỏ tri ân các bác sĩ. Đây là một ca cấp cứu hy hữu ở thời điểm đó, phần lớn người bệnh đều không qua khỏi.

Một kỉ niệm khác gắn với câu chuyện buồn. Đó là vào khoảng 10 giờ tối, một gia đình gần bệnh viện đưa vào cấp cứu bé trai 2 tuổi đã tím đen, ngừng tim, ngừng thở. Các bác sĩ đã cấp cứu thật lực, làm hết sức mình nhưng không thể làm gì hơn. Theo câu chuyện gia đình kể lại, bé trai được đặt nằm ngủ trên võng còn cả gia đình quây quần xem bộ phim “Đơn giản tôi là Maria”. Khi bé ngủ tỉnh dậy trèo xuống thì đầu đầu bé bị mắc kẹt vào lưới võng võng, ông nội bé ngồi ngay phía trước và cả nhà không ai hay biết. Khí hết phim thì cả gia đình phải chứng kiến một kết cục cực kỳ khủng khiếp. Sự bất lực của bác sĩ “người trần mắt thịt”, ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết khiến mấy chục năm đã trôi đi mà nhắc tới chuyện cũ, ông vẫn còn thổn thức.

Niềm tin của bệnh nhân và cái nhìn công bằng hơn với bác sĩ

Lý giải về sự quá tải ở các bệnh viện tuyến đầu, BS Hải Bằng nhắc tới niềm tin của bệnh nhân. Ông bảo, khám chữa bệnh là một ngành rất đặc thù mà khi bệnh nhân tìm đến, bác sĩ và bệnh viện không thể chối từ.

Để giảm tải cho bệnh viện tuyến đầu, những năm qua, Chính phủ và Bộ Y tế đã có nhiều chương trình hành động như đề án bệnh viện vệ tinh, đề án 1816 đưa bác sĩ luân chuyển về tuyến dưới… Hiệu quả giảm tải đến thời điểm này ở khoa cấp cứu bệnh viện Việt Đức theo BS Hải Bằng có một chút nhưng không quá nhiều.

“Vấn đề cốt lõi là giải quyết được niềm tin cho bệnh nhân ở các tuyến dưới” - ông nói.

Áp lực quá tải quá lớn nên đôi khi, nhân viên y tế khiến người ta hiểu lầm là vô cảm, không có lòng trắc ẩn với người bệnh. “Điều này hoàn toàn không đúng”, BS Bằng khẳng định. Ông mong muốn bệnh nhân và người nhà có cái nhìn công bằng hơn, thông cảm hơn với các nhân viên y tế.

“Các nhân viên y tế đã phải làm việc trong một môi trường rủi ro cao, quá tải nhiều không nên phải chịu thêm áp lực của người bệnh và người nhà người bệnh. Cũng không ít trường hợp nhân viên y tế đã bị hành hung khi đang làm nhiệm vụ. Chúng tôi mong muốn hệ thống pháp luật cần hoàn thiện hơn để bảo vệ cho cán bộ ngành y ”, BS Hải Bằng nói.

Văn hóa ứng xử ở bệnh viện cần xây dựng từ hai phía. Các bác sĩ đang nỗ lực thay đổi biến ngành y thành một ngành dịch vụ mà ở đó, bệnh nhân và người nhà được hài lòng. Ở chiều ngược lại, các "thượng đế" tiêu dùng dịch vụ dù khó hay dễ tính cũng nên ứng xử một cách văn minh.

Huyền My
Phiên bản di động