Lai Châu: Cần giám sát việc tận thu khoáng sản ở mỏ đá Nậm Nhùn
Theo tìm hiểu, mỏ đá Nậm Nhùn đã được làm thủ tục đóng cửa mỏ tháng 5/2018. Quá trình đổ thải, Ban quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Lai Châu đã yêu cầu đơn vị thi công tiến hành san ủi, đầm phẳng ngay sau đổ thải, để tạo độ ổn định cho các tầng đổ thải tại bãi. Thực hiện công tác đóng cửa mỏ, đơn vị thi công đã san gạt mặt bằng, phủ đất màu dầy 1m và hoàn tất trồng cây xanh để cải thiện môi trường.
Sau khi phê duyệt đề án đóng cửa mỏ 3 tháng, UBND tỉnh Lai Châu đã tiếp nhận hồ sơ xin khai thác tận thu mỏ đá Nậm Nhùn. Theo đó, Công ty Cổ phần Thanh Bình Lai Châu là đơn vị xin khai thác tận thu mỏ đá Nậm Nhùn.
Khu vực xin khai thác tận thu thuộc một phần bãi thải của mỏ đá Nậm Nhùn, trước kia đã được UBND tỉnh Lai Châu chấp thuận cho Xí nghiệp Sông Đà 10.4 được khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi công trình, để phục vụ thi công Nhà máy Thủy điện Lai Châu. Khu vực cách tuyến đập của Thủy điện Lai Châu khoảng 3km. Diện tích khu vực xin khai thác là 7ha, được giới hạn bởi các điểm từ M1 đến M4. Địa điểm triển khai xây dựng dự án tại bãi thải của mỏ đá Nậm Nhùn. Nhu cầu sử dụng đất của dự án là 9ha.
Nhà máy thủy điện Lai Châu |
Chưa xong thủ tục khai thác tận thu mỏ đá Nậm Nhùn?
Theo tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, đơn vị đề nghị cấp phép là Công ty Cổ phần Thanh Bình Lai Châu, diện tích khai thác 7ha, được giới hạn bởi các đoạn thẳng nối từ M1 đến M7. Mức sâu khai thác đến cốt +310m. Tổng trữ lượng khai thác 30.000m3 đá hộc. Công suất khai thác 6.000m3 đá hộc/năm. Thời hạn khai thác 5 năm.
Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Công ty Cổ phần Thanh Bình Lai Châu có trách nhiệm: Nộp tiền cấp lệ phí khai thác khoáng sản là 5 triệu đồng, bồi thường thiệt hại (nếu có) do quá trình khai thác gây ra; tiến hành khai thác khoáng sản theo đúng phạm vi tọa độ, diện tích, công suất, khối lượng sản phẩm, mức sâu khai thác... Sở này cũng yêu cầu trước khi tiến hành khai thác, công ty phải nộp thiết kế thi công mỏ được lập, thẩm định, phê duyệt theo đúng qui định của pháp luật cho Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Xây dựng; báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xác định mốc giới, mặt bằng khai thác và bàn giao diện tích khu vực được phép khai thác ngoài thực địa; phải thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thuê đất để hoạt động khoáng sản theo qui định của pháp luật. Đồng thời, thực hiện đầy đủ nội dung kế hoạch bảo vệ môi trường của dự án; thực hiện ký quỹ phục hồi môi trường theo qui định; thực hiện đúng và đầy đủ các phương pháp, qui trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn kỹ thuật, an toàn công trình và phải có biện pháp phòng, chống các sự cố, bảo đảm an toàn lao động và các qui định khác có liên quan đề an toàn khai thác mỏ.
Công ty Cổ phần Thanh Bình Lai Châu phải thu hồi tối đa sản phẩm khai thác từ mỏ; báo cáo đúng sản lượng khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản cho cơ quan Nhà nước cấp có thẩm quyền; thường xuyên thực hiện việc kiểm soát các khu vực khai thác, chế biến, các công trình phụ trợ và các cơ quan khác có liên quan; bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo đảm an toàn, trật tự mỏ theo qui định của pháp luật; thực hiện báo cáo định kỳ trong hoạt động khoáng sản theo qui định của pháp luật về khoáng sản và các qui định khác có liên quan.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng nêu rõ: Công ty Cổ phần Thanh Bình Lai Châu chỉ được phép tiến hành khai thác khoáng sản sau khi đã thực hiện đầy đủ các qui định của pháp luật có liên quan và các qui định nêu trên; thông báo kế hoạch khai thác cho Sở Tài nguyên và Môi trường, ký quỹ môi trường, ký hợp đồng thuê đất và đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo qui định pháp luật.
Ông Ngô Xuân Hùng, Trưởng phòng Khoáng sản - Sở Tài nguyên và Môi trường Lai Châu khẳng định: Sau khi kết thúc việc phục vụ xây dựng Thủy điện Lai Châu, UBND tỉnh Lai Châu đã cấp phép cho Công ty Cổ phần Thanh Bình Lai Châu tận thu khai thác đá. Trước đây, mỏ phục vụ khai thác cho Thủy điện Lai Châu thì công suất rất lớn, hàng triệu mét khối. Nay, chỉ cấp cho doanh nghiệp khai thác 6.000 m3 cho 5 năm, thì công suất nhỏ hơn hàng trăm lần.
Doanh nghiệp mới được cấp phép. Sở cũng mới có văn bản yêu cầu doanh nghiệp cắm mốc giới ngoài thực địa để bàn giao. Hiện, doanh nghiệp đang làm thủ tục thuê đất chưa xong nên chưa bàn giao.
Ông Hùng cũng cho biết, lãnh đạo Sở đang giao cho phòng rà soát, kiểm tra các mỏ khai thác khoáng sản, trong đó mỏ đá tận thu Nậm Nhùn dự kiến sẽ tiến hành kiểm tra trong tháng 5 này. Sở cũng có văn bản yêu cầu các địa phương rà soát, báo cáo tình hình khai thác khoáng sản của các mỏ trên địa bàn. Đến thời điểm này, Sở chưa nhận được báo cáo của UBND huyện Nậm Nhùn đối với việc khai thác tại Nậm Nhùn.
Cũng theo ông Hùng, ngày 4/4/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 348/STNMT-KSN gửi Công ty Cổ phần Thanh Bình Lai Châu, yêu cầu đơn vị này thực hiện đúng qui định trong khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng tại mỏ đá Nậm Nhùn.
Cụ thể, yêu cầu công ty thực hiện 5 nội dung: Thực hiện cắm mốc giới ngoài thực địa, có văn bản đề nghị Sở, UBND huyện Nậm Nhùn, UBND thị trấn bàn giao mốc giới; nộp thiết kế thi công khai thác mỏ đã được thẩm định; thực hiện các thủ tục về thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; thông báo kế hoạch khai thác cho Sở Tài nguyên và Môi trường; thực hiện đầy đủ nội dung kế hoạch bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đến nay Sở chưa nhận được các văn bản hay báo cáo nào.
Theo Văn bản số 498/STNMT-KSN ngày 13/5/2019, Công ty Cổ phần Thanh Bình Lai Châu đã được UBND tỉnh Lai Châu cấp phép tận thu khoáng sản (Giấy phép số 1358/GP-UBND ngày 2/11/2018) và việc cấp phép đã tuân thủ trình tự, thủ tục pháp luật quy định.
Tuy nhiên, cần phải có sự giám sát chặt chẽ từ phía cơ quan chức năng trong việc khai thác tận thu của doanh nghiệp để hạn chế những thiếu sót không đáng có trong quá trình thực hiện.