Kỳ vọng những quyết sách căn cơ, sáng suốt với vấn đề trọng đại quốc gia
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV quyết định nhiều vấn đề quan trọng quốc gia |
Khối lượng công việc của kỳ họp là rất lớn
Theo chương trình dự kiến, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và chính thức khai mạc trọng thể vào sáng 23/10 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Kỳ họp thứ 6 được tiến hành theo 2 đợt. Cụ thể, đợt 1 (15 ngày), từ ngày 23/10 - 10/11; đợt 2 (7 ngày), từ ngày 20 - 28/11/2023. Dự kiến tổng thời gian làm việc của kỳ họp là 22 ngày.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thực hiện khối lượng công việc rất lớn, xem xét thông qua nhiều nội dung quan trọng liên quan đến công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Cụ thể, tại kỳ họp, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật, 2 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu 8 dự án luật; xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước; tiến hành giám sát tối cao; chất vấn và trả lời chất vấn.
Trong đó, về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường thông tin về công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. |
Đồng thời, Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ…
Đặc biệt, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; quyết định một số vấn đề quan trọng khác…
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá, đây là kỳ họp đánh dấu mốc giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá việc thực hiện các kế hoạch 5 năm cũng như hằng năm.
Đáng chú ý, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn trong kỳ họp này có điểm khác biệt tập trung xem xét việc thực hiện các cam kết của các Bộ trưởng, trưởng ngành, cũng như việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề của nhiệm kỳ khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay.
Do vậy, nội dung chất vấn rất rộng, bao quát nhiều vấn đề, khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội.
Chờ đợi những quyết sách căn cơ, sáng suốt
Đánh giá về việc chuẩn bị kỳ họp lần này, đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) cho biết, công tác phục vụ kỳ họp ngày càng được đổi mới, nâng cao chất lượng, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho các vị đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp.
Đặc biệt, tại kỳ họp lần này, Chính phủ, các cơ quan có liên quan và các cơ quan của Quốc hội đã rất tích cực, chủ động để gửi tài liệu, nội dung cho ý kiến tại kỳ họp để các đại biểu sớm tiếp cận, đảm bảo thời gian nghiên cứu trước thảo luận.
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang). |
Ở kỳ họp này, bà Lê Thị Thanh Lam kỳ vọng các vị đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục phát huy tốt tinh thần trách nhiệm cao, tham gia đóng góp các ý kiến thật sự chất lượng nhằm hoàn thiện các báo cáo, các dự án luật, nghị quyết.
Trong đó, bà Lê Thị Thanh Lam cho rằng, từng đại biểu phải công tâm, khách quan trong việc xem xét, đánh giá nhân sự của công tác lấy phiếu tín nhiệm người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Đồng thời, các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục có những ý kiến đóng góp quan trọng vào những dự án luật trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần này đang được cử tri và Nhân dân quan tâm, tham gia chất lượng các giải pháp về phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống cũng như sự kỳ vọng của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
"Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tâm huyết, trách nhiệm, các đại biểu sẽ tập trung trí tuệ để thảo luận và đưa ra được những quyết sách căn cơ, đúng đắn, sáng suốt đối với những vấn đề trọng đại của đất nước thuộc phạm vi, thẩm quyền của Quốc hội", bà Lê Thị Thanh Lam chia sẻ.
Tương tự, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cũng đánh giá, kỳ họp thứ 6 lần này được chuẩn bị rất chu đáo.
Một trong những điểm đổi mới của kỳ họp là việc Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội đã rất tích cực, chủ động để gửi tài liệu đến các đại biểu Quốc hội sớm.
Qua đó, các đại biểu Quốc hội sẽ có nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, điều này góp phần quan trọng vào chất lượng của các phiên họp nói riêng và của cả kỳ họp nói chung.
Bên cạnh đó, kỳ họp thứ 6 vẫn tổ chức làm 2 đợt họp tập trung, có một thời gian nghỉ giữa hai đợt họp để các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ có thời gian tổng hợp, tiếp thu và giải trình những vấn đề mà các đại biểu có ý kiến, sự linh hoạt này góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6, Quốc hội và Chính phủ đều nỗ lực chuẩn bị từ sớm, từ xa. Ví dụ với các dự án luật trình lần đầu, các bộ ngành và các cơ quan liên quan đã tổ chức rất nhiều các cuộc hội thảo, thảo luận để xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học và các đại biểu Quốc hội.