Kon Tum: Thủy điện tích nước khiến hoa màu chết khô, yêu cầu hỗ trợ thiệt hại cho người dân
Vì thủy điện ngăn dọc, tích nữa đã khiến người dân vùng hạ du thiếu nước phục vụ tưới hoa màu |
Nhiều ngày qua, việc thủy điện Thượng Kon Tum và thủy điện Đăk Ne chặn dòng tích nước đã khiến 116 ha cây trồng của người dân thôn 3, xã Tân Lập, H.Kon Rẫy (Kon Tum) có nguy cơ chết khô. Điều đáng nói dù người dân đã liên tục phản ánh, nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Để giải quyết vấn đề nước tưới cho người dân, Sở Công thương tỉnh Kon Tum tổ chức cuộc họp với lãnh đạo thủy điện Thượng Kon Tum và thủy điện Đăk Ne. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thủy (Phó chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy) cho rằng, sau khi thủy điện Thượng Kon Tum chặn dòng tích nước thì có hơn 116 ha cây trồng bị ảnh hưởng.
Trong lúc đợi các bên tìm hướng giải quyết khắc phục tình trạng thiếu nước tạm thời, hơn 140 người dân đã được vận động đắp hàng trăm bao cát ngăn dòng ở các nhánh sông, suối.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm bợ, bởi chỉ qua một mùa mưa số bao cát này sẽ bị cuốn trôi. Chính vì vậy, huyện yêu cầu 2 thủy điện phải có giải pháp kiên cố hóa một vài khu vực để dẫn dòng, phục vụ nước tưới vào mùa khô cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Quân (thành viên HĐQT Công ty CP đầu tư năng lượng Trường Thịnh, Thủy điện Đăk Ne) thừa nhận, nếu duy trì dòng chảy sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của thủy điện.
“Nếu duy trì dòng chảy thường xuyên, lưu lượng xả chỉ đảm bảo 60 - 80% công suất. Đồng thời, máy phát điện chỉ phát được 8 tiếng. Các máy chạy dưới 75% thì rất hại đến máy. Tuy nhiên, dù bị thiệt hại nhưng công ty vẫn sẽ xả nước để phục vụ bà con theo lịch trình: từ 6 - 11 giờ 30 và từ 15 - 20 giờ”, ông Quân nói.
Hơn 100ha diện tích cây trồng trên địa bàn huyện Kon Rẫy bị chết và nguy cơ thiếu nước vì thủy điện ngăn dòng |
Cũng tại cuộc họp, ông Lê Thanh (Phó ban Quản lý dự án Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Thủy điện Thượng Kon Tum) yêu cầu Thủy điện Đăk Ne vận hành đúng quy trình. Cụ thể thủy điện này phải thường xuyên trả nước xuống phía sau hạ lưu đập. Nếu thủy điện Đăk Ne vận hành đúng theo quy trình này thì cây trồng của bà con không bị ảnh hưởng. Thậm chí nếu buộc ngừng phát điện để xả nước ra môi trường thì Đăk Ne cũng phải thực hiện.
Ngoài ra, ông Thanh cũng thừa nhận, để xảy ra tình trạng thiếu nước tưới của người dân, thủy điện Thượng Kon Tum cũng có một phần trách nhiệm. Do đó, trong thời gian tới, đơn vị sẽ thực hiện rà soát thiệt hại của bà con và có biện pháp hỗ trợ, đền bù thỏa đáng.
Kết thúc cuộc họp, ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum, đề nghị thủy điện Đăk Ne chỉ chạy 1 tổ máy phát điện, thực hiện tích nước vào ban đêm, xả nước liên tục vào ban ngày để đảm bảo nước tưới vùng hạ du.
Ông Nhất cũng đề nghị, UBND huyện thực hiện giám sát việc điều tiết nước của nhà máy thủy điện để có phương án thông báo cho người dân lịch lấy nước để chủ động tưới tiêu. Tuyên truyền người dân sử dụng tiết kiệm nguồn nước, tránh để nước chảy tràn lan, lãng phí.
Sau khi báo chí và người dân phản ánh, thủy điện đã mở nước phục vụ bà con tưới tiêu |
Riêng thủy điện Thượng Kon Tum, Sở Công thương tỉnh Kon Tum yêu cầu phải kiểm tra, rà soát, thống kê thiệt hại của người dân để có biện pháp hỗ trợ, đền bù ngay. Tránh để xảy ra tình trạng người dân bức xúc, phát sinh khiếu kiện gây mất ổn định tại địa phương.
Trước đó, Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, đang giữa mùa hạn, nhưng các thủy điện đã ngăn dòng sông Đăk Snghé (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, Kon Tum) để tích nước phát điện, khiến hàng trăm diện tích hoa màu của người dân có nguy cơ chết khô.
Theo thống kê của UBND huyện Kon Rẫy, sau hơn 20 ngày sông Đăk Snghé bị chặn dòng đã có hơn 113 ha cây công nghiệp, cây ăn trái, gần 3ha lúa vụ Đông Xuân (trong đó nặng nhất là xã Tân Lập với 92 ha cà phê, gần 6 ha tiêu…) bị khô hạn nặng.