Kinh nghiệm truyền miệng điều trị COVID-19: Cẩn thận tiền mất tật mang!

Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội tăng cao và liên tục lập đỉnh mới. Trong bối cảnh đó, nhiều người dân đã lên mạng tìm hiểu các phương pháp điều trị cho bệnh nhân F0. Đáng nói, đó đều là những kinh nghiệm truyền miệng, chưa được kiểm chứng, điều này tiểm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với người bệnh.
Tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 Bắt lô hàng nghi là thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 "trôi nổi" mang về Bắc Giang bán kiếm lời Nghệ An: Bắt đối tượng đang điều trị Covid-19 vẫn trốn ra ngoài đi mua ma túy

Những đơn thuốc từ bác sĩ online

Từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Hà Nội có dấu hiệu diễn biến phức tạp, số ca nhiễm SARS-CoV-2 gia tăng. Trước thực trạng đó, một số người dân đã tự mua thuốc điều trị COVID-19 dùng tại nhà qua các trang mạng xã hội. Việc tự mua thuốc điều trị COVID-19 tại nhà đang được ngành Y tế cảnh báo có nguy cơ gây hậu quả khôn lường đến sức khỏe của người sử dụng.

Chị Hoàng Thị Hiền (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Gia đình tôi có 5 người thì có đến 3 bị mắc COVID-19, trong đó có người già và trẻ nhỏ. Ngay sau khi chồng mắc bệnh, tôi đã lên mạng đăng tải bài viết tìm sự trợ giúp của cộng đồng mạng về các bài thuốc điều trị F0 tại nhà.

Ngay sau khi bài viết được đăng vào trong một hội nhóm, lập tức có hàng chục người vào bình luận, truyền kinh nghiệm chữa COVID-19. Nghe theo lời hướng dẫn của mọi người, tôi đã lên mạng đặt mua rất nhiều loại thuốc về cho chồng uống và mua thêm các loại lá khô về để xông và tắm.

Mới uống được hai hôm, tôi tá hỏa phát hiện ra loại thuốc chồng đang uống chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam mà chỉ được người dân truyền tai nhau sử dụng.

Kinh nghiệm truyền miệng điều trị COVID-19: Cẩn thận tiền mất tật mang!
Một số loại thuốc điều trị COVID-19 chưa được Bộ Y tế cấp phép và thuốc không rõ nguồn gốc được rao bán tràn lan trên mạng xã hội

Tương tự chị Hiền, chị Phạm Thị Nhung (ở Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi bị F0 và mới khỏe lại được khoảng một tuần nay. Khi biết tin mình bị mắc COVID-19, tôi đã rất hoang mang, hoảng loạn và lập tức lên mạng nhờ sự trợ giúp của bạn bè, người thân. Sau đó, mọi người cũng hướng dẫn tôi mua rất nhiều loại thuốc về uống và mua thêm về cho những người chưa bị trong nhà uống trước để phòng.

May sao, tôi được một bác sĩ giải thích cặn kẽ cách sử dụng thuốc cho bệnh nhân F0 tại nhà. Hóa ra, những loại thuốc tôi được mọi người mách bảo dùng lúc trước đó chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành và cũng chưa rõ tác dụng thực như thế nào”.

Còn chị Vũ Thị Loan (ở huyện Thanh Trì, Hà Nội) kể: "Người thân của tôi bị F0, điều trị tại nhà. Mặc dù chưa có triệu chứng nhưng gia đình đã mua rất nhiều thuốc bổ trợ, có loại theo khuyến cáo của hiệu thuốc, có loại do người đã điều trị trước đó chia sẻ".

Cẩn thận tiền mất... tật mang

Nhiều người dân khi phát hiện mình mắc COVID-19 đã có tâm lý hoang mang, lo lắng và mua rất nhiều loại thuốc không cần thiết. Thậm chí, họ mua các loại thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ về để điều trị.

Là thành viên trong nhóm “Thầy thuốc Hà Tĩnh đồng hành cùng F0”, BSCKI Trần Tuấn Hiệp, Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh, mỗi ngày nhận từ 15 đến 20 cuộc gọi của người dân, chia sẻ về tình trạng bệnh và nhờ tư vấn về các thuốc điều trị COVID-19 mua trên mạng xã hội hoặc thuốc được cho là “hàng xách tay” từ nước ngoài về.

“Hiện nay, nhiều người quá lo lắng khi bản thân và người nhà bị F0 nên đã mua thuốc điều trị COVID-19 trôi nổi trên mạng xã hội, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được Bộ Y tế kiểm

định và cấp phép điều trị lâm sàng

. Vì thế, thời gian qua đã có một số bệnh nhân sau khi sử dụng thuốc điều trị COVID-19 trôi nổi, không những bệnh không khỏi, mà lại nặng hơn", BSCKI Trần Tuấn Hiệp nhấn mạnh.

Qua tổng hợp cho thấy, đến nay, hầu hết các ca mắc COVID-19 đều được cách ly, điều trị tại nhà. Để nhanh chóng hồi phục, tất cả những bệnh nhân điều trị tại nhà phải tuân thủ điều trị theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế; Không được tự mua thuốc điều trị COVID-19 tại nhà. Vì người bệnh dùng không đúng chỉ định, thậm chí không may mua phải thuốc giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thì không những không lành bệnh mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tốn kém về kinh tế.

Kinh nghiệm truyền miệng điều trị COVID-19: Cẩn thận tiền mất tật mang!
Lực lượng chức năng kiểm tra việc thực hiện các quy định về kinh doanh, mua, bán mặt hàng dược phẩm, y tế để phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Theo các chuyên gia y tế, một số F0 điều trị tại nhà bị sốt cao từ 38,5 độ C trở lên thì cần hạ sốt. Đối với người lớn, uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5g, có thể lặp lại mỗi 4-6h, ngày không quá 4 viên; Đối với trẻ em, uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6h, ngày không quá 4 lần.

Nếu sau khi dùng thuốc 2 lần không hạ sốt, người mắc COVID-19 hoặc người nhà cần nhanh chóng thông báo ngay cho cán bộ y tế để được xử trí. Ngoài ra, người bệnh cần uống nhiều nước (nước oresol hoặc nước hoa quả), có thể dùng thêm các loại Vitamin, thuốc kháng vi rút theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Để việc điều trị có hiệu quả, F0 điều trị tại nhà cần có tâm lý thoải mái, tập thể dục nhẹ nhàng, tập thở, ăn, uống đầy đủ chất dinh dưỡng; Gia tăng khẩu phần ăn bằng các thực phẩm như tôm, cá, thịt, trứng, sữa và các loại hoa quả như cam, chuối, bơ… nước dừa, nước cháo, chanh muối.

Tránh tiền mất, tật mang, F0 điều trị tại nhà cần tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Ngoài những nổ lực của ngành Y tế, các ngành chức năng có liên quan, nhất là chính quyền, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch địa phương cần quan tâm nhiều hơn nữa đối với những công dân đang cách ly, điều trị tại nhà; Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ kịp thời, nhằm hỗ trợ, giúp đỡ trong việc thực hiện phòng, chống dịch và điều trị có hiệu quả.

Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động