Kinh doanh đa cấp biến tướng vì chế tài chưa đủ mạnh

Việc xử lý kinh doanh đa cấp không phép vẫn chưa đủ mạnh nên các tổ chức, cá nhân vẫn tìm cách lách luật và bất chấp quy định pháp luật để kiếm lời bất chính.
Nhóm người tụ tập trao đổi kinh nghiệm "đa cấp" bị phạt 157 triệu đồng Giấc mơ làm giàu dễ dàng dẫn đến “thiêu thân đa cấp” Edunetwork là dự án giáo dục hay chiêu trò đa cấp trái phép?

Theo Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công thương, trong giai đoạn ban đầu, cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính, nhiều loại hình đa cấp biến tướng cũng núp bóng và phát triển, mọc lên đầy rẫy trên thị trường. .

Trong đó, rất nhiều vụ việc liên quan đến các doanh nghiệp đa cấp hoạt động trong giai đoạn từ trước 2016 đã khiến dư luận rúng động khi gây thiệt hại cho hàng trăm nghìn người tham gia, số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, công tác chỉ đạo, điều hành trong công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được Bộ Công thương đẩy mạnh, qua đó giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp từ Trung ương đến địa phương, tăng cường quan hệ phối hợp giữa Bộ Công thương và các cơ quan chức năng liên quan.

Kinh doanh đa cấp biến tướng vì chế tài chưa đủ mạnh
Ảnh minh họa

Từ diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tới trật tự xã hội vào những năm 2016 trở về trước, đến nay, với sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của Bộ Công thương và các cơ quan chức năng liên quan, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bán hàng đa cấp về cơ bản đã được kiểm soát tốt, không còn các vi phạm nghiêm trọng.

Theo thống kê, về số lượng doanh nghiệp, so với con số 67 doanh nghiệp đầu năm 2016 thì đến hết năm 2020 chỉ còn 22 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động hợp pháp (giảm 67%).

Về số lượng người tham gia bán hàng đa cấp trong giai đoạn 2016 - 2020 mỗi năm ở mức trung bình khoảng 800.000 người, năm 2018 ghi nhận số lượng người tham gia cao nhất ở mức gần 1 triệu 250 ngàn người.

Trong đó, thực chất trung bình khoảng 60% số người tham gia là có nhận được hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế từ hoạt động bán hàng đa cấp. Số lượng người còn lại chỉ ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp để được mua sản phẩm với giá ưu đãi dành cho nhà phân phối của doanh nghiệp.

Về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, các đoàn thanh, kiểm tra của Bộ Công thương thường có thành viên là đại diện Bộ Công an, Bộ Y tế, cơ quan thuế địa phương nhằm đảm bảo nội dung toàn diện, đồng thời hạn chế thanh kiểm tra trùng lặp.

Từ năm 2016 đến nay, Bộ Công thương đã triển khai 65 đoàn thanh tra, kiểm tra (sau đó điều tra và xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2004), xử phạt số tiền hơn 14 tỷ đồng và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 24 doanh nghiệp.

Ngoài ra, số lượng đơn thư, khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp có dấu hiệu giảm rõ rệt so với các năm gần đây. Nếu như năm 2016 số lượng đơn khiếu nại tố cáo các doanh nghiệp đa cấp đến hơn 1.000 đơn thư thì con số này đã giảm đáng kể, năm 2017 có hơn 700 đơn thư và đến năm 2020 có 79 đơn thư khiếu nại liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công thương, hiệu quả công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trong thời gian qua đã được nâng cao rõ rệt, các giải pháp quản lý được thực hiện một cách có trọng tâm trọng điểm, với sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương.

Trong giai đoạn gần đây, các doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp được cấp giấy chứng nhận theo đúng quy định của pháp luật (hiện nay là 22 doanh nghiệp) bị kiểm soát chặt chẽ, thì các hình thức kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép, biến tướng lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo, trục lợi thông qua nhiều hình thức lại có xu hướng nở rộ, gây dư luận rất xấu và đòi hỏi sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý liên quan để xử lý vấn đề này.

Do vậy, công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trong giai đoạn năm 2021-2025 tới gặp một số những khó khăn và thử thách mới.

Cụ thể, việc xử lý kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép vẫn chưa đủ mạnh nên các tổ chức, cá nhân vẫn tìm cách lách luật và bất chấp quy định pháp luật để kiếm lời bất chính.

Đồng thời, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép hoặc không có phép đã lôi kéo, dụ dỗ một bộ phận không nhỏ người dân tham gia. Do đó, các cơ quan quản lý cần có nhiều biện pháp tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hiểu biết về hoạt động bán hàng đa cấp để nâng cao nhận thức của người dân hiệu quả hơn.

Cùng với đó, các đối tượng không phép này có phương thức hoạt động tinh vi, phức tạp, lợi dụng môi trường mạng và hình thức thương mại điện tử để kêu gọi người tham gia dưới các danh nghĩa như kinh doanh 4.0, công nghệ số, nền tảng số…

Hơn nữa, việc theo dõi, thu thập thông tin, tài liệu để xử lý các đối tượng này rất khó khăn. Trong khi các đối tượng này hoạt động không phép nên không được quản lý theo các quy định pháp luật chuyên ngành hiện nay. Do vậy việc xử lý đối với các đối tượng này cần có sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý từ Trung tương tới địa phương.

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp phù hợp với yêu cầu thực tế và sự phát triển của ngành, đồng thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp đặc biệt là hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, đặc biệt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ở các địa phương cần được triển khai đồng bộ và bao quát toàn bộ các địa bàn của từng địa phương...

Theo TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động