Kiến nghị chính sách bán lẻ trong khu thương mại tự do và khu phi thuế quan
Công ty ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm cổ đông lớn của Nasco Ông Johnathan Hạnh Nguyễn trao tặng 1 tỷ đồng cho Vùng 2 Hải quân |
Tại Diễn đàn Hải quan - Doanh nghiệp 2024 với chủ đề “10 năm phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp” do Tổng cục Hải quan tổ chức mới đây, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với nhà chức trách.
Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, trong 10 năm qua, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ quan Hải quan đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ, không ngừng phát triển cả về chất lượng lẫn quy mô.
“Chúng ta đã và đang xây dựng một mối quan hệ đối tác chiến lược, không chỉ dừng lại ở các thủ tục thông quan, mà còn là một sự hợp tác toàn diện, cùng nhau hướng đến mục tiêu xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, hiệu quả”, vị tỷ phú chia sẻ .
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng đánh giá, ngành Hải quan cũng đã có nhiều tiến bộ trong việc cải tiến các quy trình hỗ trợ doanh nghiệp và phù hợp với các thông lệ quốc tế bao gồm: chuyển đổi số, hải quan thông minh và đơn giản hóa thủ tục… điều này đã giúp doanh nghiệp giảm thiểu những sai sót, mang lại sự an toàn cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn phát biểu tại Diễn đàn Hải quan - Doanh nghiệp năm 2024. Ảnh: T.Bình. |
Để tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng nêu trên, ông Johnathan Hạnh Nguyễn kiến nghị, đề xuất cơ quan Hải quan 6 nội dung quan trọng.
Thứ nhất, hoàn thiện hơn nữa khung tiêu chuẩn an ninh và tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (SAFE) của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) để có thể bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.
Thứ hai, đơn giản hóa thêm thủ tục, mặc dù thời gian qua các thủ tục đã được đơn giản hóa đáng kể, nhưng vẫn còn phức tạp đối với một số loại hàng hóa đặc thù, như hàng công nghệ cao hoặc hàng hóa song dụng. Việc chuẩn hóa thủ tục sẽ tiết kiệm thời gian và nguồn lực của doanh nghiệp.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn được vinh danh tại Diễn đàn Hải quan - Doanh nghiệp năm 2024. |
Thứ ba, tăng cường giám sát và kiểm tra việc chống gian lận thương mại nhằm đảm bảo mọi hoạt động xuất nhập khẩu tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật, giúp bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp làm ăn chân chính, góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và ổn định.
Thứ tư, tăng cường tự động hóa và triển khai trí tuệ nhân tạo (AI). Ông cho rằng, AI có thể được mở rộng hơn để tự động hóa nhiều khía cạnh của thủ tục hải quan như việc phát triển hệ thống quản lý rủi ro dựa trên AI sẽ giúp giảm thiểu các cuộc kiểm tra không cần thiết ,tập trung vào các lô hàng có rủi ro cao, từ đó giảm thiểu sự chậm trễ cho hàng hóa ít rủi ro.
Thứ năm, tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) thông quan thực hiện thêm các chương trình hỗ trợ chuyên biệt cho các SME đặc biệt là trong việc tiếp cận thông tin.
Thứ sáu, nghiên cứu phát triển cơ chế chính sách bán lẻ trong khu thương mại tự do và khu phi thuế quan.
Tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, gần đây đã có rất nhiều khu thương mại tự do và khu phi thuế quan đã và đang được hình thành nhưng thiếu nhiều cơ chế chính sách mang tính ưu đãi hấp dẫn.
"Chúng tôi đề xuất cơ quan Hải quan tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách thương mại bán lẻ rõ ràng, hợp lý , bao gồm việc thiết lập định mức mua hàng miễn thuế có tính cạnh tranh so với quốc tế và khu vực, nhằm thúc đẩy du lịch trong và ngoài nước, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bắt kịp với các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia,...nơi các chính sách này đang được áp dụng hiệu quả", Chủ tịch Tập đoàn IPPG chia sẻ.