Kiểm soát chặt nguồn tín dụng cấp cho kinh doanh bất động sản
Chỉ thị nêu rõ, trong thời gian qua các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã tích cực, nỗ lực tổ chức thực hiện quy định pháp luật và sự chỉ đạo, điều hành, các giải pháp, chính sách của Chính phủ về thị trường bất động sản, vì vậy từ năm 2014 đến nay thị trường bất động sản đã dần hồi phục và đang trên đà tăng trưởng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa hợp lý, dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, thiếu sản phẩm nhà ở xã hội và nhà ở giá thấp phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người dân.
Kiểm soát chặt nguồn tín dụng cung cấp cho kinh doanh bất động sản. |
Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở còn khá cao so với thu nhập của người dân, nguồn lực huy động chưa đa dạng. Cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện dự án đến giao dịch bất động sản chưa đồng bộ, đầy đủ, thiếu tin cậy, thiếu minh bạch.
Chính vì vậy, nhằm khắc phục những yếu kém, tồn tại nêu trên và tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định và lành mạnh trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Chỉ thị này.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao theo dõi chặt chẽ tình hình, tiếp tục điều hành các giải pháp chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Khuyến khích các tổ chức tín dụng phân bổ vốn tín dụng đối với dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở cho thuê.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng được giao chỉ đạo các tổ chức tín dụng được chỉ định lập kế hoạch vốn cấp bù lãi suất, tổng hợp báo cáo cơ quan có thẩm quyền để bố trí vốn ngân sách nhà nước cho phát triển nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở. Mặt khác, tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với hoạt động cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh bất động sản, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng phải chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp trong công tác thu hồi nợ xấu của tổ chức tín dụng, hoàn thiện thể chế, nhất là đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mức trong quá trình áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.