“Khơi thông”các động lực tăng trưởng để hoàn thành tốt các mục tiêu

Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6 - 6,5%, đây được đánh giá là mức khá cao trong bối cảnh toàn cầu còn nhiều bất định. Chính vì vậy, việc nhận diện và phát huy các động lực tăng trưởng có ý nghĩa hết sức quan trọng chúng ta hoàn thành các mục tiêu.
Năm 2024, quyết liệt tháo gỡ khó khăn để hoàn thành tốt các mục tiêu Chính phủ đề xuất 8 cơ chế đặc thù cho chương trình mục tiêu quốc gia

Năm thách thức nhiều hơn thời cơ

Năm 2024, nước ta tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức đan xen với thuận lợi, thời cơ, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Cụ thể, về thuận lợi, quy mô, tiềm lực của nền kinh tế không ngừng được mở rộng qua gần 40 năm đổi mới; nước ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quản lý, ứng phó với những biến động của tình hình thế giới, khu vực, nhất là trong giai đoạn đại dịch COVID-19, được các tổ chức quốc tế, tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu, doanh nghiệp lớn toàn cầu ghi nhận, đánh giá cao, năng lực quản trị xã hội không ngừng được nâng lên.

Đây là nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục ứng phó, thích ứng hiệu quả với những khó khăn, thách thách mới, nhất là những vấn đề bất ngờ phát sinh.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các yếu tố nền tảng về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo... tiếp tục được nâng lên, nhất là Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp đầu năm 2024, từng bước đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển đất nước và thực tiễn phát sinh.

“Khơi thông”các động lực tăng trưởng để hoàn thành tốt các mục tiêu
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Nhất là chúng ta đã hoàn thành, đưa vào sử dụng khoảng 1.900km đường cao tốc, trong đó riêng năm 2023 là 475km đường cao tốc, các tuyến đường ven biển, liên vùng, mở ra không gian phát triển mới cho cả nước, vùng và địa phương.

Đặc biệt, hoạt động đối ngoại, ngoại giao cấp cao, ngoại giao kinh tế là điểm sáng nổi bật, đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Đặc biệt là đã tiếp đón thành công chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình; nâng tầm quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển, Nhật Bản lên đối tác chiến lược toàn diện. Qua đó mở ra cơ hội mới, thời cơ và thuận lợi mới trong hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực kinh tế, các ngành công nghiệp mới, như chip, bán dẫn, văn hóa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao…

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức phải đối mặt vẫn còn rất lớn. Năm 2024, rủi ro tiềm ẩn từ môi trường chính trị kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Trong đó, cạnh tranh chiến lược các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, xung đột tại Ukraine và dải Gaza nhiều khả năng còn kéo dài làm gia tăng tình trạng phân mảnh địa chính trị, địa kinh tế. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong đó có Đông Nam Á, tiếp tục là động lực tăng trưởng toàn cầu, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, “điểm nóng” khó lường, đe dọa đến môi trường hòa bình và ổn định của khu vực.

Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm; lạm phát, chính sách tiền tệ của một số nền kinh tế lớn còn chứa đựng yếu tố bất định. Các nước đẩy nhanh việc thực thi, “pháp lý hóa” các tiêu chuẩn, tiêu chí mới về thương mại và đầu tư quốc tế, tạo sức ép thực thi trên toàn cầu, tác động đến khả năng cạnh tranh của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, yêu cầu các nước phải có điều chỉnh, thích ứng cả trong ngắn hạn và dài hạn.

“Khơi thông”các động lực tăng trưởng để hoàn thành tốt các mục tiêu
Năm 2024, đầu tư công sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế.

Cùng với đó, các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống, nhất là dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng… sẽ tiếp tục phức tạp, gay gắt hơn, ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, có thể đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta...

Đồng thời, diễn biến bất lợi của thế giới, khu vực sẽ tiếp tục tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư… của nước ta. Cơ cấu cầu thế giới thay đổi theo hướng tới “tiêu dùng xanh” tạo ra thách thức không nhỏ đối với các sản phẩm của Việt Nam trong việc đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ… từ đó tham gia sâu vào chuỗi giá trị mới.

Khai thông các động lực tăng trưởng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh khó khăn như vậy, năm 2024, chúng ta cần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; tập trung vào 3 động lực tăng trưởng; làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới; quyết liệt tháo gỡ các “điểm nghẽn” để hỗ trợ doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh.

Hơn nữa, chúng ta cũng cần thực hiện quyết liệt, hiệu quả 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực; thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, sức cạnh tranh; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế mới, thương mại điện tử, thương mại biên giới.

“Khơi thông”các động lực tăng trưởng để hoàn thành tốt các mục tiêu
Các sự kiện ngoại giao quan trọng đã mở ra cơ hội mới để chúng ta mở rộng hơn nữa quan hệ kinh tế quốc tế. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, tháng 12/2023.

Mặt khác, chúng ta cũng cần tiếp tục tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhất là các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Còn theo ông Nguyễn Tuấn Thịnh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội (đại biểu Quốc hội thuộc đoàn Hà Nội), để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,0 - 6,5% trong năm 2024 thì ngay từ đầu năm cần tập trung thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó, quan trong nhất là đẩy mạnh đầu tư công, nhất là các công trình hạ tầng giao thong, hạ tầng năng lượng, hạ tầng kỹ thuật số; không cho phép diễn ra tình trạng “đầu năm đủng đỉnh” trong giải ngân vốn đầu tư công.

Nnăm 2024 chi tiêu công của Chính phủ, đặc biệt là đầu tư công vẫn là động lực quan trọng để kích thích tăng trưởng về phía tổng cầu, đồng thời gia tăng được nội lực của nền kinh tế. Để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, các “nút thắt” về thủ tục tài chính, sự hợp tác linh hoạt và nhanh chóng giữa bộ ngành - địa phương - các nhà đầu tư… cần được đẩy mạnh hơn.

Cùng với đó là việc quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giải quyết các điểm nghẽn để thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư xã hội, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực, dự án ưu tiên.

Một động lực khác đến từ ngoại giao kinh tế cũng sẽ là “đột phá” quan trọng của Việt Nam trong năm 2024. Các sự kiện ngoại giao quan trọng vừa qua, như việc nâng cấp quan giữa Việt Nam với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... đã mở ra cơ hội mới để chúng ta mở rộng hơn nữa quan hệ kinh tế quốc tế.

Có thể nói, quan hệ ngoại gia không chỉ là động lực cho tăng trưởng, mà sẽ là “sung lực” mới cho sự phát triển của nền kinh tế - xã hội Việt Nam trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Hậu Lộc
Phiên bản di động