Khơi nguồn lực nội sinh từ văn hóa, con người để phát triển Thủ đô xứng tầm vị thế

TTTĐ - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, thành phố xác định rõ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, là sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô. Đây chính là điểm mới về nhận thức của Đảng bộ thành phố.
Các Nghị quyết của HĐND TP đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô một cách toàn diện Công tác Đảng nhiệm kỳ 2015 - 2020: Khơi dậy sức mạnh mềm phát triển Thủ đô Giữ vững an ninh chính trị, tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển Thủ đô

Xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy chính quyền

Sáng 23/4, thông tin về Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” tại hội nghị trực tuyến cán bộ chủ chốt học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khoá XVII, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, chương trình có sự kế thừa và phát triển trên cơ sở Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy khoá XVI về “Phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Chương trình được xây dựng hướng đến mục tiêu phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến; Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Đặc biệt, Hà Nội xác định rõ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; Thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, là sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong trình bày các chương trình công tác
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong trình bày các chương trình công tác

Cụ thể hóa mục tiêu, Thành ủy Hà Nội đề ra 18 chỉ tiêu theo 7 nhóm và 3 yêu cầu trong Chương trình số 06-CTr/TU. Đáng chú ý, Hà Nội phấn đấu có tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hoá hàng năm (tính trên tổng số đăng ký) đạt từ 70-73%; 100% thôn, làng có nhà văn hóa; Tỷ lệ người tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 42,5% trở lên; Tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao trở lên đạt 31% trở lên…

Thành ủy cũng đã đề ra 14 nhiệm vụ về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trong đó, Thành ủy Hà Nội xác định xây dựng và phát triển văn hóa là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của cả hệ thống chính trị; Phải chú trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy cơ quan nhà nước; Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa phù hợp với xu thế thời đại gắn với phát huy những giá trị văn hóa sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội...

Thành ủy Hà Nội đề ra 6 giải pháp trọng tâm phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong nhiệm kỳ mới. Đặc biệt, Chương trình cũng nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng Nghị quyết của Thành ủy khóa XVII về phát triển công nghiệp văn hóa nhằm xây dựng, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển lĩnh vực này trong tình hình mới.

Với mục tiêu, yêu cầu rõ nét, những nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, chủ động, Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII toát lên tinh thần quyết tâm đổi mới, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; Khơi nguồn lực nội sinh từ văn hóa, con người Thủ đô để phát triển xứng tầm với truyền thống nghìn năm văn hiến, trung tâm văn hóa lớn của đất nước.

Đưa khoa học, công nghệ thành động lực phát triển

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Tiếp đó, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã thông tin về Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021- 2025”.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, những năm qua, Hà Nội đã khẳng định vai trò là trung tâm hàng đầu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước. Cơ chế quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã chuyển mạnh từ phương thức giao trực tiếp sang đặt hàng, tuyển chọn. Kết quả nghiên cứu được ứng dụng hiệu quả hơn vào thực tiễn với khoảng 85% nhiệm vụ sau khi nghiệm thu đã được ứng dụng trong thực tế.

Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm số 20-CTr/TU của Thành ủy đã cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng Văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ thành phố. Các hoạt động đổi mới sáng tạo bước đầu được triển khai và có hiệu quả. Phong trào khởi nghiệp sáng tạo bước đầu đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, nhất là trong giới trẻ…

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế còn tồn tại như hoạt động khoa học, công nghệ của Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; Chất lượng nhân lực khoa học, công nghệ chưa đáp ứng được nhu cầu; Cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao, phát triển công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn thiếu và chưa đồng bộ…

Vì thế, mục tiêu của Chương trình số 07-CTr/TU là Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.

Để thực hiện, thành phố sẽ tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó sẽ xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Hà Nội” hoạt động theo nguyên tắc khoa học mở, đổi mới sáng tạo mở; Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; Tổ chức các sự kiện quy mô quốc gia, quốc tế về khoa học công nghệ…

Phiên bản di động