Khẳng định vai trò đầu tàu tăng trưởng, chủ lực trong nền kinh tế

Nhờ sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống, thời gian qua, đặc biệt là những thời điểm khó khăn, ngành Công thương vẫn phát huy vai trò, vị trí là ngành chủ chốt, động lực của nền kinh tế, đi đầu trong công tác hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chính sách tài khóa còn dư địa để hỗ trợ nền kinh tế Quốc hội đánh giá bổ sung về tình hình kinh tế - xã hội

Phát huy vị trí là ngành chủ chốt, động lực của nền kinh tế

Những năm qua, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có như đứt gãy nguồn cung, suy giảm tổng cầu do dịch bệnh, xung đột vũ trang, chiến tranh thương mại và cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn. Nhiều tồn tại, lũy kế của ngành chưa thể giải quyết triệt để, đặc biệt là liên tục thiếu lãnh đạo Bộ và nhân lực có kinh nghiệm của ngành song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ, phối hợp và giúp đỡ của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và Nhân dân cả nước, ngành Công thương đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Trong đó, sản xuất công nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn sau đại dịch, từng bước phục hồi phát triển, có sự bứt phá từ quý III/2023 đến nay, duy trì vai trò động lực tăng trưởng của nền kinh tế đất nước; thương mại trong nước tăng trưởng khá mạnh, vượt mục tiêu đề ra và là trụ đỡ cho nền kinh tế trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn thách thức; hàng hóa dồi dào với giá cả khá ổn định; xuất nhập khẩu 8 năm liền đạt được kỷ lục mới về kim ngạch và thặng dư thương mại. Trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất, nhập khẩu tiếp tục tăng trên 16% so với cùng kỳ năm trước, thặng dư thương mại đạt trên 8,1 tỷ USD, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Đặc biệt trong một số lĩnh vực như thương mại điện tử phát triển rất mạnh với tốc độ tăng bình quân 20 - 25%/năm, thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng; quy mô thương mại điện tử đạt trên 20 tỷ USD/năm, chiếm 8% tổng doanh thu hàng hóa tiêu dùng cả nước.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, để thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo Bộ Công thương cùng các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu thông qua việc đàm phán, ký kết và khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên.

Khẳng định vai trò đầu tàu tăng trưởng, chủ lực trong nền kinh tế
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên

Đến nay, Việt Nam đã có 16 FTA đã được đưa vào thực thi với hơn 60 đối tác (hầu hết là các nền kinh tế lớn), phủ rộng khắp các châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa nước ta trở thành một trong 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế, với tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và liên tục đạt kỷ lục về xuất siêu.

Để đạt được kết quả đó, ngành Công thương đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về các cam kết quốc tế trong các FTA mà Việt Nam là thành viên; đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp và người sản xuất tập trung khai thác các thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa và phát huy vai trò của các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường và các quy định, chính sách mới của các nước sở tại, giúp các doanh nghiệp, người sản xuất và cơ quan quản lý Nhà nước có phản ứng chính sách phù hợp.

Việc khai thác có hiệu quả các FTA thời gian qua đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng, đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa nước ta tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, hiệu quả khai thác các ưu đãi từ các FTA chưa như kỳ vọng; xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta vẫn phụ thuộc nhiều vào một số thị trường lớn; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước còn thấp so với các doanh nghiệp FDI... Đây là những vấn đề mà Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương liên quan cần quan tâm, tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, những năm qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành Công thương đã chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp này theo quy định của Nhà nước; kịp thời phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh; đồng thời, tích cực kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn kinh tế đa quốc gia.

Với sự hỗ trợ của Nhà nước cùng nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí của nước ta đã có bước phát triển đáng kể, tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành, giữ vị trí dẫn dắt, đầu tàu tăng trưởng của ngành công nghiệp, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng trong nước, đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, thặng dư thương mại, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tăng trưởng chung.

Cụ thể, lĩnh vực chế biến, chế tạo, trong đó có công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí luôn nắm vị trí dẫn dắt, đầu tàu cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp nói chung. Trong 5 tháng đầu năm 2024, lĩnh vực chế biến chế tạo duy trì đà tăng trưởng 7,3% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng chỉ số phát triển công nghiệp - IIP).

Mặc dù vậy, thực tế triển khai các chính sách cũng bộc lộ những hạn chế, khó khăn từ các nguyên nhân chủ quan, khách quan, từ khâu thiết kế chính sách cũng như năng lực hấp thụ của doanh nghiệp. Trước tình hình đó, ngành Công thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai cụ thể nhiều giải pháp.

Khai thác các lợi thế, biến thách thức thành cơ hội

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, ngành Công thương sẽ tiếp tục đổi mới, khai thác các lợi thế, biến thách thức thành cơ hội để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy tận dụng hiệu quả các FTA.

Khẳng định vai trò đầu tàu tăng trưởng, chủ lực trong nền kinh tế
Ngày 28/5/2024, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đồng chủ trì cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gạo và rau quả những tháng cuối năm 2024.

Cụ thể, ngành Công thương sẽ nắm bắt khó khăn, vướng mắc về sản xuất, xuất khẩu hàng hoá thông qua mối liên hệ chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng để kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền; nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước.

Đồng thời, ngành Công thương cũng sẽ đề xuất cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh chính sách thu hút FDI theo hướng gắn liền với yêu cầu nâng cao tỷ lệ giá trị nội địa hóa; ban hành chính sách ưu đãi về tín dụng, tài chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu tiếp cận với nguồn vốn tín dụng và nguồn tài chính hiệu quả để thúc đẩy khoa học và công nghệ, các hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cùng với đó là hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trong đó có doanh nghiệp cơ khí, thông qua các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là công nhân kỹ thuật; công tác nghiên cứu, thiết kế, chuyển giao công nghệ; tạo thị trường cho công nghiệp hỗ trợ bằng cách phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn (các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh), cũng như thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam; từng bước mở rộng ra thị trường nước ngoài để tận dụng các FTA đã ký kết và khai thác các thị trường tiềm năng mới.

Ngoài ra, ngành Công thương cũng sẽ tích cực tham mưu các cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, ràng buộc các doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ thực chất các doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển kỹ năng quản trị, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt để từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Người đứng đầu ngành Công thương cũng nhấn mạnh việc phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế; tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng, phòng vệ thương mại... bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp.

Đặc biệt là việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hoàn thiện bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; tiếp tục đổi mới phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, tạo chuyển biến mạnh trong toàn hệ thống; nâng cao hiệu quả công tác hội nhập quốc tế về kinh tế, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hậu Lộc
Phiên bản di động